Để tránh các biến chứng do phải nằm lâu trên giường dễ dẫn đến tử vong nên mục tiêu điều trị gãy cổ xương đùi là giúp người bệnh sớm tự vận động, trở lại sinh hoạt
Do đặc điểm cấu tạo các bè xương ở vùng cổ xương đùi tạo ra nơi đây có một điểm yếu. Mặt khác, đây lại là vùng chịu lực tải từ toàn bộ thân mình phía trên xuống dưới. Đặc biệt ở những người lớn tuổi và phụ nữ thời kỳ mãn kinh (là nhóm người có khả năng loãng xương cao), mật độ xương thấp và giòn nên chỉ cần một chấn thương nhỏ hay vận động sai tư thế đều có nguy cơ gãy cổ xương đùi.
Không đi lại được
Bệnh viện Vạn Hạnh gặp trường hợp một phụ nữ đang ngồi xổm chỉ bị té ngồi bệt xuống đất (chiều cao té chỉ khoảng 10 cm) vậy mà bệnh nhân cũng bị gãy cổ xương đùi. Sau khi té, bệnh nhân cảm thấy đau nhiều ở vùng khớp háng, có thể thấy biến dạng chân so với chân lành, chân bị đau ngắn hơn và bàn chân đổ ra ngoài khi nằm ngửa. Ít khi thấy sưng nề và bầm tím vùng chậu. Đa số bệnh nhân không tự đi lại được.
Nguồn máu, dinh dưỡng chính để nuôi chỏm xương đùi đi từ cổ lên chỏm xương đùi. Khi gãy cổ xương đùi lệch qua làm mạch máu này đứt, nguồn cung cấp máu sẽ mất đi. Vì vậy, lâu dài, chỏm xương đùi sẽ tiêu dần đi do không có máu nuôi làm cho bệnh nhân không thể đi lại được nữa.
Điều trị không phẫu thuật
Bệnh nhân sẽ mang một dụng cụ (nẹp hoặc bó bột) ở cổ chân để bàn chân hướng thẳng đứng, chống không cho chân xoay ra ngoài. Phương pháp này nhẹ nhàng nhưng không giúp cho bệnh nhân tự vận động được mà phải nằm tại chỗ. Gãy cổ xương đùi nếu điều trị không phẫu thuật thì nguy cơ tử vong cao vì các biến chứng như loét da ở những vùng tì đè như cùng cụt, vùng mắt cá ngoài, vùng gối, viêm phổi và nhiễm trùng đường tiểu. Tắc mạch vì phải nằm lâu, ít vận động nên dễ hình thành những cục máu đông trong lòng mạch máu. Chăm sóc những bệnh nhân trong trường hợp này rất vất vả và khả năng tử vong cho người bệnh rất cao. Vì vậy, chỉ áp dụng cho những bệnh nhân quá lớn tuổi, sức khỏe kém không mổ được.
Điều trị phẫu thuật
Kết hợp xương bằng nẹp - vít: Các trường hợp bệnh nhân còn trẻ, xương còn cứng, gãy xương vùng chân của cổ xương đùi có thể kết hợp xương bằng nẹp - vít. Phương pháp này có thể đưa lại kết quả ổn định lâu dài.
- Phẫu thuật bắt vít qua da: Phương pháp này khá đơn giản, bệnh nhân được gây tê tủy sống, nắn chỉnh. Chỉ cần bắt vài vít qua những vết rạch da nhỏ chưa đến 1 cm. Kết quả lâu dài không tốt lắm.
- Phẫu thuật thay khớp: Khi bệnh nhân bị loãng xương kèm thêm cắt đứt nguồn máu nuôi thì khả năng liền xương sau kết hợp xương hầu như không có, biến chứng hoại tử chỏm xương đùi vẫn còn tồn tại nên không đạt được kết quả lâu dài. Vì vậy, phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo có kết quả lâu dài hơn nhiều. Sau mổ, bệnh nhân có thể ngồi dậy được, tự xoay trở, đi lại được bình thường, tránh những biến chứng do nằm lâu.
Trong quá trình điều trị, việc phục hồi chức năng tại giường trước và sau mổ rất cần được quan tâm. Người lớn tuổi cần cẩn trọng khi đi lại, không mang các đôi dép xốp trơn. Thận trọng khi di chuyển, nhất là những nơi trơn trượt như trong phòng vệ sinh, những khoảng sân ướt, hạn chế leo cầu thang... vì đa số các trường hợp gãy cổ xương đùi đều có liên quan đến té ngã.
Phòng bệnh gãy cổ xương đùi
Phòng ngừa chủ động bằng lối sống và chế độ ăn có lợi cho sức khỏe khung xương. Duy trì việc đi bộ khoảng 60 phút mỗi ngày tùy theo sức khỏe, phơi nắng buổi sáng hằng ngày để có đủ vitamin D. Bổ sung các chất giàu canxi trong chế độ ăn như hải sản, rau (bông cải xanh, rau bó xôi...), sữa tươi, sữa đậu nành...Cần đến bệnh viện kiểm tra định kỳ độ loãng xương để kịp thời cung cấp đầy đủ lượng canxi và vitamin D cần thiết.