Xã hội

Tạo điều kiện tốt để bác sĩ an tâm công tác

Theo Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn, xét ở góc độ kinh tế thị trường, bác sĩ các bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư là phù hợp. Tuy nhiên, sự chuyển dịch lao động như hiện nay là không bình đẳng....

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về tình trạng nhiều bác sĩ ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập xin nghỉ việc, bác sĩ HUỲNH MINH HOÀN, Giám đốc Sở Y tế, nhận định: Xét ở góc độ kinh tế thị trường, bác sĩ các bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư là phù hợp. Tuy nhiên, sự chuyển dịch lao động này là không bình đẳng trong sử dụng nguồn nhân lực ngành y tế.

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Huỳnh Minh Hoàn.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Huỳnh Minh Hoàn.

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn, y tế công lập và ngoài công lập đều thực hiện nhiệm vụ chung là phục vụ người bệnh, song cốt lõi của vấn đề là sự nhận thức và thu nhập; cuộc sống của cán bộ, nhân viên ngành y tế nói chung và bác sĩ nói riêng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của gia đình họ.

 Tại sao lại cho rằng sự chuyển dịch lao động trong ngành y tế hiện nay là bất bình đẳng, thưa ông?

- Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, các bệnh viện và đơn vị y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng. Có thể nói, những cơ sở này đã góp phần chia sẻ với ngành y tế trong công tác khám chữa bệnh ở địa phương, góp phần giảm tải tại các bệnh viện công. Hệ thống bệnh viện tư, phòng khám đa khoa ngoài công lập phát triển nhanh nên có nhu cầu tuyển nhân viên, nhất là bác sĩ có chuyên môn là điều khó tránh khỏi.

Những cơ sở này sẵn sàng đưa ra mức lương hấp dẫn để thu hút nguồn lực nên đã tạo ra sự chuyển dịch lao động trong ngành. Một số bác sĩ ở mạng lưới y tế công lập sẵn sàng bỏ việc để sang bệnh việc tư nhân làm do mức thu nhập cao.

Đáng nói là các bác sĩ bỏ bệnh viện công đều là những người đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ bài bản; có kiến thức, kỹ năng tay nghề cao và kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong khi y tế ngoài công lập không bỏ bất cứ chi phí nào để đào tạo mà lại được sử dụng nguồn nhân lực chất lượng nên thật sự không bình đẳng trong sử dụng nguồn nhân lực y tế.

 Như vậy, nguyên nhân cơ bản khi bác sĩ xin nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập để “đầu quân” vào cơ sở y tế tư nhân chủ yếu là do thu nhập?

- Theo số liệu thống kê năm 2016, toàn tỉnh có 77 bác sĩ xin nghỉ việc. Nhưng từ đầu năm 2017 đến nay đã có 62 bác sĩ bỏ bệnh viện công sang làm ở bệnh viện tư. Trong số bác sĩ xin nghỉ việc có nhiều bác sĩ có chuyên môn cao, hoặc là cán bộ quản lý đơn vị, các khoa chuyên môn, như: 1 bác sĩ là phó giám đốc bệnh viện, 5 bác sĩ trưởng khoa, 8 bác sĩ phó khoa… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng cơ bản là do thu nhập của viên chức (bác sĩ, dược sĩ, cử nhân y tế) trong hệ thống y tế công lập thấp, trong khi mức lương, thu nhập ở các cơ sở ngoài công lập cao gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 6 lần.

Ở các cơ sở y tế công, dù nỗ lực lắm cũng chỉ trả cho bác sĩ có thâm niên làm việc 10-12 năm từ 15-18 triệu đồng/tháng, bác sĩ mới ra trường khoảng 5 triệu đồng/tháng; trong khi các bệnh viện, phòng khám tư sẵn sàng chi trả mức lương từ 30-70 triệu đồng/tháng tùy theo tay nghề và thâm niên. Ngoài ra, khi làm việc tại cơ sở y tế công lập, bác sĩ chịu nhiều áp lực với bộn bề công việc, sức ép từ bệnh nhân, người nhà; đồng thời bị chi phối từ việc khám chữa bệnh bảo hiểm
y tế…

 Thực trạng cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc đã ảnh hưởng như thế nào đối với nhân sự của ngành và công tác khám chữa bệnh, thưa ông?

