Công nghệ thông tin

Trao “gươm” cho người đứng đầu

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn tin rằng với Nghị định 108/CP, việc tinh giản biên chế sẽ hiệu quả hơn. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, người đứng đầu có thể bị xem xét bố trí công tác khác

Phóng viên: Nghị định 108/CP về chính sách tinh giản biên chế được Chính phủ ban hành ngày 20-11 có điểm gì mới để có thể kỳ vọng, thưa ông?

- Ông Trần Anh Tuấn: Nghị định được ban hành trong thời điểm này là rất kịp thời. Bộ Nội vụ đã xây dựng đề án tinh giản biên chế trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Để đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay, Chính phủ không chờ trung ương thông qua đề án mà chủ động ban hành Nghị định 108 quy định về các chính sách đối với những trường hợp tinh giản để phục vụ cho tinh giản biên chế. Điều đó thể hiện sự năng động của Chính phủ trong bối cảnh bộ máy và biên chế còn cồng kềnh, đòi hỏi phải có giải pháp kịp thời để giải quyết ngay những vướng mắc và bức xúc của xã hội đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

Nghị định 108 sẽ tạo cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương từ trung ương đến cấp xã giải quyết chính sách đối với những công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu công vụ. Thời gian qua, nhiều nơi xác định được đối tượng cần tinh giản nhưng không có cơ sở pháp lý để giải quyết chế độ chính sách. Trong khi đó, dư luận đang bức xúc về tình trạng nhiều cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, không đáp ứng được yêu cầu công vụ; chấp hành kỷ luật, kỷ cương không nghiêm; tinh thần, trách nhiệm với công việc không cao, không phục vụ tốt được yêu cầu của người dân.

Vậy so với Nghị định 132/CP về chính sách tinh giản biên chế ban hành năm 2007, Nghị định 108 có bổ sung gì, thưa ông?

- Nghị định 108 ban hành đã kế thừa nhiều nội dung của Nghị định 132. Tuy nhiên, có những điểm mới là phạm vi và đối tượng được mở rộng như không chỉ có công chức, viên chức cấp huyện mà đến cấp xã và những người được nhà nước cử sang làm đại diện tại các doanh nghiệp…

Hiện nay, nhận thức của chúng ta về tinh giản biên chế không chỉ giảm số lượng người làm việc, giảm gánh nặng cho ngân sách mà còn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Điều này có nghĩa không chỉ đưa ra khỏi đội ngũ những trường hợp dôi dư, làm việc kém hiệu quả mà còn tuyển dụng để thay thế nhưng phải đáp ứng được yêu cầu công việc cao hơn.

Đáng chú ý, Nghị định 108 quy định việc tinh giản biên chế ở các cơ quan phải bảo đảm nguyên tắc giảm 10 người thì chỉ được nhận mới 5 người. Khác với Nghị định 132 trước đây là giảm được bao nhiêu người thì lại cho bổ sung bấy nhiêu.

Nhiều ý kiến cho rằng bộ máy viên chức lớn nhất hiện nay nằm trong ngành giáo dục, y tế và con đường để nhẹ “gánh lương” ngân sách cho đội ngũ này chính là xã hội hóa, chứ không phải cho nghỉ việc?

Sẽ xã hội hóa mạnh trong ngành y tế để giảm gánh nặng trả lương cho ngân sách Ảnh: TẤN THẠNH
Sẽ xã hội hóa mạnh trong ngành y tế để giảm gánh nặng trả lương cho ngân sách Ảnh: TẤN THẠNH

-  Đúng là trong thời gian qua, biên chế khối sự nghiệp đã tăng lên rất nhiều và cần phải tinh giản. Tuy nhiên, lĩnh vực giáo dục và y tế không thể thực hiện tinh giản một cách máy móc vì nhiệm vụ “trồng người” và chăm sóc sức khỏe cho người dân là vô cùng quan trọng, yêu cầu phải có đủ người để thực hiện. Vì vậy, việc tinh giản viên chức trong khu vực sự nghiệp không chỉ đơn thuần giảm số lượng mà còn phải đẩy mạnh việc xã hội hóa, lấy nguồn thu sự nghiệp để trả lương cho viên chức thay cho ngân sách nhà nước. Tiến tới tính đúng, tính đủ giá thành dịch vụ, có tính đến hỗ trợ các đối tượng chính sách. Biện pháp này sẽ giảm được số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách, tăng số người hưởng lương từ các nguồn thu do xã hội hóa mang lại, cũng nhằm tạo điều kiện cho cải cách tiền lương sau này.

