(NLĐO)- Chiều nay 7-1, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị khởi tố thêm 1 vụ án về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật công tác” sau khi Dương Chí Dũng khai tại tòa có lãnh đạo cấp cao mật báo thông tin bị khởi tố để có điều kiện bỏ trốn.
Bị cáo Dương Tự Trọng (giữa) được xác định vai trò cầm đầu trong vụ án - Ảnh chụp qua màn hình
13 giờ 30 chiều nay 7-1, phiên tòa tiếp tục với việc thẩm vấn Dương Chí Dũng
Khai với tòa chiều nay, Dương Chí Dũng cho biết vào cuối tháng 4-2012, vợ chồng Dũng có đến thăm vợ chồng “ông anh” (người mà trong phiên tòa buổi sáng 7-1, Dương Chí Dũng đã khai ông Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an - là người đã mật báo Dũng tin bị khởi tố, bắt giam) đang đi nghỉ tại Tuần Châu (tỉnh Quảng Ninh).
Theo Dũng, lý do của cuộc viếng thăm xuất phát từ việc trước đó đã nhận được giấy triệu tập của C48 (Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - Bộ Công an) yêu cầu đầu tháng 5-2012 tới làm việc về vụ mua ụ nổi No 83M.
Khi Dũng gọi điện thoại vợ chồng “ông anh” đã chuẩn bị về Thái Bình. Tuy nhiên khi biết Dũng quyết tới gặp nên “ông anh” đã chờ.
Tiếp đó, đến tối 2-5-2012, Dương Chí Dũng đã đến nhà “ông anh” ở 1 tòa chung cư cao cấp trên phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Lễ tân đã bấm điện thoại hỏi thì vợ “ông anh” nghe máy và nói đang chờ ông Dũng tới. Khi ông Dũng nhìn xung quanh thì thấy “ông anh” này đang ở nhà hàng My Way, 1 tay chỉ xuống dưới, 1 tay chỉ lên trên (ý nói là lên nhà trước).
Chủ tọa hỏi khi tới đây mang theo một chiếc túi, thì trong đó đựng gì? Dương Chí Dũng đáp trong túi đựng 500.000 USD biếu "ông anh".
Lên tới phòng, vợ “ông anh” pha nước mời Dương Chí Dũng uống được một lúc thì “ông anh” về. Ông này gợi ý Dũng nên kiếm 1 sim rác để gọi cho ông và Dũng đã làm theo y như vậy. Số điện thoại Dũng hay dùng để gọi cho “ông anh” là 097500xxxx.
Chủ tọa phiên tòa cho rằng đây là những tình tiết mới không có trong hồ sơ vụ án.
Kết thúc phần xét hỏi, 16 giờ chiều nay 7-1, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đề nghị mức án dành cho các bị cáo dựa trên chứng cứ cũng như sự thành thật trong các lời khai của các bị cáo.
Trong đó, Dương Tự Trọng được đề nghị mức án 18-20 năm tù, Vũ Tiến Sơn 17-18 năm tù, Hoàng Văn Thắng 6-7 năm tù, Đồng Xuân Phong 6-7 năm tù, Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”) 6-7 năm tù, Nguyễn Trọng Ánh bị đề nghị 6-7 năm tù, Phạm Minh Tuấn 5-6 năm tù.
Đối với việc ông Dương Chí Dũng khai tại tòa việc có một “lãnh đạo cấp cao” đã tiết lộ thông tin sắp khởi tố để có điều kiện bỏ trốn, đại diện Viện kiểm sát đề nghị cơ quan chức năng khởi tố thêm 1 vụ án về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật công tác”.
Đối với việc Dương Chí Dũng khai hối lộ lãnh đạo cấp cao tiêu cực, nhận hối lộ, đại diện Viện kiểm sát cho rằng HĐXX cần đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét để tạo tính răn đe
Điều 286. Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 và Điều 263 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Trước đó, sáng nay 7-1, TAND TP Hà Nội đã mở phiên xét xử 7 bị cáo trong vụ án tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài mà trong đó cầm đầu được xác định là bị cáo Dương Tự Trọng, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64) - Bộ Công an.
Xuất hiện tại tòa sáng nay còn có Dương Chí Dũng (người đã bị tuyên án tử hình trong phiên tòa sơ thẩm xử “đại án” tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam-Vinalines).
