Công nghệ thông tin

Lo vắc-xin sởi - Rubella phản ứng dây chuyền

Hiện tượng đau đầu, chóng mặt, mệt xỉu đồng loạt xảy ra với học sinh là phản ứng dây chuyền sau khi tiêm chủng

“Những phản ứng sau tiêm vắc-xin sởi - Rubella trong thời gian qua chỉ là phản ứng của tâm lý, dây chuyền chứ không liên quan đến chất lượng vắc-xin cũng như quy trình tiêm chủng” - PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khẳng định khi trao đổi với báo chí ngày 26-11 về kết quả sau 2 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sởi - Rubella.

Liên tiếp phản ứng

Cách đây ít ngày, tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Ayun Pa (Gia Lai), đã có 17 học sinh tiểu học phải đi cấp cứu vì phản ứng sau tiêm vắc-xin sởi - Rubella. Các em đều có biểu hiện choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, nôn... Trước đó, tại Trường Tiểu học Bình Thanh Tây (Quảng Ngãi) cũng có 12 học sinh trong tổng số 68 em được tiêm vắc-xin sởi - Rubella cùng đợt có biểu hiện chóng mặt, khó thở, buồn nôn... Trường THCS Bình Trị Đông A (TP HCM) cũng có 4 em bị chóng mặt, lo âu, mệt mỏi… sau khi tiêm vắc-xin sởi - Rubella.

Theo TS Trần Đắc Phu, hiện tượng đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi... đồng loạt xảy ra với học sinh là phản ứng dây chuyền sau tiêm chủng. Khi có một học sinh mệt mỏi thì sẽ gây lo lắng ở bạn khác và xuất hiện những triệu chứng giống nhau. Với những trường hợp này, các bác sĩ đã thăm khám và theo dõi; chỉ sau thời gian ngắn, sức khỏe của các em ổn định.

Tiêm vắc-xin sởi - Rubella tại một trường học ở Hà Nội
Tiêm vắc-xin sởi - Rubella tại một trường học ở Hà Nội

Ông Phu cho biết đối tượng của đợt 2 và 3 tới đây đa phần là học sinh tiểu học và THCS. Đây là nhóm dễ bị ảnh hưởng tâm lý và có thể xảy ra tình trạng phản ứng lo sợ tập thể. Triệu chứng điển hình là chóng mặt, buồn nôn, suy nhược, đau đầu và mệt mỏi... “Để hạn chế hiện tượng này, Bộ Y tế đã yêu cầu bố trí thêm các phòng chờ tại trường học, không để quá trình chuẩn bị vắc-xin và quá trình tiêm chủng trong tầm nhìn của các học sinh chờ tiêm nhằm tránh gây căng thẳng” - ông Phu nói.

Vắc-xin an toàn

Bà Dương Thị Hồng, Phó Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết sau hơn 2 tháng triển khai chiến dịch, cả nước đã có hơn 9.522.000 trẻ được tiêm chủng. Trong số này, chỉ ghi nhận 2,6% trẻ có phản ứng nhẹ sau tiêm và đều là những phản ứng thông thường như: sốt, đau tại chỗ tiêm. Có 2% đối tượng chống chỉ định tiêm hoặc hoãn tiêm trong đợt tiêm chủng đầu tiên. Trong tháng 12, chiến dịch tiêm chủng sởi - Rubella tiếp tục được triển khai tại các địa phương. “Chiến dịch kéo dài đến hết tháng 2-2015, dự tính sẽ có khoảng 23 triệu trẻ từ 1-14 tuổi được tiêm chủng miễn phí” - bà Hồng nói.

Theo TS Trần Đắc Phu, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não... là các biến chứng nguy hiểm sau mắc sởi, có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Đầu năm 2014, dịch sởi đã khiến gần 40.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó gần 6.000 trường hợp xác định sởi, hơn 140 trẻ tử vong. Còn Rubella là bệnh lây truyền và có các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai. “Tiêm vắc-xin sởi - Rubella là cách tốt nhất để hạn chế 2 bệnh dịch nguy hiểm này” - ông Phu khẳng định.

Ông Phu cho biết sau khi hoàn tất 3 đợt tiêm chủng, trong tháng 3-2015, các địa phương sẽ tổ chức tiêm vét cho những đối tượng bỏ sót hoặc hoãn tiêm trước đó. Tuy nhiên, ông Phu cũng lo ngại vào mùa khí hậu ẩm ướt, trẻ dễ mắc nhiều bệnh viêm đường hô hấp hoặc bệnh lây nhiễm khác. Do đó, không loại trừ có thể dễ xảy ra các phản ứng trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý (sốt, phát ban, suy hô hấp...) khiến cha mẹ trẻ hiểu lầm, tạo tâm lý hoang mang.

Người lao động

vắc-xin, sởi-rubella, phản ứng dây chuyền, tiêm chủng, đau đầu, chóng mặt


© 2021 FAP
  3,261,886       3/1,537