Sức khỏe

Ngộ nhận về thuốc quá “đát”

Hạn dùng của thuốc được xác định dựa vào nghiên cứu khoa học nghiêm túc và đúng quy cách, đòi hỏi người sử dụng phải tuyệt đối tuân thủ

Hiện nay, một số người đã có thói quen tốt là khi mua thuốc tại nhà thuốc thường lưu ý rất kỹ hạn dùng. Họ từ chối mua nếu thuốc sắp hết hạn dùng, còn gọi là cận “đát”.

Vẫn thờ ơ với hạn dùng

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người không thấy được tầm quan trọng của hạn dùng đối với thuốc. Họ không chỉ không quan tâm đến hạn dùng được ghi trên bao bì, nhãn thuốc mà còn thiếu sự thận trọng khi xem xét vấn đề này.

Chẳng hạn, có người trữ lọ thuốc bổ chứa vitamin, chất khoáng với hàng trăm viên, dùng một thời gian thì ngưng. Sau đó, họ đem ra uống lại thì hạn dùng cho phép ghi trên lọ thuốc đã hết. Nhìn bề ngoài thấy viên thuốc vẫn còn bóng láng, màu sắc tươi rói, họ nghĩ dùng chắc chẳng sao, thế là tiếp tục uống để không lãng phí. Việc sử dụng thuốc như vậy có thể nguy hiểm.

Cách đây không lâu, Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện có đến hàng trăm ngàn viên thuốc bị tẩy hạn sử dụng, sửa thành hạn dùng mới tại 3 cửa hàng thuốc bề thế. Những người kinh doanh như vậy quả là có lòng tham không đáy!

Theo Luật Dược, nhãn thuốc lưu hành trên thị trường bắt buộc phải ghi một số nội dung, trong đó có hạn dùng (bên cạnh số đăng ký, số lô sản xuất, ngày sản xuất). Nếu trên nhãn không ghi hạn dùng thì thuốc đó được coi là thuốc giả.

Quá hạn dùng, thuốc có thể gây tử vong

Nên lưu ý, thuốc hết hạn dùng sẽ không còn giữ được các tính chất cần thiết như đã đăng ký trong tiêu chuẩn chất lượng mặc dù trông bề ngoài, đặc tính cảm quan của thuốc không có sự thay đổi, trông vẫn giống y như khi còn hạn dùng.

Nhiều người thấy thuốc bề ngoài còn tốt nghĩ rằng quá hạn dùng trong thời gian ngắn không sao nên cứ sử dụng để tránh lãng phí nhưng thực tế có thể gặp nguy hiểm. Thuốc quá hạn dùng không chỉ giảm hoặc mất tác dụng điều trị, làm người bệnh bị nặng thêm mà còn có thể gây tử vong. Điển hình là thuốc kháng sinh tetracyclin, nếu quá hạn dùng thì trở thành rất độc, gây hại thận.

Gần đây, qua mạng internet, người dân đọc được một bài báo về thuốc quá hạn cùng những lời trấn an của tác giả là một bác sĩ. Vị này đặt câu hỏi nếu lỡ dùng thuốc quá hạn có nguy hiểm gì không và tự trả lời: “Nếu lỡ thì một vài viên quá “đát” cũng không sao vì hầu hết thuốc không tự dưng hết hiệu lực qua đêm sau ngày hết hạn và cũng không tự dưng biến thành thuốc độc... Trong lịch sử y khoa chưa có một loại thuốc hết hạn nào gây ra ngộ độc cả. Trên thực tế, rất nhiều thuốc hết hạn đã cứu được rất nhiều mạng người ở những nước nghèo trong tình trạng khó khăn...”. Tác giả còn dẫn một nghiên cứu đăng trên tờ Journal of Clinical Pharmacology năm 2006 cho thấy 88% thuốc, nếu bảo quản trong điều kiện tốt, vẫn còn hiệu lực tối thiểu 12 tháng và trung bình đến 5 năm sau ngày hết hạn...

Cần phải nói rằng lĩnh vực y tế và sức khỏe bao giờ cũng đề cao phương châm “loại trừ nguy cơ” cho sức khỏe và tính mạng con người. Vì vậy, không thể nói “trong lịch sử y khoa chưa có một loại thuốc hết hạn nào gây ra ngộ độc” hay “trên thực tế, rất nhiều thuốc hết hạn đã cứu được rất nhiều mạng người ở những nước nghèo” mà chấp nhận dùng thuốc quá hạn. Kẻ gian bôi xóa và thay hạn dùng thuốc cũng vin lý do này! Vì vậy, cần khẳng định một lần nữa rằng “tất cả các thuốc chỉ có một hiệu lực là không sử dụng khi mãn hạn dùng và tuyệt đối không được sử dụng sau ngày hết hạn nếu thật sự muốn an toàn”.

PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức
Người lao động

© 2021 FAP
  22,284,191       7/835