Cùng ra tòa cùng Dương Tự Trọng còn có 6 bị cáo khác là đồng phạm, trong đó có nhiều người từng là thuộc cấp của ông Trọng tại Công an TP Hải Phòng, gồm: Vũ Tiến Sơn (SN 1966), nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 45) - Công an TP Hải Phòng; Hoàng Văn Thắng (SN 1970), nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường - Công an TP Hải Phòng; Đồng Xuân Phong (SN 1974), nguyên cán bộ hải quan TP Hải Phòng; Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”, SN 1968); Nguyễn Trọng Ánh (SN 1985), nguyên cán bộ Phòng cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP Hải Phòng; và Phạm Minh Tuấn (SN 1961), nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng (Hải Phòng) - bạn thân của Dương Tự Trọng.
Bị cáo Dương Tự Trọng bị truy tố theo khoản 3 điều 275 Bộ Luật Hình sự về tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép với mức án cao nhất là 20 năm tù. Trong suốt quá trình điều tra, Dương Tự Trọng một mực chối tội.
Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm của TAND TP Hà Nội có 3 người, gồm1 thẩm phán, 2 hội thẩm nhân dân. 5 luật sư bào chữa cho các bị cáo, trong đó Dương Tự Trọng được 2 luật sư bào chữa.
Dương Chí Dũng đã khai rõ danh tính người mật báo thông tin bị khởi tố, bắt giam để rồi bỏ trốn - Ảnh chụp qua màn hình
9 giờ: Phiên tòa bắt đầu phần thẩm vấn. Trong khi các bị cáo Sơn, Ánh, Tuấn, Thắng, Phong, Dũng "Bắc Kạn" thừa nhận nội dung truy tố, song riêng bị cáo Dương Tự Trọng phủ nhận là người tổ chức cho anh trai Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài.
Là người đầu tiên bị xét hỏi, Thắng khai khoảng 18 giờ ngày 17-5-2012 có nhận cuộc điện thoại nói liên lạc ngay với sếp Trọng. Làm theo, Thắng thấy Trọng nói: “Lên phòng làm việc, có việc nhờ”.
Tại phòng của Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, Thắng được Trọng nói anh trai mình là Dương Chí Dũng sắp bị bắt và muốn nhờ chở đi khỏi Hà Nội. Theo Trọng xuống sân trong trụ sở Công an Hải Phòng, Thắng thấy có chiếc Porsche màu trắng chờ sẵn.
Theo chỉ đạo của sếp Trọng, Thắng lái xe đến đón ông Tuấn, lúc đó đang ở Hải Phòng, rồi đi về Hà Nội. Theo hướng dẫn của Tuấn, Thắng lái xe về khu vực quận Cầu Giấy. Vào một ngôi nhà ở khu vực sát sông Tô Lịch, Tuấn đi vào trong. Khoảng 1 giờ sau, Tuấn và Dũng đi ra xe.
Ngay tối 17-5, chiếc siêu xe Porsche cùng Thắng, Tuấn chở Dương Chí Dũng di chuyển về tỉnh biên giới Quảng Ninh giáp Trung Quốc. Thắng khai trước tòa rằng sau khi đưa Dũng vào một căn nhà, xe quay trở lại Hải Phòng.
Sáng 21-5, Dương Tự Trọng gọi cho Thắng nói muốn đưa anh trai Dương Chí Dũng vào miền Nam. Thực hiện “chỉ đạo” của Trọng, Thắng đi mua 2 điện thoại mới, sim rác rồi cùng Nguyễn Trọng Ánh ngay trong trưa ngày 21-5 lái chiếc Toyota Frado đi đón Dũng tại căn nhà hôm trước ở Quảng Ninh.
Vào tới TP HCM, Thắng được Đồng Xuân Phong hướng dẫn điều khiển xe về huyện Củ Chi. Tới 1 cánh đồng hoang ở Củ Chi, Dương Chí Dũng cùng Dũng “Bắc Kạn” và Phong chuyển sang chiếc xe khác để tiếp tục hành trình trốn chạy. Còn Thắng và Ánh lái chiếc Toyota Prado quay trở về Hải Phòng.
