Đời sống

Ở nhà chăm con nhỏ lại thành chân nhận hàng và trả tiền thay chị chồng, dâu trẻ bức xúc hỏi cách đòi lại tiền

Những tưởng chị chồng đi làm dâu nhà người ta rồi thì cũng bớt mâu thuẫn nhưng không ngờ em dâu vẫn gặp không ít éo le từ bà chị này.

Dân gian vẫn có câu "giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng" nhằm nói về mối quan hệ nàng dâu với chị/ em gái của chồng. Thực tế, đối xử với chị, em gái của chồng làm sao giữ được hòa khí và tránh mâu thuẫn chưa bao giờ dễ dàng đối với các nàng dâu cả. Nhất là khi, dù nàng dâu đã cố gắng an phận nhưng "giặc bên Ngô" lại cũng chẳng vừa, liên tục làm khó thì đáng quan ngại lắm thay.

Lại liên quan tới mối quan hệ này, mới đây một chia sẻ của nàng dâu đã nhận nhiều sự quan tâm. Cụ thể, câu chuyện này là nỗi bức xúc khi chị chồng dù đã làm dâu nhà người, lại có sở thích mua hàng online nhưng luôn để địa chỉ nhận hàng nhà mẹ đẻ. Vấn đề cũng từ đây mà ra, có khi bố mẹ chồng nhận hàng, có khi nàng dâu đang ở nhà chăm con nhỏ sẽ phải nhận và trả tiền thay.

Ở nhà chăm con nhỏ lại thành chân nhận hàng và trả tiền thay chị chồng, dâu trẻ bức xúc hỏi cách đòi lại tiền - Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình.

Người trong gia đình, giúp đỡ nhau công to việc lớn còn đượcthì mấy cái việc vặt vãnh như nhận hàng giúp thì cũng có sao? Nhưng vấn đề, khi đã nhận hàng và trả tiền thay thì chẳng bao giờ cô chị chồng hoàn lại tiền cả. Em dâu thì cũng ngại không dám đòi.

Thậm chí, chị chồng ngày càng cuồng mua sắm, có lần mua hóa đơn tiền triệu, từ quần áo, bỉm sữa, tinh bột nghệ,… khiến nàng dâu rất bức xúc.

Không chỉ có cô, thậm chí đến chính bố đẻ của bà chị này - tức bố chồng của cô gái cũng phải lên tiếng than phiền và quở trách. Nhưng mẹ chồng thì lại bênh con gái ra mặt, cho rằng con đi làm dâu vất vả nên để con được thoải mái một chút.

Câu chuyện này được đăng đàn không bao lâu đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Dưới phần bình luận, chị em bàn tán rất sôi nổi về vấn đề này, người cảm thông, người chê trách, người đưa ra lời khuyên.

Một tài khoản hiến kế: "Lần sau mà kêu nhận hàng hộ, cứ ra nhận rồi nói không đủ tiền mom ơi. Mẹ chồng có nhận thì nhận, không thì kệ bả. Vài ba lần bị vậy chắc bà ấy cũng thay đổi thôi. Mom cũng ở nhà thai sản, chăm con nhỏ tốn kém, tiền đâu mà cứ cho không bà chị chồng như vậy được."

Cũng đồng tình với cách trên, facebook H.T.A còn cho biết thêm: "Đừng nói nhiều lần chứ một lần cũng khó chịu. Cái gì cho ra cho, vay ra vay, trả giúp thì phải trả lại chứ. Mom như vậy hiền đó, còn em mất lòng trước hơn được lòng sau. Nói thẳng ra với bà ý, tiền nợ cũ cũng phải đòi. Nếu mom hiền và ngại va chạm thì nói chuyện với chồng đi, để anh chồng ra mặt giúp."

Ở nhà chăm con nhỏ lại thành chân nhận hàng và trả tiền thay chị chồng, dâu trẻ bức xúc hỏi cách đòi lại tiền - Ảnh 2.

Chị chồng dù đi làm dâu vẫn thường xuyên mua đồ và để mẹ để nhận, trả tiền hộ. (Ảnh minh họa)

Một vài cư dân mạng thì chê trách sự nuông chiều thái quá của mẹ chồng chủ thớt với con gái, và chê trách cả chị chồng không biết điều: "Bạn ơi đừng so sánh dâu với con, vì có bao giờ bằng được đâu. Nhưng mẹ chồng của bạn đáng trách quá vì yêu mà chiều thái quá. Gia đình có phải giàu có gì đâu mà mỗi lần hóa đơn bạc triệu như vậy vẫn trả giúp. Còn cô con gái có lớn mà không có khôn, bố mẹ thì còng lưng đi làm còn con thì tiêu pha kiểu phá gia chi tử như thế."

Tài khoản facebook M.L thì đầy thông cảm với nàng dâu, cho biết: "Chị ơi, trước kia em cũng vậy nè. Em ở nhà chăm con nhỏ, một bộ quần áo cho mình chả dám mua mà bà chị chồng cứ sắm tiền triệu gửi về phải nhận hộ. Nhưng em thì cũng chẳng có đâu, nên em vẫn đòi lại. Bà ý khó chịu nhưng làm gì được, có mách mẹ chồng thì chồng em cũng bênh em. Chị cứ mạnh mẽ lên, đừng nhún nhường nữa chứ không còn tốn bạc triệu cho bà chị chồng sống kiểu khôn lỏi này!"

Hiện tại, bài viết vẫn đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều thành viên của nhóm cộng đồng. Dù chẳng biết thực hư ra sao và cô gái trên sẽ xử lý bà chị chồng này thế nào nhưng qua những kinh nghiệm được chia sẻ từ cư dân mạng, có lẽ cô gái cũng nhận ra những cách giải quyết thông minh và khôn khéo để không mất đi hòa khí của gia đình.

aFamily

mua hàng online, chị chồng, em dâu, giặc bên ngô, bà cô bên chồng


© 2021 FAP
  3,903,639       1/860