Xã hội

Đìu hiu thị trường lao động

Vài tháng trở lại đây, thị trường lao động trong tỉnh trở nên trầm lắng, trái ngược với sự sôi động của những tháng đầu năm khi cả doanh nghiệp và người lao động đều có nhu cầu lớn về lao động và việc làm.

Sàn giao dịch việc làm vắng bóng người lao động. Ảnh: H.DUNG
Sàn giao dịch việc làm vắng bóng người lao động. Ảnh: H.DUNG

Nhiều công ty, doanh nghiệp đã phải ra về tay không khi kết thúc các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai.

* Trầy trật tuyển lao động

Nhiều cán bộ, nhân viên nhân sự của các công ty cho rằng sở dĩ các công ty phải “đỏ mắt” tìm lao động tại thời điểm này là bởi vài năm gần đây ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước mọc lên rất nhiều công ty, doanh nghiệp nhằm tận dụng nguồn lao động nông thôn ở các địa phương. Được làm việc gần nhà, không phải tốn nhiều chi phí ăn, ở, đi lại… nên nhiều lao động, đặc biệt là lao động ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung đã chọn làm việc ở quê nhà thay vì tìm việc làm ở các tỉnh phía Nam như những năm trước đây.

Trong tháng 5 và 6-2017, Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cần tuyển 1 ngàn lao động nữ phổ thông. Nếu như năm ngoái mỗi ngày công ty tuyển được 30-40 lao động, thì năm nay phải trầy trật lắm công ty mới tuyển được khoảng 10 lao động/ngày. Trong số đó còn có những hồ sơ chưa đầy đủ giấy tờ, nhưng công ty vẫn nhận rồi nhắc người lao động bổ sung sau.

Lương cơ bản của lao động phổ thông làm 8 tiếng/ngày tại Công ty cổ phần Taekwang Vina là 5 triệu đồng/tháng cùng với những khoản trợ cấp khác. Thời điểm này, công ty cần tuyển những công nhân có tay nghề may nhưng do thị trường lao động quá trầm lắng nên dù người lao động có tay nghề hay không công ty cũng tuyển hết, rồi sau đó tiến hành đào tạo sau. “Hơn 7 năm làm công tác tuyển dụng tại công ty nhưng tôi thấy chưa có năm nào việc tuyển dụng lao động lại trầy trật như năm nay” - chị Nguyễn Thị Hằng, nhân viên nhân sự Công ty cổ phần Taekwang Vina, chia sẻ.

Lý giải về nguyên nhân khan hiếm công nhân, chị Hằng cho rằng thời điểm này người lao động đang ổn định công việc tại các doanh nghiệp, không có nhu cầu nhảy việc hay xin việc mới. Mặt khác, để thu hút người lao động, nhiều doanh nghiệp đã có những chính sách để cạnh tranh với nhau. Chẳng hạn, một công ty ở Khu công nghiệp Amata có chính sách cho công nhân nghỉ 3 ngày thứ bảy/tháng nhưng vẫn được hưởng đủ lương của tháng đó. Việc được nghỉ thêm 3 ngày thứ bảy ngoài 4 ngày nghỉ chủ nhật/tháng khiến nhiều công nhân cảm thấy rất hào hứng.

Tương tự tình cảnh như Công ty cổ phần Taekwang Vina còn có nhiều doanh nghiệp khác, đặc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc, giày da. 2 lần tham gia sàn giao dịch việc làm trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, Công ty TNHH Taekwang MTC Việt Nam (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) không nhận được bất kỳ hồ sơ xin việc nào từ phía người lao động. Cũng ra về “trắng tay” sau một số lần giao dịch việc làm là các Công ty TNHH Việt Nam Wacoal, Công ty một thành viên Vina Cheong Am, Công ty TNHH Dona Pacific Việt Nam…

* Có bằng đại học vẫn thất nghiệp

Trái ngược với nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, lao động có trình độ đại học, cao đẳng không được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Bằng chứng là qua 6 phiên giao dịch việc làm trong 3 tháng gần đây, nhu cầu về lao động có trình độ đại học của các doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, từ 3-8%/tổng số nhu cầu lao động. Tuy nhiên, hồ sơ xin việc của người lao động có trình độ đại học lại luôn vượt quá 100% nhu cầu tuyển dụng. Thậm chí, tại sàn giao dịch mới đây nhất ngày 25-7, số hồ sơ xin việc của lao động trình độ đại học đạt gần 250% so với nhu cầu cần tuyển.

Chị Nguyễn Thanh Hiền (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính - ngân hàng năm 2015 nhưng đến giờ vẫn chưa xin được việc đúng chuyên ngành. “Tôi thường xem thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, nhưng không tìm được công việc phù hợp. Sau nhiều lần nộp hồ sơ xin việc tại sàn giao dịch việc làm, tôi có được gọi phỏng vấn nhưng không được gọi đi làm. Mới đây, tôi đã bỏ tấm bằng đại học ra ngoài hồ sơ để xin đi làm công nhân, hiện tại vẫn chưa có kết quả” - chị Hiền bộc bạch.

Ông Đỗ Văn Khải, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH một thành viên Đệ nhất Hưng Phát (lĩnh vực tài chính - kinh doanh, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết công ty thường xuyên nhận được hồ sơ xin việc của người lao động có trình độ đại học. Tuy nhiên, qua phỏng vấn cho thấy ứng viên còn thiếu nhiều kỹ năng mềm để có thể đáp ứng yêu cầu công việc. Có những sinh viên đã tốt nghiệp nhưng không chú ý tìm hiểu kiến thức xã hội nên hỏi cái gì cũng không biết. Điều này gây khó khăn cho nhiều công ty, bởi ngoài kiến thức chuyên môn thì kỹ năng mềm là điều vô cùng cần thiết đối với lao động trình độ đại học.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,517,681       1/848