Bạn đọc

Mức xử phạt cao, đủ sức răn đe

Ngay khi quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, lực lượng cảnh sát giao thông đã ra quân xử phạt người vi phạm.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa đang giải thích kết quả kiểm tra nồng độ cồn đối với một người tham gia giao thông. Ảnh: T.Hải
Lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa đang giải thích kết quả kiểm tra nồng độ cồn đối với một người tham gia giao thông. Ảnh: T.Hải

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã điều chỉnh mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông theo hướng tăng nặng, với mức xử phạt cao, đủ sức răn đe. Qua đó góp phần từng bước kéo giảm, ngăn chặn tai nạn giao thông do rượu, bia trong thời gian tới.

* “Choáng” khi bị phạt nặng

Đêm 4-1, anh Q. (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) điều khiển xe ô tô chở cả gia đình đi chơi về. Khi đến khu vực gần cầu Đồng Tràm trên đường Võ Thị Sáu (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), Công an TP.Biên Hòa đã yêu cầu dừng xe để lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả đo nồng độ cồn bằng máy chuyên dụng, anh Q. vi phạm ở mức 0,19mg/lít khí thở.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, lực lượng chức năng được trang bị mới máy đo nồng độ cồn hiện đại, đạt chuẩn quốc tế thay thế cho máy đo trước kia. Chiếc máy này cho kết quả nhanh chóng và chính xác. Người được kiểm tra chỉ cần thở hoặc thổi hơi vào là lập tức máy cho kết quả (chứ không ngậm vào máy để thở như trước đây nên vẫn đảm bảo kỹ thuật và vệ sinh). Mô hình này giúp cho cảnh sát giao thông kiểm tra được nhiều người điều khiển phương tiện hơn.

Khi nghe cảnh sát giao thông công bố số tiền phải đóng phạt 7 triệu đồng và thời hạn giữ giấy phép lái xe đối với lỗi vi phạm của mình, anh Q. đã tỏ ra ngỡ ngàng, thậm chí phản ứng vì mức phạt quá nặng. Bản thân anh chỉ mới uống chưa đầy một lon bia cùng với mọi người trong gia đình nên không nghĩ rằng mình “dính” lỗi nồng độ cồn.

“Tôi biết thông tin về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cấm người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Nghị định xử phạt cũng vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, tôi không nghĩ là lực lượng chức năng đã ra quân kiểm tra, xử lý ngay” - anh Q. nói.

Cũng trong buổi đầu tiên ra quân kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, tổ công tác của Công an TP.Biên Hòa phát hiện anh H. (ngụ phường Tam Phước, TP.Biên Hòa) đang điều khiển xe máy chở theo bạn có biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu lệnh mời vào kiểm tra. Kết quả cho thấy nồng độ cồn của anh ở mức 0,285mg/lít khí thở. Tuy nhiên, anh H. bất hợp tác và không ký vào biên bản vi phạm.

Khoảng 15 phút sau, tổ công tác đã thuyết phục và anh H. chấp hành quay lại làm việc. Theo biên bản tại hiện trường, anh vi phạm ở Điểm c, Khoản 7, Điều 6 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt,  điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/lít khí thở. Do đó, ngoài mức phạt tiền 7 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 6 ngày, anh H. còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe lên đến 23 tháng. Đây là mức phạt cao nhất về vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện là xe máy.

Theo anh H., anh chỉ mới uống 2-3 lon bia trong buổi liên hoan của công ty. Sau khi tan cuộc vui, anh chạy xe ra về thì bị phát hiện vi phạm. “Tôi làm công nhân lương không cao, giá trị của chiếc xe máy đang đi cũng không bằng với số tiền phạt phải đóng. Bây giờ bị tạm giữ phương tiện, những ngày tới tôi không biết phải đi làm bằng gì và phải đi mượn tiền đóng phạt mới lấy được xe và bằng lái” - anh H. cho hay.

Theo một số cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an TP.Biên Hòa, trong quá trình xử lý vi phạm, đối với những trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành, ngoài kết quả từ máy đo nồng độ cồn, lực lượng chức năng còn kết hợp ghi hình đưa vào làm căn cứ để xử phạt một cách khách quan và đúng pháp luật.

* Tăng cường biện pháp tuyên truyền

Thượng tá Lê Thanh Sơn, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa cho hay, để bảo đảm cho người dân vui chơi, đi lại được an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng công an đồng loạt ra quân mở cao điểm tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên địa bàn đơn vị đảm trách. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn.

“Vào ban đêm, lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn tại các tuyến đường trung tâm của TP.Biên Hòa. Bên cạnh vấn đề xử phạt, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người dân, một khi đã uống rượu, bia thì không lái xe” - Thượng tá Sơn nói.

Theo luật sư Lê Văn Nhân, Hội Luật gia tỉnh, mức phạt đối với hành vi uống rượu, bia sau khi điều khiển phương tiện giao thông tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP được tăng lên rất cao. Không chỉ dừng lại ở mức phạt tiền mà các hình thức phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe cũng được nâng lên rất nhiều so với trước đây. Mức phạt như vậy đủ sức răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm giao thông vì “đánh mạnh” vấn đề kinh tế khiến người dân phải cân nhắc, dè chừng. Về lâu dài người tham gia giao thông sẽ thay đổi nhận thức và biết được hậu quả nghiêm trọng do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia gây ra.

“Để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thực sự đi vào đời sống, ngoài ý thức chấp hành của người dân thì trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật cũng đóng vai trò quan trọng. Cần phải áp dụng các quy định của pháp luật khi làm nhiệm vụ một cách khách quan và nghiêm khắc. Tất cả các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn đều phải bị xử lý” - luật sư Nhân nhấn mạnh.

Thanh Hải

Đồng Nai

© 2021 FAP
  122,384       1/346