Đến phần thẩm vấn bị cáo Vũ Tiến Sơn, chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn đã đặt ra các câu hỏi xung quanh việc tổ chức đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Bị cáo Vũ Tiến Sơn khai Dương Tự Trọng nói danh tính người mật báo cho Dương Chí Dũng biết sẽ bị khởi tố - Ảnh chụp qua màn hình
Chủ tọa hỏi tại sao lại biết Dương Chí Dũng bị khởi tố, Sơn cho biết có nghe được từ Dương Tự Trọng. Chủ tọa hỏi tiếp về việc có nghe nói gì về danh tính người mật báo cho Dương Chí Dũng biết sắp bị khởi tố hay không, bị cáo Sơn cho biết có nghe Dương Tự Trọng nói. Chủ tọa hỏi lại về thông tin này cho chắc chắn thì bị cáo Vũ Tiến Sơn khẳng định chỉ nghe được bị cáo Dương Tự Trọng nói như vậy.
Vũ Tiến Sơn cho biết từ trại giam đã có kiến nghị gửi tới HĐXX để xem xét thấu đáo sự việc. “Tôi và anh Trọng là quan hệ tình cảm, chiến hữu thân thiết rất nhiều năm rồi. Còn việc giúp đỡ anh Dũng bỏ trốn tôi sẵn sàng làm, dù biết đó là việc làm sai. Anh Trọng giao mỗi người một phần việc ,bị cáo nhận thức mỗi người đều có vai trò trách nhiệm trong vụ này. Bị cáo không phải vai trò chủ mưu. Ngay việc đưa đón ông Dũng từ Quảng Ninh vào miền Nam cũng không biết đi thế nào nên bị cáo không thể chỉ đạo ai trong việc này. Bị cáo chưa đi nước ngoài bao giờ nên cũng không biết xuất cảnh như thế nào cả”- bị cáo Sơn nói.
HĐXX cho biết đã nhận được đơn gửi từ trong trại ra của bị cáo Vũ Tiến Sơn và sẽ xem xét thấu đáo.
Sau đó tòa chuyển sang phần thẩm vấn Dương Tự Trọng. Chủ tọa Trương Việt Toàn hỏi Dương Tự Trọng xung quanh thông tin ai đã mật báo cho Dương Chí Dũng sắp bị khởi tố để bỏ trốn. Về lời khai của bị cáo Sơn, Trọng nói: “Với lời khai của các bị cáo tại phiên tòa hôm nay tôi không phản đối cũng không có ý kiến gì cả”.
Chủ tọa hỏi: “Ai là người thông báo cho bị cáo việc Dương Chí Dũng bị khởi tố ?”. Trọng đáp: “Bị cáo vẫn thống nhất lời khai từ đầu tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa hôm nay là không quan tâm tới việc này”
“Bị cáo Sơn nói rằng chính bị cáo đã nói cho bị cáo Sơn biết ai là người thông báo về việc này cơ mà?” - chủ tọa hỏi. Trọng trả lời: - “Tôi không có ý kiến gì cả”.
“Thế bị cáo Sơn khai sai à?”- chủ tọa hỏi tiếp. Trọng đáp: “Tôi không bảo là sai”.
Chủ tọa: “Ở đây chỉ có đúng hoặc sai thôi”. Trọng trả lời: “Gia đình tôi có nhiều chuyện, gần đây tôi không nhớ gì cả. Tôi không có ý kiến với lời khai khác”.
“Bị cáo không công nhận lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn?” - chủ tọa hỏi thẳng. Trọng vẫn trả lời: “Tôi không nhận và cũng không phủ nhận”.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa: “Bị cáo có nói gì với Dương Chí Dũng không?”, Trong đáp: “Tôi không nói gì cả”.
“Bị cáo giữ nguyên lời khai như tại cơ quan điều tra ?”- chủ tọa hỏi. Trọng đáp: “Vâng ạ”. “Tại phiên tòa hôm nay bị cáo vẫn giữ nguyên việc không phủ nhận, không nhận?” - chủ tọa hỏi một lần nữa thì Trọng trả lời: “Vâng ạ”.
Chủ tọa sau đó chuyển sang thẩm vấn Dương Chí Dũng với tư cách người làm chứng.
Chủ tọa hỏi về việc ai đã mật báo thông tin sắp bị khởi tố, Dương Chí Dũng cho biết buổi trưa ngày 17-5-2012 có gọi điện hỏi thăm ông Phạm Quý Ngọ (Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an) mà Dũng gọi là “ông anh” thì ông này nói đang đi công tác.
Đến chiều tối cùng ngày, Dương Chí Dũng loanh quanh ở khu vực gần nhà ông Phạm Quý Ngọ để nghe ngóng tình hình. Dũng cho biết tới khoảng 17-18 giờ cùng ngày 17-5 thì được "ông anh" cho biết đã thông qua việc khởi tố, bắt tạm giam và khuyên “tạm lánh đi một thời gian” và “tắt điện thoại”.
