Xã hội

Vui buồn giáo viên chủ nhiệm

Nghề giáo viên vốn vất vả, nhưng giáo viên làm công tác chủ nhiệm bậc tiểu học còn vất vả gấp bội phần.

Thầy Nguyễn Văn Thành, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A Trường tiểu học Tân An (huyện Vĩnh Cửu) trong giờ trên lớp. Ảnh: C.Nghĩa
Thầy Nguyễn Văn Thành, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A Trường tiểu học Tân An (huyện Vĩnh Cửu) trong giờ trên lớp. Ảnh: C.Nghĩa

Cô Lê Thị Ngọc Lan đã có gần 20 năm làm giáo viên chủ nhiệm lớp 1 tại Trường tiểu học 3-2 (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc) với biết bao vui buồn. Cô không nhớ chính xác đã dạy bao nhiêu học trò lớp 1, nhưng những học trò từ đặc biệt tới cá biệt cô đều nhớ như in.

* Kiên nhẫn để trò ngoan

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết công tác chủ nhiệm khối tiểu học vất vả trăm bề, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp 1 khi học sinh bắt đầu làm quen với chữ cái, số đếm. Giáo viên chủ nhiệm tiểu học là những người đầu tiên đặt nền móng hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Ngoài phải đảm bảo về chuyên môn,  chủ nhiệm lớp tiểu học còn phải lo làm đồ dùng dạy học, vì học sinh tiểu học rất cần phương pháp giáo dục trực quan. Do đó, giáo viên chủ nhiệm rất cần được tôn vinh, hỗ trợ về chuyên môn, chia sẻ của cả ban giám hiệu lẫn phụ huynh.

Năm 1998 tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai), cô Lan về dạy tại Trường tiểu học 3-2 với vai trò chủ nhiệm lớp 1. Cô nhớ nhất là cậu học trò tên Hào bị thiểu năng não, nhận thức chậm dù đã 8 tuổi. Mỗi lần cô gọi đọc bài, Hào chỉ cười hồn nhiên khiến nhiều lúc cô mất kiên nhẫn. Đến nhà Hòa ở ấp 4, cô mới biết nhà em rất nghèo, cha của em cũng bị bại não. Càng thương Hào hơn, hàng ngày cô Lan càng dành nhiều thời gian cho Hào, kiên nhẫn rèn cho em nhớ từng chữ cái, đánh vần từng từ, nhận biết từng con số. Cuối năm lớp 1 Hào biết đọc, biết viết thành thạo và được lên lớp 2.

Còn thầy Nguyễn Văn Thành, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A Trường tiểu học Tân An (huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ nỗi vất vả trong quá trình “cảm hóa” một nữ học sinh cá biệt. Năm học 2014-2015 thầy tiếp nhận lớp mới, trong lớp có T. là một học sinh cá biệt và có hoàn cảnh đặc biệt. Cha T. bỏ đi khi em mới 2 tuổi, mẹ lấy chồng khác, sinh thêm 3 người em nữa. Từ đó, T. đâm ra hư hỏng, thường xuyên lấy trộm tiền của mẹ, bỏ học…

Thầy Thành kể: “T. là học sinh cá biệt nhưng qua tiếp xúc, tôi biết em có ước mơ rất đáng trân trọng là được trở thành cô giáo, được mặc áo dài và có lương phụ mẹ. Từ đó tôi giúp em bằng cách vận động giáo viên, học sinh góp tiền tặng học bổng, tặng xe đạp để em đi học”. Thầy Thành còn nhờ thầy cô trong chi đoàn giáo viên thay nhau đến nhà phụ đạo cho T. vào buổi tối. Thầy Thành xúc động chia sẻ: “Ngày tổng kết năm học, T. còn hứa với tôi lên THCS sẽ ngoan và không bỏ học nữa. Giờ T. đã học lớp 7 Trường THCS Tân An. Tôi hy vọng em sẽ thực hiện được ước mơ của mình”.

* Chỗ dựa của học trò

Với cô Nguyễn Thị Bích Huyền, chủ nhiệm lớp 4A Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn (xã Phú Lợi, huyện Định Quán), mỗi học sinh dù ngoan hay chưa ngoan cô đều coi như con mình. Cô Huyền cho hay: “Học sinh dù thế nào thì đều phải dùng chung một phương pháp giáo dục xuất phát từ lòng yêu thương”. Cô Huyền kể năm học 2013 - 2014, cô chủ nhiệm cậu học trò tên H. thường xuyên gây gổ đánh bạn sưng cả mặt, gãy cả răng. Có lần H. quậy quá đến rách quần. Lần đó thay vì mắng, cô lấy kim chỉ khâu quần cho em trước sự chứng kiến của cả lớp. “Có lẽ hành động của tôi đã làm em H. thấy có lỗi và từ đó em thay đổi, ít quậy hơn và dần dần ngoan hẳn ra” - cô Huyền nói.

Trong khi đó cô Phạm Thị Hà, chủ nhiệm lớp 4/2 Trường tiểu học Thống Nhất B (TP.Biên Hòa), cho hay ở thành phố nhưng vẫn có nhiều hoàn cảnh học sinh khó khăn. Do đó, giáo viên phải sâu sát nắm bắt hoàn cảnh của từng em để giúp đỡ, nếu không nguy cơ bỏ học rất có thể xảy ra. Cô Hà, kể: “Ở lớp có em Trần Đào Lâm Vũ cha mất vì tai nạn giao thông, mẹ bị bệnh nên 2 chị em Vũ vừa đi học vừa phải đi bán vé số mỗi ngày. Tôi phải quan tâm em nhiều hơn so với các em khác, có khi khuya phải gọi điện tới nhà xem em đi bán vé số về chưa”.

Là cô giáo cũng giống như một người mẹ, có hết lòng yêu thương thì trò mới chăm ngoan học giỏi. Cô Lê Thị Ngọc Lan, chia sẻ: “Đôi khi hết giờ dạy, về nhà tập trung lo cho gia đình mà vẫn chưa hết bận với trò. Phụ huynh thường gọi điện tới nhà “mách” vì con cái không chịu ăn, không chịu ngủ, hay khóc nhè… Qua điện thoại, tôi phải “ngọt ngào” để các em chịu ăn, chịu đi ngủ và ngừng khóc nhè giúp cha mẹ các em”.

Còn cô Nguyễn Thị Bích Huyền thì cho biết: “Làm chủ nhiệm lớp có vất vả nhưng cũng có nhiều kỷ niệm vui. Tôi nhớ mãi lần kỷ niệm ngày 20-11-2015 được cậu học trò “quậy” nhất lớp mang tới nhà tặng cho 4 con gà con kèm theo cám tăng trọng. Khi gà lớn, tôi làm thịt đãi cả lớp”.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,403,159       1/927