Công nghệ thông tin

Besra nợ thuế mà còn yêu sách

Đang nợ thuế hàng trăm tỉ đồng, mới đây, 2 công ty vàng của Tập đoàn Besra xin được vận chuyển quặng carbon để tuyển vàng

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau khi biện pháp cưỡng chế thuế ban đầu hết hiệu lực, trong khi cơ quan quản lý thuế tỉnh Quảng Nam không được thay đổi biện pháp cưỡng chế do sự chỉ đạo từ Bộ Tài chính, từ ngày 30-9, Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu đã khai thác trở lại. Mới đây, công ty này lại ra yêu sách, đòi được vận chuyển quặng carbon sang Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (đã ngưng hoạt động do bị cưỡng chế thuế) để tuyển vàng. Hai công ty Bồng Miêu và Phước Sơn cùng thuộc Tập đoàn Besra.

Không đóng BHXH, BHYT cho người lao động

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam - cho biết ngày 3-10, UBND huyện Phước Sơn nhận công văn của Công ty Bồng Miêu với nội dung sẽ hợp tác với Công ty Phước Sơn vận chuyển carbon ngậm vàng từ Nhà máy Bồng Miêu sang Nhà máy Phước Sơn. Công ty Bồng Miêu đưa ra lý do hợp tác là để tiết kiệm chi phí, tránh thất thoát tài nguyên và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Nhà máy Vàng Phước Sơn
Nhà máy Vàng Phước Sơn

Sau đó, UBND huyện Phước Sơn có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và UBND tỉnh Quảng Nam nêu quan điểm không đồng ý với đề xuất của Công ty Bồng Miêu.

Theo ông Hà, từ tháng 7-2013 đến nay, Công ty Phước Sơn đã vi phạm Luật Khoáng sản, 2 lần bị phát hiện xả thải chưa qua xử lý và bị UBND tỉnh Quảng Nam xử phạt 150 triệu đồng. Đối với người lao động, từ đầu năm 2014 đến nay, công ty không đóng BHXH, BHYT, không thanh toán chế độ cho những người nghỉ việc.

Bên cạnh đó, công ty đã ngừng hoạt động, trong khi các bãi thải chứa quặng chưa được xử lý theo quy định và có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Mặt khác, trong quặng carbon ngậm vàng vận chuyển từ Bồng Miêu về Phước Sơn có lượng hóa chất độc hại lớn nhưng chưa xác định được, phương án xử lý môi trường cũng không được công ty đề cập. “Nếu tiếp nhận carbon ngậm vàng để chế biến, việc ô nhiễm môi trường liên quan đến hóa chất độc hại cyanua trên địa bàn là không thể lường hết” - ông Hà lo lắng.

Ông Hà cho rằng cần đề phòng 2 công ty này lợi dụng vận chuyển để qua mặt cơ quan chức năng, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường và trốn thuế.

Chờ ý kiến của Bộ TN-MT

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, sau khi UBND huyện Phước Sơn kiến nghị không cho phép vận chuyển quặng vàng, Công ty Phước Sơn đã có văn bản gửi Sở TN-MT và UBND tỉnh Quảng Nam để phản bác quan điểm của huyện, đồng thời cho rằng việc vận chuyển “không gây ra bất kỳ hậu quả gì”. Sau đó, ngày 29-10, Công ty Phước Sơn lại gửi văn bản đến 2 cơ quan nêu trên “tố” UBND huyện Phước Sơn “gây khó khăn”, “cản trở” hoạt động của công ty.

Nguyên nhân là do cuối tháng rồi, UBND huyện Phước Sơn đã chỉ đạo lập chốt kiểm soát liên ngành chặn xe chở carbon ngậm vàng từ Nhà máy Bồng Miêu lên Phước Sơn.

Theo tài liệu chúng tôi có được, ngày 4-11, Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam đã báo cáo vụ việc nêu trên cho UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ TN-MT. Trong báo cáo, Sở TN-MT cho biết trong dự án đầu tư và đánh giá tác động môi trường chưa thể hiện việc vận chuyển carbon ngậm vàng từ Bồng Miêu về Phước Sơn, việc vận chuyển ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến mật độ giao thông. Tuy nhiên, Sở TN-MT lại không nêu quan điểm về việc có nên cho phép vận chuyển carbon ngậm vàng hay không. Sở này đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam có ý kiến với Bộ TN-MT do việc cấp phép vận chuyển carbon ngậm vàng thuộc quyền của bộ này.

Ông Nguyễn Ngọc Truyền, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh vẫn đang chờ ý kiến của Bộ TN-MT về vụ Besra. 

Nợ đầm đìa

- Ngày 26-12-2013, hàng trăm người kéo đến đập phá Nhà máy Vàng Phước Sơn do doanh nghiệp này chây ì trả nợ.

- Ngày 28-7, Besra Việt Nam thông báo ngừng hoạt động 2 công ty vàng trực thuộc do bị Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cưỡng chế thuế. Hiện nợ thuế của 2 công ty Bồng Miêu và Phước Sơn lên đến trên 300 tỉ đồng.

- Ngày 7-8, ông David Seton, Chủ tịch Tập đoàn Besra, bị tiểu thương đến đòi nợ tại buổi họp báo do đơn vị này tổ chức.

- Ngày 26-9, Công ty Phước Sơn thua kiện, bị tòa tuyên buộc phải trả cho Ngân hàng TMCP Việt Á hơn 4,5 triệu USD.

- Mới đây, 2 công ty Bồng Miêu và Phước Sơn lại dính vụ lùm xùm nhập 60 tấn hóa chất “lạ” từ Trung Quốc trước đó 3 năm.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,264,019       2/1,544