Sức khỏe

Tin vui cho người bị ung thư

Việc các nhà khoa học Việt Nam làm chủ công nghệ bào chế thuốc điều trị ung thư trúng đích sẽ mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân được sử dụng thuốc thế hệ mới

Thuốc điều trị ung thư trúng đích do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, bào chế được thử nghiệm trên động vật đã cho kết quả khả quan. Điều đặc biệt là sản phẩm có hiệu quả tương đương với chế phẩm cùng loại tại Mỹ nhưng giá thành chỉ bằng 1/3.

Thành công trong phòng thí nghiệm

“Điều trị đích trong điều trị ung thư bằng công nghệ nano liposome” là một trong những đề tài nghiên cứu nổi bật của chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước lĩnh vực y dược (KC.10) do nhóm các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Dược Hà Nội và Học viện Quân y phối hợp nghiên cứu. Theo PGS-TS Phạm Thị Minh Huệ, Chủ nhiệm Bộ môn Bào chế Trường ĐH Dược Hà Nội đồng thời là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, hiện nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ sản xuất thuốc điều trị ung thư và kháng nấm dạng tiêm liposome doxorubicin và amphotericin B thế hệ mới (thuốc hướng đích) quy mô phòng thí nghiệm.

PGS-TS Huệ cho biết thông thường, bệnh nhân bị ung thư phải truyền tĩnh mạch, thuốc ung thư độc tính rất cao sẽ đến tất cả cơ quan lành trong cơ thể. Vì thế, việc bào chế một loại thuốc trúng đích, chỉ giải phóng thuốc khi gặp khối u, không ảnh hưởng đến các tế bào lành của cơ thể là mục tiêu của các nhà khoa học. Điểm mới ở sản phẩm này chính là công nghệ nanolyposone (lyposone ở dạng nano). Thuốc truyền được qua đường tĩnh mạch và tá dược gần gũi với màng tế bào, làm chất mang để thuốc giải phóng hiệu quả hơn. Với công nghệ này, hoạt chất diệt ung thư được đưa đến trúng đích là khối u ác tính để tiêu diệt nó một cách hiệu quả; đồng thời, hạn chế tối đa các tác động của hóa chất lên những tế bào khỏe mạnh xung quanh, cũng như tình trạng cơ thể bị nhiễm độc do thuốc.

PGS-TS Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội, cho hay đối với người mắc bệnh ung thư, biện pháp hóa trị và xạ trị có tác dụng tiêu diệt những tế bào ung thư trong cơ thể. Tuy nhiên, nhược điểm của hai liệu pháp này là chúng có thể tiêu diệt cả những tế bào khỏe mạnh làm cho người bệnh mệt mỏi, suy nhược, không đủ sức chống lại bệnh tật. Khắc phục nhược điểm này, nhóm nghiên cứu đã nỗ lực điều chế thuốc chữa ung thư hướng đích là liposome doxorubicin và đã thành công trong điều trị trên chuột được gắn tế bào ung thư người. Đây là loại thuốc chỉ diệt khối u ác tính mà không gây tổn hại đến tế bào lành và giảm tối đa độc tính của thuốc đối với cơ thể.

Chuẩn bị điều trị thí nghiệm trên người

Theo PGS-TS Phạm Thị Minh Huệ, sau khi thí nghiệm thành công trên chuột mang khối u của người, nhóm nghiên cứu đang sản xuất thành phẩm để điều trị thí nghiệm trên người bệnh. “Trước đây, việc thí nghiệm thuốc chỉ có cơ hội dùng trên các con chuột mang khối u chuột nhưng các đồng nghiệp Học viện Quân y đã nuôi cấy thành công khối u có tế bào ung thư của người lên chuột. Chuột mang khối u tiền liệt tuyến, đại tràng, phổi, cổ, lưỡi... của người. Các khối u này đã lớn lên trên chuột như trên cơ thể người. Kết quả cho thấy các thuốc trúng đích do Việt Nam bào chế đã làm khối u giảm rõ rệt, kéo dài thời gian sống của con vật, thậm chí kết quả còn vượt trội so với chuột dùng thuốc ngoại có công nghệ tương đương nhưng giá thành đắt. Nhận định này được đưa ra sau khi các nhà khoa học làm thí nghiệm 4 lần trên các nhóm: chuột không được điều trị, chuột điều trị bằng thuốc ung thư thông thường; chuột dùng thuốc của Mỹ tương đương và chuột dùng thuốc trúng đích do Việt Nam sản xuất.

PGS-TS Huệ cho biết tại Mỹ cũng đã có sản phẩm thuốc được sản xuất với công nghệ này, có tiêu chuẩn, chất lượng và tác dụng tương đương như thuốc của Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất nhưng rất đắt, khoảng 7-10 triệu đồng/lọ. Tùy từng bệnh và các giai đoạn bệnh, nếu điều trị bằng thuốc đó, người bệnh có thể phải tốn từ vài chục đến vài trăm triệu đồng cho một lộ trình điều trị. “Với chi phí này, nhiều người bệnh sẽ không có cơ hội tiếp cận thuốc. Khi thuốc trúng đích của Việt Nam ra đời, giá thành chỉ bằng 30%-40% giá của thuốc Mỹ. Hơn nữa, việc làm chủ công nghệ bào chế liposome trong sản xuất loại thuốc này cũng giúp chúng tôi có thể nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc điều trị ung thư khác, trước mắt là thuốc điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng ở phụ nữ” - bà Huệ chia sẻ.

Theo giới chuyên môn, thuốc nhắm trúng đích trong điều trị ung thư được các bác sĩ chuyên khoa đánh giá cao và xem đây như phương pháp cuối cùng để điều trị bệnh ung thư giai đoạn muộn. Tuy nhiên, vấn đề là giá thành rất đắt đỏ. Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết có những loại thuốc giá 1,3 triệu đồng/viên và phải dùng hằng ngày hay 500.000 đồng/viên, mỗi ngày dùng 4-8 viên. Thậm chí, có loại thuốc một liệu trình điều trị lên tới 180 triệu đồng. Do giá thành quá cao nên hiện Việt Nam chỉ mới có 17/37 thuốc ung thư loại này lưu hành trên thị trường. Ngay cả các nước như Nhật, Mỹ cũng không có đủ cả 37 thuốc này.

Bài và ảnh: Ngọc Dung
Người lao động

© 2021 FAP
  22,285,662       24/823