Du lịch

Huyền Như bật khóc trước lời khai của thuộc cấp, đồng nghiệp

(NLĐO) – Khai nhận tại tòa, nhiều thuộc cấp, đồng nghiệp của Huyền Như cho rằng làm sai vì quá tin tưởng "siêu lừa" bởi cô ta là môt cán bộ mẫn cán, một người chuẩn mực.

Sáng 8-1, HĐXX đã tiến hành xét hỏi đối với nhóm các bị cáo nguyên là trưởng phòng, phó trưởng phòng, giao dịch viên của nhiều phòng giao dịch Ngân hàng Vietinbank.

Khai nhận tại tòa, các bị cáo từng công tác ở Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TP HCM cho rằng vì tin tưởng Huyền Như nên đã bỏ qua nhiều công đoạn, thủ tục trong nghiệp vụ ngân hàng.

Bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh (SN 1981, nguyên giao dịch viên Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ) cho biết nhiệm vụ của mình là tiếp nhận và kiểm tra các thông tin, thủ tục hồ sơ cho vay, kiểm soát chứng từ để thực hiện việc giải ngân.

Các bị cáo khai nhận do quá tin tưởng Huyền Như nên đã làm sai

Các bị cáo khai nhận do quá tin tưởng Huyền Như nên đã làm sai

Tuyết Anh thừa nhận lỗi lầm của mình - không trực tiếp gặp khách hàng, làm thủ tục giải ngân 55 hồ sơ tín dụng cho vay khi chưa có chữ ký của chủ tài khoản. Tuy nhiên, bị cáo cũng mong HĐXX xem xét vì chỉ thực hiện theo chỉ đạo của trưởng phòng (tức Huyền Như).

Trong khi đó, bị cáo Bùi Ngọc Quyên (SN 1981, nguyên phó trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ) cho biết vì mang về nhiều hợp đồng, khách hàng lớn cho ngân hàng nên sức ảnh hưởng của Huyền Như rất lớn, không chỉ tại phòng giao dịch này mà còn cả hệ thống VietinBank

Cũng chính vì điều này, khi tham gia duyệt hồ sơ vay vốn chưa có chữ ký của người vay và người bảo lãnh, Quyên đã liên hệ với Như. Khi nghe Như cho biết đây là các khách hàng có uy tín, khẳng định đã tiếp xúc với họ, đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ của giấy tờ, Quyên đã tin tưởng mà “linh hoạt cho khách hàng”.

Siêu lừa Huyền Như tại phiên xử ngày 8-1

Siêu lừa Huyền Như tại phiên xử ngày 8-1

Tương tự, Hoàng Hương Giang (SN 1987, nguyên giao dịch viên) và Trần Thanh Thanh (SN 1980, nguyên phó phòng dịch vụ khách hàng nguyên trưởng phòng giao dịch) cũng vì tin tưởng Huyền Như, sợ mất khách hàng nên đã bỏ qua những “lỗ hổng” trong các hồ sơ. “Mỗi khi đưa hồ sơ về, chị Như đều nói là khách quen của chị, do khách bận đi công tác nên chưa có chữ ký”  - bị cáo Giang trình bày.

Trong khi đó, bị cáo Tống Nguyên Dũng (SN 1987, nguyên nhân viên tín dụng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ) làm sai nghiệp vụ vì “vừa tốt nghiệp đại học, chưa có nhiều kinh nghiệm nên chị Như giao gì thì làm nấy”. Dũng cũng cho hay Như là một người kiểu mẫu, một cán bộ mẫn cán nên rất có uy tín và được nhiều người tin tưởng.

Không chỉ riêng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, các cá nhân công tác tại các phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, Võ Văn Tần cũng vô cùng tin tưởng “siêu lừa” Huyền Như.

Bị cáo Huỳnh Trung Chí (SN 1987, nguyên nhân viên tín dụng Phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng) cho hay 51 hồ sơ tín dụng là chỉ tiêu mà “chị Như chia sẻ với chi nhánh Đinh Tiên Hoàng”. Vì tin tưởng Huyền Như, cũng vì làm theo lãnh đạo mà Chí đã làm sai.

Bên cạnh các nhân viên Vietinbank vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng, nhân viên Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng vướng vòng lao lý vì Huyền Như.