Nhiều ý kiến vẫn lo ngại chính sách, mục tiêu tinh giản biên chế cứ ban hành và hô hào nhưng cuối cùng chẳng tinh giản được ai, thậm chí bộ máy càng phình to?

- Đúng là có tình trạng đó do chúng ta vẫn chưa làm rõ được trách nhiệm của người đứng đầu đối với nhiệm vụ tinh giản biên chế trong cơ quan mình. Phổ biến là tình trạng nể nang, ngại va chạm, thậm chí có cả “này khác” dẫn đến việc tinh giản biên chế không quyết liệt, trong bộ máy còn nhiều người không làm được việc.

Còn lần này, sẽ giao thẩm quyền và trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế rồi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khi đã được phê duyệt thì phải chấp hành nghiêm, trong đó phải đạt được tỉ lệ tinh giản đã tự xác định theo từng đơn vị cụ thể. Tỉ lệ này do đơn vị tự xác định căn cứ theo chất lượng đội ngũ của đơn vị thay vì trước đây cứ ấn định, áp đặt, cào bằng phải tinh giản 15% hoặc 20%.

Theo ông, Nghị định 108 kỳ vọng tinh giản được bao nhiêu cán bộ và số người sẽ chịu tác động của chính sách này?

- Tinh giản biên chế đợt này cũng không nên kỳ vọng sẽ giảm được bao nhiêu. Cái chính là chất lượng đội ngũ, chất lượng công vụ được nâng lên, cùng với đó là gánh nặng trả lương bằng ngân sách giảm từ những chính sách kèm theo như chính sách xã hội hóa trong đơn vị sự nghiệp công... Do đặc điểm, thực trạng của mỗi cơ quan khác nhau, nếu đặt ra con số cụ thể thì cũng chỉ mang tính dự báo, không chính xác.

Đợt tinh giản biên chế này, chúng ta nên kỳ vọng vào bản lĩnh, sự quyết tâm, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu đối với nhiệm vụ tinh giản biên chế theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Nghị định 108 trao “gươm” cho người đứng đầu. Vì thế, chúng ta nên kỳ vọng vào kết quả do những người được giao thẩm quyền quyết định giảm biên chế mang lại. Qua đó, chúng ta sẽ đánh giá được ai là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và ai là người né trách, không dám đương đầu với thách thức. Chỉ có vậy mới nâng được chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức.

Ông nói đến gắn trách nhiệm người đứng đầu, chính sách này có thể bãi chức những người không hoàn thành nhiệm vụ tinh giản biên chế?

- Khi đã xác định tỉ lệ phải tinh giản mà người đứng đầu không thực hiện được thì lấy đó làm tiêu chí đánh giá mức độ không hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đầu tiên, người đứng đầu có thể bị xem xét để bố trí công tác khác. Hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì giải quyết theo Luật Cán bộ công chức (buộc thôi việc - PV).

Qua tinh giản biên chế, có tính tới cải cách tiền lương không, thưa ông?

- Thông qua việc tinh giản biên chế sẽ giảm được gánh nặng ngân sách cho trả lương và có cơ sở để cải cách tiền lương trong thời gian tới. Hiện đề án cải cách tiền lương cũng đang được Bộ Nội vụ xây dựng để trình Bộ Chính trị trong thời gian tới. 

Tinh giản biên chế sẽ đạt kết quả

l Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng hiện nay công chức tận tâm với công việc, sáng tạo trong công tác ngày càng ít nhưng công chức lười nhác, vô cảm, ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều. Người dân có thể đặt niềm tin vào Nghị định 108 để bức tranh cán bộ công chức, viên chức sáng sủa hơn?

- Ông Trần Anh Tuấn: Trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hiện nay, không thể nói tất cả đều tốt. Ý kiến các đại biểu Quốc hội đã nêu sẽ trở thành nhiệm vụ và chúng tôi phải tập trung tham mưu để có các giải pháp khắc phục tình trạng này trong đội ngũ công chức, viên chức. Chúng tôi tin tưởng rằng với quyết tâm cao, việc tinh giản biên chế sẽ đạt kết quả. Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước cán bộ, công chức, viên chức thì sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để việc tinh giản biên chế đạt được mục tiêu đặt ra.

3 trường hợp chưa xem xét tinh giản biên chế

Ngày 20-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định 108/CP về chính sách tinh giản biên chế, được áp dụng từ ngày 10-1-2015 đến hết năm 2021. Nghị định đưa ra 12 trường hợp tinh giản biên chế (Báo Người Lao Động ngày 22-11 đã thông tin) và 3 trường hợp chưa xem xét tinh giản biên chế gồm: Những người đang trong thời gian ốm đau có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi dưới 36 tháng tuổi; những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,265,904       38/967