Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Ðồng Nai có trên 25,7 ngàn thí sinh dự thi, trong số đó có trên 17,3 ngàn thí sinh thi để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Ðồng Nai có trên 25,7 ngàn thí sinh dự thi, trong số đó có trên 17,3 ngàn thí sinh thi để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Nhóm học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Trảng Bom) tham quan Khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: C.Nghĩa |
Theo Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT), 17,3 ngàn thí sinh của Đồng Nai đăng ký xét tuyển vào các trường đại học với gần 55,2 ngàn nguyện vọng. Các ngành kinh tế, kỹ thuật tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của các thí sinh khi đăng ký xét tuyển.
* Chuộng ngành kinh tế kỹ thuật
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh, cho biết chọn nghề đúng với sở trường của bản thân đã là tốt, nhưng đúng với nhu cầu của xã hội còn tốt hơn nhiều. Để có cơ hội việc làm cao trong tương lai, học sinh cần chọn nghề phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế của đất nước, cần tìm hiểu kỹ xem đất nước thiếu, đang cần gì trong giai đoạn hội nhập. Để làm điều này thì học sinh không thể tự mình quyết mà cần tham khảo kỹ ý kiến gia đình, thầy cô, các chuyên gia và những người có kinh nghiệm. |
TS.Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai, cho biết kết thúc đợt đăng ký hồ sơ xét tuyển vào đại học, cao đẳng cuối tháng 4 vừa qua, trường nhận được trên 4 ngàn nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển. Các ngành kinh tế, gồm: kế toán, quản trị kinh doanh, tiếng Anh thương mại… có xu hướng tăng khoảng 20%. TS.Hùng nhận định: “Kinh tế phục hồi tốt dẫn đến việc làm ở các ngành kinh tế, kỹ thuật thuận lợi hơn nên học sinh đăng ký xét tuyển ở các ngành này nhiều hơn”.
Theo Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường đại học công nghệ Đồng Nai Nguyễn Văn Huy, lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường trong mùa tuyển sinh năm 2017 tăng đáng kể. Trường nhận được tổng số 2.200 nguyện vọng xét tuyển. Nhóm ngành kinh tế vẫn đứng đầu về lựa chọn, trong đó ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, du lịch tiếp tục là các ngành “hot”.
Còn TS.Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, cho biết năm nay số thí sinh xét tuyển vào trường là trên 2.300 thí sinh, có 600 thí sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ. Ngành dược học thường có điểm xét tuyển dự kiến cao hơn các ngành khác và số thí sinh đăng ký tiếp tục tăng.
Trong khi đó, ngành cơ - điện tử là thế mạnh về đào tạo của Trường đại học Lạc Hồng tiếp tục thu hút người học nhờ khả năng dễ xin việc, đặc biệt ngành cơ - điện tử năm nay đã thu hút khá đông các nữ thí sinh đăng ký xét tuyển. Các ngành kinh tế, xây dựng, công nghệ thực phẩm và ngoại ngữ, như: tiếng Anh, tiếng Nhật, Hàn cũng là ngành được lựa chọn, bởi các ngành này nhu cầu lao động còn ở mức cao, nhất là các ngành ngoại ngữ.
* Chọn nghề theo dự báo
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đi đầu là các tỉnh, thành: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục là tâm điểm của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản đang phát triển tốt đã tạo động lực cho nhiều người muốn đầu tư chọn các ngành kinh tế, kỹ thuật.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh, nhận định có 7 ngành sẽ dễ tìm kiếm việc làm trong dài hạn và đang được thí sinh chọn nhiều trong mùa tuyển sinh năm nay, đó là: tiếng Anh, công nghệ thông tin, du lịch và quản lý khách sạn, cơ điện tử, quản trị kinh doanh, ngoại thương, xây dựng.
Nhờ những dự báo về nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là dự báo khả quan về thị trường lao động kỹ thuật nhiều trường cao đẳng có cơ hội để đào tạo hết công suất, đặc biệt với các ngành, như: cơ khí, điện tử, may mặc thiết kế thời trang… Ông Lê Quang Trung, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Lilama 2, cho biết xã hội đã có cái nhìn mới về học nghề nên đến nay trường đã nhận được trên 1.200 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các ngành: cơ khí, điện tử, điện công nghiệp, hàn điện… Có nhiều hơn thí sinh ngoại tỉnh, như: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận đăng ký vào học tại trường…
Em Nguyễn Thị Tuyết Mai, học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Trảng Bom), cho biết đã đăng ký 3 nguyện vọng vào 3 trường đại học khác nhau và đều là những ngành kỹ thuật. Theo Tuyết Mai: “Ngành kinh tế điểm trúng tuyển đầu vào thường cao hơn, trong khi đó các ngành kỹ thuật có thể chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng thôi cũng dễ xin việc làm hơn. đó là lý do em chọn ngành kỹ thuật”.
Còn ông Nguyễn Lê Nhật Thanh, cán bộ Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.Hồ Chí Minh, thì cho rằng: “Trước ngưỡng cửa trường đại học, học sinh đã có sự thông minh hơn trong chọn nghề. Đó là chọn nghề theo nhu cầu của xã hội chứ không chỉ chọn nghề theo dựa trên nhu cầu của chính bản thân mình. Hiện đã có nhiều hơn các lựa chọn học nghề bậc cao đẳng khi học đại học dễ thất nghiêp hơn”.
Công Nghĩa