Huỳnh Hữu Danh (SN 1981, nguyên nhân viên VIB Chi nhánh TP HCM) cho biết: “Năm 2008, chị Như có đến chi nhánh của ngân hàng bị cáo gởi hồ sơ vay tiền. Bị cáo đã nhận hồ sơ, trình lãnh đạo và được đồng ý. Trong quá trình vay, chị Như chấp hành rất tốt. Sau đó, đầu năm 2011, chị Như có gọi điện cho bị cáo nói là bên chị có khách hàng cần vay vốn và nhờ giúp đỡ. Bị cáo có trả lời là để hỏi lãnh đạo có giúp được hay không”.

Từ tháng 1-2011 đến ngày 8-9-2011, Danh đã làm thủ tục hồ sơ cho 12 cá nhân do Như giới thiệu đến VIB TP HCM vay tổng số tiền 480,3 tỉ đồng, tài sản thế chấp là 40 hợp đồng tiền gởi (do Như làm giả) mang tên các cá nhân này gởi tại Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè. 

Danh đã không đến Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè để làm thủ tục xác nhận, phong tỏa các hợp đồng này mà tin tưởng các xác nhận phong tỏa do Như làm giả. Từ đó, Danh vô tình tiếp tay cho Như lừa đảo.

Khi nghe lời khai trên của các bị cáo, Huyền Như bật khóc tại tòa.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

2 giờ chiều, phiên tòa xét xử vụ án “siêu lừa” Huyền Như tiếp tục với phần xét hỏi đối với bị cáo Phạm Anh Tuấn (SN 1977, ngụ quận 3) – nguyên Tổng giám đốc công ty Thái Bình Dương).

Tuấn cho biết mình quen Như thông qua sự giới thiệu của một nhân viên chứng khoán tên Trần Hoàng Trung. Tuấn cũng xác nhận Như có giới thiệu mình với Võ Anh Tuấn và được bị cáo này đề nghị kí hợp đồng VietinBank chi nhánh Nhà Bè dựa trên cơ sở hợp đồng đã kí với chi nhánh TP HCM với lãi suất cạnh cạnh tranh. Sau đó, Tuấn đã kí 16 hợp đồng với 2 chi nhánh này.

Ngoài ra, Tuấn còn khẳng định mình không nhận số tiền hơn 121 tỉ từ nhóm giúp việc của Huyền Như. Lập tức, HĐXX chất vấn về khoản tiền lớn trong tài khoản của Tuấn tại của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Mạc Thị Bưởi. Tuấn đáp, số tiền trong tài khoản là một phần do vợ chồng tích lũy, phần khác là của gia đình gởi và vay mượn bố mẹ vợ. 

Sau khi kết thúc phần xét hỏi đối với các bị cáo, HĐXX đã cho mời nguyên đơn dân sự và bị hại.

Đại diện Ngân hàng TMCP Quốc tế đề nghị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như dân sự (liên đới bồi thường, khắc phục hậu quả) đối với 12 người đã đứng tên vay tại ngân hàng này. Đồng thời, phong tỏa tài sản đối với các bị cáo để đảm bảo thi hành án.

Đại diện công ty CP Chứng khoán Phương Đông cho biết số tiền gởi tại Ngân hàng VietinBank là của đối tác. Do đó, đề nghị HĐXX xem xét về việc đối tác là nguyên đơn dân sự, công ty Phương Đông chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ, liên quan. Đơn vị này cũng cho rằng “bị đơn dân sự phải là VietinBank chứ không phải là các bị cáo ngồi tại đây”.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư An Lộc phát biểu: “Công ty chúng tôi không quan hệ gì với chi nhánh của Huyền Như mà chỉ làm việc với ngân hàng VietinBank. Do đó, chúng tôi yêu cầu VietinBank phải bồi thường”.

Tương tự, 3 người bị hại cùng các nguyên đơn dân sự khác gồm công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, Bảo hiểm Toàn cầu, Saigonbank-Berjaya, Thái Bình Dương cũng như đều không đồng ý với tư cách pháp nhân là nguyên đơn trong vụ án lừa đảo của Huyền Như, yêu cầu VietinBank hoàn trả số tiền cùng lãi suất không kì hạn theo quy định của ngân hàng VietinBank.

Người lao động

"siêu lừa", lừa đảo, Huyền Như, Huyền Như, "siêu lừa", đại án, lừa đảo, tin tưởng, VietinBank, tin tưởng, đại án


© 2021 FAP
  153,710       10/1,068