- Khó khăn trước mắt của những đơn vị có bác sĩ xin nghỉ việc đã dẫn đến chỗ thiếu nhân sự tại các cơ sở y tế. Thời gian qua, mặc dù ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút bác sĩ, đồng thời tổ chức đào tạo bác sĩ chính quy theo địa chỉ sử dụng hoặc liên thông…, song đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều bác sĩ xin nghỉ việc khiến việc thực hiện chỉ tiêu bác sĩ/vạn dân theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X không đạt, từ đó ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

Mặt khác, khi bác sĩ làm công tác lãnh đạo, quản lý ở một số bệnh viện xin nghỉ việc đã gây ảnh hưởng đến tâm lý chung trong ngành. Thời gian qua, một số khoa, phòng khám của các bệnh viện tuyến tỉnh có nhiều bác sĩ nghỉ việc đã gây ra tình trạng không đủ nhân sự, nhất là bác sĩ chuyên môn, tay nghề cao. Việc này cũng ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời làm biến động đối với sự phát triển kỹ thuật chuyên môn, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai khám bệnh cho bệnh nhân.ảnh: Ngọc Thư
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai khám bệnh cho bệnh nhân.ảnh: Ngọc Thư

 Đối với thực trạng đáng lo ngại này, ngành y tế đã có giải pháp gì để “giữ chân”bác sĩ ở các cơ sở y tế công lập yên tâm công tác, cũng như thu hút bác sĩ ở những nơi khác về Đồng Nai làm việc?

- Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tổ chức hội nghị bàn về giải pháp thu hút nguồn nhân lực. Từ đó chúng tôi sẽ tiếp thu, lắng nghe các ý kiến đề xuất của đại diện các cơ sở y tế công lập trên địa bàn nhằm bằng mọi cách “níu chân” các bác sĩ ở lại công tác ổn định. Trên cơ sở đó, sở sẽ có những đề xuất, kiến nghị trình UBND tỉnh xem xét những giải pháp phù hợp với địa phương. Thời gian gần đây tỉnh cũng áp dụng chính sách thu hút viên chức, nhân viên ngành y tế về Đồng Nai làm việc với mức khởi điểm một lần là 100-150 triệu đồng/bác sĩ và hỗ trợ 1,2-1,8 triệu đồng/bác sĩ/tháng. Tuy nhiên, chế độ này chỉ áp dụng cho các cơ sở y tế tuyến huyện và các bệnh viện chuyên khoa.

Để tạo điều kiện cho các bác sĩ yên tâm công tác ở các cơ sở y tế công lập, thời gian tới ngành y tế sẽ đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng mức thu nhập này cho tất cả các bác sĩ làm ở đơn vị y tế nhà nước. Theo tôi, để tháo gỡ những khó khăn này thì giải pháp căn cơ nhất vẫn là sớm triển khai thực hiện Nghị định 16 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Theo đó, từ nay đến năm 2020 các địa phương sẽ tính đủ chi phí và giá khám chữa bệnh, giúp các bệnh viện tự chủ tài chính nhằm tạo cơ chế tăng thêm thu nhập cho đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế.

 Xin cảm ơn ông!

Theo báo cáo của Sở Y tế tính đến cuối tháng 8-2017: Tổng số bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế công lập là 1.462 người. Kế hoạch dự kiến năm nay số lượng bác sĩ đạt tỷ lệ 7,4 bác sĩ/vạn dân. Trong 8 tháng của năm 2017 ngành đã thu hút được 56 bác sĩ, như vậy nếu so với con số nghỉ việc tính đến thời điểm này là 62 người thì số lượng nghỉ việc không phải là nhiều.

Từ năm 2015 đến cuối tháng 8-2017 tổng số bác sĩ tuyển dụng, thu hút về Đồng Nai là 301 người; số lượng bác sĩ đào tạo tại các trường đại học y dược là 322 người (gồm 118 đào tạo liên thông lên bác sĩ và 204 đào tạo theo địa chỉ sử dụng). Tổng số bác sĩ xin thôi việc từ thời điểm trên đến nay là 185 bác sĩ. Các bệnh viện có số lượng bác sĩ thôi việc nhiều nhất là: Bệnh viện đa khoa Thống Nhất: 42 người; Bệnh viện đa khoa Đồng Nai: 35 người; Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai: 18 người; Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai: 12 người…

Kim Liễu (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,201,695       1/259