Du lịch

Xuất hiện tình tiết "người mật báo", LS đề nghị trả hồ sơ điều tra lại

(NLĐO)- Sáng nay 8-1, luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng đã đề nghị trả hồ sơ điều tra lại vụ án tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài vì xuất hiện tình tiết mới “người mật báo” làm thay đổi vụ án. Song VKS cho rằng đề nghị này không có cơ sở.

Bị cáo Dương Tự Trọng tại tòa sáng ngày 9-1

Bị cáo Dương Tự Trọng tại tòa sáng ngày 9-1 - Ảnh chụp qua màn hình

Sáng nay 8-1, TAND TP Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64) - Bộ Công an, và 6 đồng phạm tổ chức cho Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), trốn đi nước ngoài trái phép.

Tự bào chữa trước tòa, các bị cáo Đồng Xuân Phong, Nguyễn  Trọng Ánh và Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”) đều thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cho rằng đề nghị truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao là hơi nặng và mong muốn hội đồng xét xử xem xét, xử lý vụ việc đúng người và đúng với mức độ phạm tội.

Trong khi đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Minh Tuấn, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng cho rằng trong phiên xử đầu tiên ngày 7-1 đã xuất hiện những tình tiết mới làm thay đổi tính chất, quan điểm luận tội ban đầu của VKSND Tối cao. Chính vì thế việc kết tội cho Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn cầm đầu, tổ chức việc trốn đi nước ngoài trái phép cho Dương Chí Dũng cũng cần phải xem xét lại cho thấu đáo.

Tuy nhiên, đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa cho rằng quy định của pháp luật về tội tổ chức cho người trốn đi nước ngoài trái phép đã rất rõ ràng. Các bị cáo tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan nhà nước bằng các thủ đoạn lén lút, trốn tránh khỏi sự quản lý của cơ quan nhà nước về xuất nhập cảnh.

“Về mặt chủ quan, các bị cáo thực hiện hành vi cố ý. Các bị cáo tiếp nhận yêu cầu của bị cáo Dương Tự Trọng (em trai Dương Chí Dũng) tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Các bị cáo đã tiếp nhận yêu cầu của bị cáo Trọng và tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia và thực tế đến tháng 9-2013 thì bị bắt. Việc Dũng bị bắt thể hiện sự quyết liệt, phối hợp điều tra của hai cơ quan tố tụng phía Việt Nam và Campuchia. Việc bị bắt nằm ngoài mong muốn của các bị cáo” - đại diện VKS nhận định.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng đề nghị trả hồ sơ điều tra lại vụ án vì xuất hiện tình tiết mới

Luật sư Nguyễn Đình Hưng đề nghị trả hồ sơ điều tra lại vụ án vì xuất hiện tình tiết mới "người mật báo" làm thay đổi vụ án - Ảnh chụp qua màn hình

Theo đại diệnVKS, vụ án Vinalines là vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng và tạo ra sự quan tâm rất lớn của dư luận. Việc bỏ trốn của Dương Chí Dũng đã làm cho dư luận nhân dân có sự nghi ngờ về tính chất nghiêm minh của pháp luật; gây ảnh hưởng lan tỏa tới toàn quốc.

“Vụ án có tổ chức, có kẻ chủ mưu, điều hành và người thực thi xuyên suốt một thời gian dài… VKSND Tối cao truy tố Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn với các căn cứ như vậy là hoàn toàn có căn cứ. Các quy định hiện hành đều yêu cầu nghiêm trị người chỉ huy, cầm đầu, ngoan cố và khoan hồng với người thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. 5 bị cáo còn lại được truy tố như vậy cũng hoàn toàn có căn cứ” - đại diện VKS nêu rõ.

Đại diện VKS cho biết luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Tiến Sơn cho rằng lẽ ra phải truy tố bị cáo này như 5 bị cáo còn lại nhưng kết quả điều tra  cho thấy bị cáo Sơn chỉ đứng ở vị trí thứ 2 trong vụ án này. Bị cáo Vũ Tiến Sơn là người gần gũi, trực tiếp nhất với bị cáo Dương Tự Trọng cầm đầu chủ mưu; các bị cáo còn lại chỉ thực hiện theo chỉ đạo, điều hành của Trọng và Sơn. Bị cáo Vũ Tiến Sơn tiếp nhận ngay từ ngày đầu tiên và xuyên suốt trong quá trình, tiếp nhận mong muốn yêu cầu của bị cáo Trọng và tổ chức trốn.

“Bị cáo Sơn làm cầu nối, chuẩn bị điện thoại, xe ô tô, chuyển tiền từ bị cáo Trọng cho các bị cáo còn lại để đưa cho Dương Chí Dũng. Chính bị cáo Sơn là người trực tiếp liên lạc với Dũng “Bắc Kạn” và Đồng Xuân Phong để tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn từ Việt Nam sang Campuchia. Cả quá trình Dương Chí Dũng trốn ở Campuchia thì bị cáo Sơn cũng trực tiếp yêu cầu bị cáo Dũng “Bắc Kạn” và Đồng Xuân Phong sang Campuchia giúp Dương Chí Dũng. Việc truy tố của VKSND Tối cao đối với bị cáo Sơn là hoàn toàn hợp lý”- đại diện VKS đánh giá.

Trước ý kiến của luật sư về việc xuất hiện các tình tiết mới từ lời khai của Dương Chí Dũng trong phiên xét xử ngày 7-1 khiến tính chất vụ án có thể thay đổi nên cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, vị đại diện VKS cho rằng vụ án đã được điều tra đầy đủ, kết quả thu được đã chứng minh được hành vi phạm tội của 7 bị cáo. Bản thân các bị cáo không nêu ra được tài liệu nào chứng minh được mình không phạm tội nên không nhất thiết phải làm như vậy.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Đình Hưng, bào chữa Dương Tự Trọng, tiếp tục đề nghị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án vì xuất hiện tình tiết mới do nhân chứng Dương Chí Dũng cung cấp. “Tình tiết mới đó quyết định đến tính chất và làm thay đổi vụ án” - luật sư Hưng nói.

Luật sư Hưng cho rằng việc có một quan chức cấp cao mật báo “chú lánh đi” cho Dương Chí Dũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng, bởi nếu không có tin báo đó thì sự việc đã không xảy ra như vậy. “Chính vì thế hội đồng xét xử cần xem xét dừng vụ án này lại để điều tra bổ sung. Sau phiên tòa ngày hôm qua các trang thông tin trên mạng, quốc tế rất quan tâm tới vụ án này. Mong muốn được hội đồng xét xử sẽ giải đáp thỏa đáng trong bản án” - luật sư Hưng bày tỏ.

Người lao động

tham ô, bỏ trốn, Vinalines, vụ án, Dương Chí Dũng, tham nhũng


© 2021 FAP
  153,439       1/1,064