Công nghệ thông tin

An toàn hàng không: Rà soát, tìm lỗ hổng

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng 2 sự cố nghiêm trọng vừa xảy ra cho thấy hệ thống an toàn hàng không đang có vấn đề, đồng thời yêu cầu đình chỉ ngay công tác những người liên quan, thậm chí xử lý hình sự

Ngày 24-11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã triệu tập cuộc họp về công tác an toàn hàng không. Tham dự có lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Kiểm điểm cả hệ thống

Sau khi nghe Cục HKVN báo cáo cụ thể về sự cố máy bay quân sự cắt qua mặt máy bay Vietnam Airlines (VNA) và sự cố sập nguồn tại Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh (ACC HCM), Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá đây là các sự cố đặc biệt nghiêm trọng. Ông yêu cầu phải điều tra làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để không lặp lại. Tất cả cá nhân, tập thể sai phạm phải xử lý nghiêm.

Bên trong Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh
Bên trong Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước là Cục HKVN phải thực hiện kiểm điểm cá nhân của từng lãnh đạo, tiếp đó là lãnh đạo VAMT và các đơn vị liên quan trong ca trực để xảy ra sự cố. Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh: Hai sự cố nghiêm trọng này cho thấy cả hệ thống đang có vấn đề, buộc phải tổng rà soát, tìm lỗ hổng để có biện pháp khắc phục.

Do đó, theo ông Đinh La Thăng, không chỉ dừng lại ở cấp độ điều tra sự cố thông thường mà phải thực hiện tổng rà soát về công tác phối hợp hiệp đồng giữa hàng không dân dụng và quân sự, đặc biệt là tại 3 sân bay lớn nhất: Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng. Cụ thể, rà soát từ hệ thống văn bản pháp quy về cơ chế phối hợp, xem đã đầy đủ chưa? Nếu đã ban hành đủ thì thực hiện nghiêm chưa, văn bản tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đã đáp ứng được yêu cầu mới hay chưa? Đây là nội dung rất quan trọng vì các sân bay của Việt Nam được khai thác lưỡng dụng cả mục đích quân sự và dân dụng. Tốc độ phát triển hàng không dân dụng ngày càng cao nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh quốc phòng.

Sa thải toàn bộ nhân viên yếu kém

Về sự cố sập nguồn tại ACC HCM, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị có ngay biện pháp quản lý, không để xảy ra bất cứ trường hợp nào tương tự. Bởi lẽ, sự cố này không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế của các hãng hàng không, uy hiếp trực tiếp an toàn bay mà còn ảnh hưởng cả uy tín của ngành GTVT và hình ảnh của đất nước.

Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT, Cục HKVN chỉ đạo thành lập tổ điều tra do cục trưởng làm tổ trưởng cùng các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện. Kết quả điều tra báo cáo trước ngày 10-12. Bộ trưởng yêu cầu đình chỉ ngay công tác của tất cả những người liên quan đến sự cố. Nếu cần thiết, sẽ tiến hành xử lý hình sự đối với người trực tiếp gây ra sự cố, xem có phải là cố tình phá hoại hay không.

Đối với công tác nhân sự của VAMT, Bộ GTVT sẽ thành lập hội đồng để đánh giá lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực, từ chủ tịch, tổng giám đốc đến toàn bộ nhân viên của doanh nghiệp. Sau đánh giá, tất cả nhân viên yếu kém sẽ bị nghỉ việc. Nhân viên có trình độ trung bình sẽ được đào tạo lại. Nếu kết thúc khóa đào tạo vẫn không đạt trình độ tốt hơn cũng bị chấm dứt hợp đồng.

Hiện nay, VATM đã hoàn thành phân loại đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên. Kết quả cho thấy có 40% đạt trình độ trung bình và yếu, trong đó số cán bộ trình độ yếu nghiệp vụ chiếm 8%. Về tiếng Anh, có 31% không đạt trình độ 4 theo tiêu chuẩn quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO).

Bộ GTVT sẽ kiến nghị Bộ Công an đưa các ACC vào danh sách công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, nhằm ngăn ngừa yếu tố phá hoại.

Do lỗi chủ quan của con người

Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh cho biết những sự cố gần đây liên tục xảy ra trong ngành hàng không nói chung và hoạt động không lưu nói riêng cho thấy nguyên nhân hoàn toàn do lỗi chủ quan của con người.

Trong vụ sập nguồn ACC HCM, hệ thống điện đã dự phòng nhiều cấp, có 2 nguồn điện lưới, 3 máy phát nổ, 3 bộ lưu điện (UPS). Mỗi hệ thống đều độc lập, có khả năng cung cấp điện cho cả ACC HCM nhưng vẫn “lọt khe” do thao tác của con người. Sự cố này cũng đặt ra yêu cầu mới về quy chuẩn thiết bị, đòi hỏi phải nâng cấp liên tục để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Cục HKVN cũng nhận định phải bổ sung các tình huống diễn tập mới vì trước đây, Việt Nam chưa bao giờ diễn tập về tình huống sập nguồn. Do đó, khi xảy ra sự cố ngày 20-11, tuy việc triển khai kế hoạch ứng phó không lưu rất tốt nhưng công tác khắc phục để kích hoạt lại hệ thống còn có phần lúng túng.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,264,633       216/3,945