(NLĐO) – Mặc dù nợ nhiều người với số tiền đặc biệt lớn, “siêu lừa” Huyền Như vẫn sẵn sàng bỏ ra hơn 1,1 triệu USD với lý do “đi du lịch”.
Mở đầu phiên tòa chiều này, chủ tọa phiên tòa thông báo về việc bị cáo Hoàng Hương Giang (SN 1987, nguyên giao dịch viên phòng giao dịch Điện Biên Phủ Vietinbank,chi nhánh TP HCM) xin vắng mặt vì con của mình bị sốt nặng. Bị cáo này đang tại ngoại.
"Siêu lừa" Huyền Như tươi cười khi được dẫn giải về trại giam
Làm visa để đi du lịch Mỹ?
“Bị cáo lý giải như thế nào khi huy động vốn nhiều cá nhân, nhiều đơn vị với số tiền như thế này”- HĐXX hỏi. Như vẫn khai rằng bị cáo nghĩ sẽ có một cơ hội trả hết số tiền nợ khi có cơ hội kinh doanh gì đó, cũng hi vọng lúc nào đó cổ phiếu, bất động sản sẽ lên giá.
Trong quá trình tìm hiểu vụ án này, một nguồn tin tiết lộ Như đã từng chuyển cho mình một số tiền lớn để nhờ nộp phí làm thẻ xanh của Mỹ. Tại phiên tòa, HĐXX cũng chất vấn có phải Như biết trước có ngày vỡ nợ nên có ý định bỏ trốn ra nước ngoài? Như thừa nhận có làm thẻ xanh nhưng “chưa bao giờ có ý định bỏ trốn”.
HĐXX thắc mắc: “Vậy tại sao bị cáo làm visa đi Mỹ?”. Như khai: “Chị Giang làm visa rủ bị cáo đi Mỹ cho cả hai gia đình nên bị cáo mới đồng ý. Mọi thủ tục đều do chị Giang làm, bị cáo không biết”.
Như cũng cho biết, tổng chi phí bỏ ra làm visa là hơn 1,1 triệu USD. Khi HĐXX nghiêm giọng hỏi về việc tại sao lại bỏ ra khoản tiền lớn để làm visa trong khi đang nợ nhiều người mà không có khả năng trả, “siêu lừa” bối rối: “Bị cáo biết mình sai nghiêm trọng nhưng càng làm thì càng lún”.
"Không biết gì. Làm nên phải nghe theo!"
Trong phần xét hỏi, bị cáo Võ Anh Tuấn cho biết mình không biết về hành vi lừa đảo công ty Thái Bình Dương của Như. “Bị cáo chỉ biết sau khi chị Như nhờ kí giấy xác nhận đã nhận tiền của công ty Thái Bình Dương. Bị cáo không nhớ chính xác là bao nhiêu tờ, nhưng khoảng 7, 8 tờ. Chị Như hẹn bị cáo gặp ở ngoài trụ sở rồi đưa giấy xác nhận. Sau đó, bị cáo đem về trụ sở kí…”- Tuấn khai.
Tuấn biết việc mình làm là sai nên sợ người khác phát hiện, Tuấn kẹp những giấy xác nhận đã kí cùng một số hồ sơ khác rồi đem qua phòng tổ chức hành chính đóng dấu. Tuy nhiên, Tuấn cho rằng, số tiền 80 tỉ Như chiếm đoạt của công ty Thái Bình Dương “không liên quan gì đến giấy xác nhận bị cáo đã ký”.
Đối với vụ việc liên quan đến công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên, Tuấn nói: “Như có điện thoại cho bị cáo nói về việc công ty Phúc Vinh có nguồn tiền cần gởi nhưng bị cáo chưa quyết định. Sau đó ít lâu, bị cáo có việc nên bay ra Hà Nội trước. Lúc ở Hà Nội, chị Như có điện thoại lại và lúc này bị cáo mới đồng ý. Sau đó, chị Như bay ra Hà Nội rồi hẹn gặp công ty Phúc Vinh. Đến khi gặp bị cáo mới biết đối tác là ngân hàng Hàng Hải. Bị cáo có ngồi nói chuyện, còn chị Như đi đâu thì bị cáo không rõ”.
Khác với sự lanh lẹ của cô em gái nhỏ hơn 6 tuổi, bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh (SN 1972, ngụ quận Bình Thạnh) khai nhận trước tòa có phần rụt rè hơn. Hạnh cho biết bắt đầu làm ở công ty Cổ phần đầu tư Hoàng Khải với vai trò nhân viên, sau đó là phó giám đốc, nhiệm vụ chủ yếu là nhận và chuyển tiền.
“Bị cáo không có tiền gởi ở VietinBank. Như chuẩn bị toàn bộ hồ sơ và nói bị cáo qua bên ngân hàng, Danh sẽ chỉ cho bị cáo. Bị cáo không biết gì”- Hạnh nói. Hạnh cũng thừa nhận đã giúp sức cho em gái trong việc chuyển tiền đứng tên mua bất động sản, vay tiền tại các ngân hàng.
Khai nhận tại tòa, Trần Thị Tố Quyên (SN 1980, ngụ quận 2) trước sau đều cho rằng mình làm theo chỉ đạo. “Bị cáo cảm thấy cáo trạng có đúng có sai. Bị cáo là nhân viên của công ty Hoàng Khải do chị Như thành lập. Chị Như kêu bị cáo làm gì bị cáo làm đó, sai bị cáo đi đâu bị cáo đi đó. Khi chị Như bị bắt, bị cáo mới biết chị Như lừa đảo”- Quyên phủ nhận.
Quyên cho biết quen với Như khi đang làm ở một quán ăn, sau đó được Như rủ về công ty làm việc. “Bị cáo làm công cho chị Như nên sai cái gì bị cáo làm thôi, chứ bị cáo không có biết gì về ngân hàng hay tín dụng”- Quyên biện minh.
Phiên tòa đang tiếp tục với phần xét hỏi đối với các bị cáo trong nhóm “cho vay lãi nặng” gồm: Hùng Mỹ Phương (SN 1974, môi giới chứng khoán), Nguyễn Thiên Lý (SN 1975, buôn bán), Đào Thị Tuyết Dung (SN 1969, nguyên Giám đốc công ty TNHH Dung Vân), Phạm Văn Chí (SN 1977), Nguyễn Thị Lành (SN 1962, nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Phương Đông).
VietinBank, lừa đảo, Huỳnh Thị Huyền Như, siêu lừa, visa