“Sau đó tôi tìm cách lánh đi”- Dương Chí Dũng khai trước tòa.
Dương Chí Dũng khẳng định những điều mình khai trước tòa hoàn toàn là sự thật. “Qua nghe thông tin biết em trai tôi như vậy nên rất thương. Em trai tôi có vấn đề về trí nhớ rồi”- Dũng nói.
Chủ tọa cắt lời ông Dũng và nói giờ đã tới 11 giờ 30 nên phiên xử tạm thời kết thúc phiên xử buổi sáng. Buổi chiều phiên xử dự kiến tiếp tục lúc 13 giờ 30 chiều nay.
Trước đó, theo cáo trạng, chiều ngày 17-5-2012, Dương Chí Dũng (lúc này đang là Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) nhận được thông tin về việc sẽ bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” nên đã gọi điện thông báo với em trai của mình là Dương Tự Trọng, khi đó đang giữ chức Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng. Trọng lập lức điện thoại cho bạn gái (người có con riêng với mình đang trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội), yêu cầu đón anh trai đến nhà trốn tạm.
Sau đó Trọng điều động các đàn em đưa Dương Chí Dũng theo đường bộ vào Sài Gòn rồi vượt biên sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh vào tối ngày 23-5. Từ Campuchia, đàn em của Dương Tự Trọng tiếp tục “hỗ trợ” đưa Dương Chí Dũng sang Singapore để đáp chuyến bay đi Mỹ. Tuy nhiên Dương Chí Dũng đã bị từ chối nhập cảnh và buộc phải quay trở lại xuất phát.
Sau 4 tháng trốn chạy với những khoản tiền tiếp viện của em trai, tháng 9-2012 Dương Chí Dũng đã bị bắt.
Bào chữa cho Dương Tự Trọng tại phiên tòa sơ thẩm là hai luật sư Nguyễn Đình Hưng và Vũ Thị Kim Ngọc thuộc Văn phòng luật sư Giang Hưng - Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 6-1, luật sư Vũ Thị Kim Ngọc cho biết cáo trạng có nhắc tới chi tiết Dương Chí Dũng được mật báo về việc sắp bị khởi tố nên đã liên lạc với Dương Tự Trọng. Tuy nhiên, thông tin về việc ai đã mật báo cho Dương Chí Dũng thì trong cáo trạng không được đưa ra.
Luật sư Ngọc cho rằng việc truy thông tin về người mật báo sẽ phụ thuộc vào diễn biến của phiên tòa. Nếu ông Dương Chí Dũng có mặt và khai ra rành rẽ thông tin về người đã mật báo cho mình thì có thể HĐXX sẽ đánh giá chi tiết này ảnh hưởng tới vụ án như thế nào. Nếu thông tin đó ảnh hưởng tới quá trình phạm tội của các bị cáo thì buộc phải được làm kỹ lưỡng, toàn diện để xác định trách nhiệm của từng người liên quan.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đình Hưng cho biết trong quá trình điều tra, thân chủ của mình - ông Dương Tự Trọng luôn giữ được sự “bình tĩnh và kiên định”. “Với kinh nghiệm của người từng làm thủ trưởng cơ quan điều tra ở một địa phương lớn, ông Trọng biết phải sử dụng đúng những quyền mà pháp luật cho phép. Ông ấy không nhận tội nhưng cũng không chối tội”- luật sư Hưng nói.
Theo luật sư này, việc chưa chứng minh được ai là người báo tin cho Dương Chí Dũng biết tin sắp bị khởi tố mà đã khép ông Trọng vào vai trò chủ mưu của vụ án là chưa chặt chẽ.
Luật sư Hưng nhận định nếu tại phiên tòa hôm nay ông Dương Chí Dũng khai ra danh tính cụ thể của người đã mật báo cho mình vào chiều ngày 17-5-2012 thì có thể tòa sẽ phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. “Ở trong trại giam, ông Trọng có biết được thông tin tòa đã tuyên án tử hình đối với anh trai mình. Ông ấy cho rằng mức án đó là không hợp lý” - luật sư Hưng cho biết.
Vinalines, vụ án, xét xử, Dương Chí Dũng, phiên tòa, Dương Chí Dũng làm chứng xử em trai, Dương Tự Trọng, mật báo, làm chứng