Du lịch

Vụ buôn lậu 92 kg vàng: Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ

HĐXX chưa truy đến cùng “tung tích” của một số đối tượng, việc thay đổi lời khai của các bị cáo cũng như lý do thay đổi tội danh...

Sau 2 ngày xét xử, chiều 22-1, TAND huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã tuyên án vụ án “Kinh doanh trái phép” 92 kg vàng.

Truy tố tội “Kinh doanh trái phép” là đúng (!)

Theo đó, bị cáo Nguyễn Ngọc Luân (SN 1958) bị phạt 1 năm 9 tháng tù; Nguyễn Thị Tuyết Vân (SN 1966, cùng ngụ thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang) 1 năm 6 tháng tù, phạt bổ sung 30 triệu đồng; Phạm Tùng Nguyên (SN 1958), Tiêu Khai Phến (SN 1969, cùng ngụ TP HCM) cùng mức án 1 năm 4 tháng tù, phạt bổ sung 20 triệu đồng; Lê Văn Don (SN 1959, ngụ huyện Tân Châu, tỉnh An Giang), Hồng Đức Sanh (SN 1950, ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) và Nguyễn Văn Lợi (SN 1979, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) mỗi bị cáo 1 năm 3 tháng 22 ngày tù (đã chấp hành xong hình phạt). Ngoài ra, HĐXX còn tuyên trả lại cho bị cáo Luân 62 thỏi vàng, Vân 30 thỏi vàng đang bị tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Tiền Giang.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm Ảnh: MINH SƠN
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm Ảnh: MINH SƠN

Theo nhận định của HĐXX, Luân và Vân được cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Trong quá trình kinh doanh, có 2 phụ nữ tên là Mũi và Hai đến nhà bán vàng thỏi không rõ nguồn gốc. Do ham lợi nhuận, 2 bị cáo đã mua vàng, bán lại cho Nguyên, Phến và một số tiệm vàng khác tại TP HCM để thu lợi. Ngày 4-2-2010, Luân thuê người mang 62 kg vàng, Vân thuê người mang 30 kg vàng giao cho Nguyên và Phến thì bị bắt.

Qua điều tra, Luân và Vân khai ngoài số vàng bị bắt nêu trên, cả 2 đã bán trót lọt cho Nguyên và Phến 244 kg vàng, gây thất thu thuế trên 600 triệu đồng và thu lợi bất chính hơn 100 triệu đồng.

Quá trình bán vàng thỏi, Luân và Vân đã thuê Don, Sanh, Lợi vận chuyển từ An Giang đi TP HCM giao cho Nguyên, Phến và một số tiệm vàng khác.

Bị cáo Nguyên là nhân viên kỹ thuật của một cửa hàng vàng bạc đá quý. Dù không có giấy phép kinh doanh cá thể nhưng vì ham lợi nhuận, Nguyên đã mua vàng thỏi của Luân và Vân, gia công thành vàng nữ trang bán lại thu lợi. Bị cáo Phến được cấp giấy chứng nhận kinh doanh nghề mua bán, gia công vàng, trang sức mỹ nghệ, mua vàng thỏi của Luân và Vân để gia công thành vàng nữ trang bán thu lợi.

HĐXX nhận định: “Việc truy tố và xét xử các bị cáo về tội “Kinh doanh trái phép” theo quy định tại khoản 2, điều 159 Bộ Luật Hình sự là có căn cứ và hoàn toàn chính xác.

Vì sao thay đổi tội danh?

Trước đó, lúc mới bị bắt, Luân và Vân có lời khai trùng khớp về một người tên Kỵ, móc nối với 2 bị cáo thực hiện việc buôn lậu vàng. Người này cho nhiều số điện thoại của mình và cho Luân, Vân sim điện thoại Campuchia để 2 bên liên lạc, đặt mua vàng mỗi ngày. Từ lời khai này, Cơ quan Điều tra phối hợp với Cảnh sát Campuchia xác minh được người tên Kỵ chính là Tăng Ly Sun (SN 1960, ngụ TP Phnom Pênh - Campuchia) và Phong Khi Yén (con của Sun). Cả 2 là chủ tiệm kinh doanh vàng thẻ và vàng ký.

Năm 2011, VKSND Tiền Giang ra cáo trạng đã truy tố Luân, Vân và đồng phạm về tội “Buôn lậu”. Tuy nhiên, TAND tỉnh Tiền Giang trả hồ sơ lại và yêu cầu điều tra bổ sung vì “chứng cứ yếu, chưa đủ cơ sở quy kết các bị cáo phạm tội buôn lậu”. Ngày 25-9-2013, Công an tỉnh Tiền Giang ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự từ tội “Buôn lậu” sang tội “Kinh doanh trái phép”, đồng thời chuyển hồ sơ về Công an huyện Châu Thành để điều tra lại từ đầu. Căn cứ để chuyển đổi tội danh là do các bị cáo khai lại số vàng bị thu giữ được mua của 2 phụ nữ tên Mũi, Hai ở huyện Tịnh Biên và khu vực Núi Sam, tỉnh An Giang.

Tại phiên tòa sơ thẩm, trong suốt phần thẩm vấn và tranh luận, dù nhiều lần đặt câu hỏi về việc các bị cáo Luân, Vân mua vàng của ai, bằng cách thức nào nhưng trước những câu trả lời “không nhớ”, “không biết”, “lúc bị bắt hoảng sợ nên khai đại”..., HĐXX đã không truy đến cùng.

Mũi và Hai là ai? Vì sao sau khi được tại ngoại, 2 bị cáo Luân và Vân thay đổi lời khai từ mua vàng của một người tên Kỵ sang mua vàng của Mũi và Hai (huyện Tịnh Biên)? Vì sao Cơ quan điều tra chấp nhận việc thay đổi lời khai của các bị can, từ đó thay đổi tội danh?...

Kết thúc phiên tòa, những câu hỏi đó vẫn chưa có lời đáp. 

Dấu hiệu pháp lý của tội buôn lậu

Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM), dấu hiệu pháp lý của tội buôn lậu là:

1. Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm chính sách quản lý nội thương và ngoại thương.

2. Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:

- Hành vi khách quan là hành vi buôn bán hàng hóa qua biên giới quốc gia trái phép.

- Điểm phạm tội qua biên giới quốc gia là dấu hiệu bắt buộc.

- Đối tượng tác động của tội phạm thuộc 3 nhóm: hàng cấm phải có số lượng lớn hoặc bị xử phạt hành chính về 1 trong các hành vi từ điều 153 đến điều 161 hoặc đã bị kết án về 1 trong những tội này nhưng chưa được xóa án tích.

H.Hiếu

Người lao động

© 2021 FAP
  205,252       1/1,803