Xã hội

Giữ tâm lý thoải mái trước kỳ thi

Còn hơn 1 tuần nữa, 26.200 thí sinh của Đồng Nai sẽ cùng với thí sinh cả nước bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Giáo viên môn ngoại ngữ của một trường THPT hướng dẫn học sinh ôn tập ngày cuối cùng để chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia (ảnh chụp sáng 14-6). Ảnh: C.NGHĨA
Giáo viên môn ngoại ngữ của một trường THPT hướng dẫn học sinh ôn tập ngày cuối cùng để chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia (ảnh chụp sáng 14-6). Ảnh: C.NGHĨA

Tâm lý lo lắng và căng thẳng quá mức của học sinh có thể gây phản ứng ngược tới kết quả của kỳ thi sắp tới. Do đó, học sinh nên ôn tập, chăm sóc sức khỏe và tinh thần như thế nào cho tốt để bước vào kỳ thi với tâm lý thoải mái và tự tin nhất là một điều không hề dễ dàng.

* Ôn tập theo hệ thống

Nguyễn Hoài Phương, sinh viên năm thứ nhất Khoa Sư phạm Trường đại học Đồng Nai, chia sẻ: “Để có thể vượt qua được kỳ thi THPT quốc gia và vào được trường đại học như nguyện vọng, ngoài nắm chắc kiến thức, kỹ năng làm bài thì cần phải có sự tự tin. Đừng nghĩ tới chuyện đi thi sẽ rớt, hay kết quả thi tồi tệ mà hãy nghĩ đi thi với quyết tâm cao nhất, từ đó sẽ tạo cho mình động lực và tập trung cao độ. Bên cạnh đó, phải ghi nhớ lịch thi để đến phòng thi đúng giờ, chấp hành nội quy phòng thi để không vi phạm quy chế thi”.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có nhiều đổi mới, ngoài các bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT ra theo hình thức bài thi tổ hợp gồm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm các môn: Vật lý, Hóa học và Sinh học; bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm các môn: Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Thí sinh chọn một trong 2 bài thi tổ hợp để thi nhưng cũng có thể chọn cả 2. Khi đã chọn cả 2 bài thi thì không được bỏ thi bài thi nào.

Theo nhiều giáo viên THPT, học là cả một quá trình nhưng còn hơn 1 tuần nữa tới kỳ thi cũng là khoảng thời gian rất quý. Đến thời điểm này, học sinh nên gấp sách giáo khoa lại, hệ thống hóa kiến thức trong đầu, xem mỗi môn có bao nhiêu chương, bao nhiêu vấn đề, mỗi vấn đề lớn có bao nhiêu vấn đề nhỏ. Qua đó, học sinh có thể tự biết được mình còn nắm chưa chắc vấn đề nào để bổ sung, với những kiến thức đã nắm kỹ rồi thì không nên tập trung quá nhiều, để dành thời gian cho những vấn đề còn chưa chắc chắn.

Thí sinh lớp 12 ôn tập sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Thí sinh lớp 12 ôn tập sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Cô Phạm Thị Thanh Hà, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa), cho hay dù kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều đổi mới trong cách ra đề thi nhưng kiến thức đều nằm trong sách giáo khoa, chủ yếu là chương trình lớp 12. Kiến thức trong các môn này đều rất cơ bản, do đó thí sinh không nên quá lo lắng.

Còn thầy Khương Văn Quang, cố vấn chuyên môn của Trường TH - THCS - THPT song ngữ Lạc Hồng, chia sẻ trước khi đi thi học sinh cũng phải hệ thống lại kiến thức các môn thi. Với môn khoa học tự nhiên thì phải nắm vững kiến thức sách giáo khoa kết hợp với hệ thống sách bài tập và sử dụng các tài liệu tham khảo có độ tin cậy cao, đặc biệt là môn tự nhiên phải có kỹ năng tư duy và tính toán. Học sinh cũng nên tranh thủ luyện tập các dạng bài thi mẫu mà Bộ GD-ĐT đã công bố để quen với dạng đề thi. 

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 Đồng Nai có 26.200 thí sinh, trong đó có 1.499 thí sinh chọn cả 2 bài thi tổ hợp tự nhiên và xã hội (thay vì chỉ cần chọn một trong 2 bài thi này), nếu bỏ một trong 2 bài thi sẽ bị coi là vắng thi.

* Đừng thức quá khuya, dậy quá sớm

Trước mỗi kỳ thi, học sinh thường thức khuya và dậy quá sớm để ôn bài, do đó dẫn tới ngủ không đủ giấc. Khi ngủ không đủ giấc, tinh thần sẽ mệt mỏi, lo âu, từ đó ảnh hướng tới khả năng tiếp thu và ghi nhớ kiến thức. TS.Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh, đề xuất: “Muốn có tinh thần thoải mái thì việc đầu tiên là phải ngủ đủ số giờ cần thiết, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đồng thời tránh dùng chất kích thích không có lợi, như: cà phê, trà, thuốc lá…”

Trong khi đó theo các chuyên gia dinh dưỡng, càng gần tới ngày thi, phụ huynh phải quan tâm sát tới giấc ngủ, bữa ăn cho thí sinh. Trong bữa ăn phải đủ nhóm bột đường, chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất. Cần chú ý uống nhiều nước, uống thêm các loại nước trái cây có nhiều vitamin để tăng sức đề kháng, hạn chế uống nước ngọt có ga dễ làm căng thẳng thần kinh, đầy bụng và chán ăn.

Bác sĩ Mai Thị Hà, Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, chia sẻ: “Mùa thi, đặc biệt là những kỳ thi quan trọng như kỳ thi THPT quốc gia luôn tạo áp lực rất lớn. Do đó, học sinh phải chú ý không ngồi một chỗ liên tục mà nên kết hợp giữa ôn tập và thư giãn, tập thể dục, chia sẻ áp lực ôn tập thi cử với cha mẹ, thầy cô và bạn bè, tránh những chuyện có thể gây sốc về tâm lý…”.

TS.Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh), một chuyên gia tâm lý, đưa ra lời khuyên: “Trước mỗi kỳ thi quan trọng, nhiều phụ huynh thường áp đặt hoặc vô tình áp đặt lên con mình những kỳ vọng quá lớn. Có phụ huynh thì lại để con “tự bơi”. Thay vì áp đặt kỳ vọng quá lớn, phụ huynh nên đồng hành với con mình, giúp con có một sức khỏe tốt, tâm lý thoải mái để chuẩn bị bước vào kỳ thi với tâm lý tốt thì sẽ có kết quả thi tốt nhất”.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,398,953       2/1,138