Sức khỏe

Thận trọng khi dùng thuốc ho dạng si-rô cho trẻ

Nhiều người nghĩ thuốc ho dạng si-rô dễ sử dụng và rất an toàn cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên nếu sử dụng không đúng cũng sẽ gây nên những hậu quả xấu đối với trẻ.

Nghĩ rằng si-rô ho là thuốc thảo dược an toàn
Trên thực tế, không phải tất cả các loại si-rô đều là thực phẩm chức năng để có thể dùng một cách tùy tiện như nhiều ông bố, bà mẹ thường nghĩ. Đã có không ít trường hợp do lạm dụng siro, trẻ phải nhập viện điều trị. Thậm chí, với một số loại siro như si-rô điều trị ho, nếu dùng quá liều có thể nguy hiểm tới tính mạng của trẻ. 
Chị Nguyễn Hồng Linh (Hà Nội) hễ thấy bị con ho là mua si-rô ho về dùng ngay, không cần biết con bị ho do nguyên nhân gì. Theo lời kể của chị với bác sĩ thì chị thường “chữa bệnh” cho con như vậy là vì chị nghĩ thành phần trong sirô đều chiết xuất thảo dược  tự nhiên, không gây hại cho sức khỏe của trẻ. 
 Tuy nhiên đợt này chị dùng đến hai tuần si-rô rồi mà vẫn không thấy khỏi. Sốt ruột, lúc này chị mới đưa con đến Bệnh viện Nhi trung ương khám thì mới tá hỏa khi biết cháu bị ho do viêm phế quản nên dùng thuốc ho si-rô sẽ không khỏi và có khi làm cho bệnh trở nên nặng hơn.
Hay trường hợp cháu Vũ Hùng Anh (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) mới đây vừa được các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng  cấp cứu thành công do uống thuốc quá liều. Cháu nhập viện trong tình trạng nôn mửa, sốt cao 39 độ C, tiêu chảy nhiều lần, có biểu hiện co giật. Trước đó, gia đình cháu Hùng Anh nhiều lần cho cháu sử dụng thuốc ho dạng si-rô theo cách thức áng chừng. Theo hướng dẫn sử dụng, cháu Hùng Anh cần uống 15ml thuốc, nhưng do mất nắp cốc đong nên bố mẹ tự đổ thuốc ra thìa rồi cho con uống.
BS Nguyễn Thu Hằng, BV Nhi Trung ương, cho biết khá nhiều người nuôi con nhỏ cũng có cùng suy nghĩ như các gia đình trên. Họ coi các loại si-rô là một dược phẩm an toàn bởi thành phần chiết xuất từ thảo dược  tự nhiên nên không sợ ngộ độc. Nên khi con có bất kỳ một dấu hiệu khác thường về sức khỏe như sổ mũi, nhức đầu, ho, biếng ăn…các mẹ đều coi thuốc si-rô là lựa chọn hàng đầu. 
Tuy nhiên, phần lớn các loại sirô có tác dụng giảm cơn ho nhanh, tiêu hóa tốt, chứng tỏ trong thuốc có thêm một số hoạt chất hóa học, nếu lạm dụng hoặc dùng sai liều lượng sẽ gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Thận trọng khi dùng thuốc ho dạng si-rô cho trẻ 1
Nếu sử dụng thuốc si-rô ho không đúng cũng sẽ gây nên những hậu quả xấu đối với trẻ. Ảnh minh họa
Lưu ý  khi sử dụng sirô ho
Theo BS Hằng, ho là một phản xạ bảo vệ cơ thể, giúp tống đàm, dịch nhầy, vật lạ trong đường thở, làm sạch đường thở. Si-rô ho sẽ tạm thời ức chế cơn ho, phù hợp với các bệnh ho do viêm họng, cảm cúm, nhưng cần dùng theo sự chỉ định của bác sĩ.
Theo vị bác sĩ này không ít trường hợp  trẻ bị bệnh trở nên nặng hơn do phụ huynh tự mua các loại sirô ho cho trẻ uống. Có nhiều nguyên nhân gây ho ở trẻ, nhưng thường gặp là do trẻ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm amiđan, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… nhất vào thời điểm mùa đông thì trẻ bị ho rất nhiều. Nên các mẹ lưu ý cho việc điều trị ho cho con dưới dạng si-rô.
BS Hằng nhấn mạnh đơn giản như trẻ bị ho do nước mũi chảy xuống họng, chỉ cần dùng thuốc nhỏ mũi, vệ sinh sạch mũi thì trẻ sẽ hết ho; dùng si-rô ho nhiều khi không có tác dụng.
Trường hợp trẻ ho kèm sốt, mũi khô, khó thở, thở nhanh, cánh mũi phập phồng, co ngực lõm… cần phải lập tức đưa trẻ đi khám. Bởi nếu trẻ bị viêm phổi, viêm thanh quản, hen suyễn, phản xạ ho là để tống xuất đàm nhớt. Trong khi đó, sirô ho lại ức chế phản xạ ho, làm bệnh nặng thêm, bệnh sẽ tiến triển rất nhanh và thậm chí tử vong do suy hô hấp.
Có nhiều bà mẹ sau khi cho con uống các lọai si-rô còn không uống nữa cất đi để lần sau nếu có bị ốm hay ho, biếng ăn cho trẻ uống tiếp điều này rất nguy hiểm. Bởi si rô ở dạng nước nên rất dễ bị nhiễm khuẩn vì thế sau khi dùng si-rô không hết chúng ta nên bỏ đi chứ không nên dùng lại.
Ngoài ra một số loại si-rô còn gây hại thần kinh bởi một số có chứa kháng histamin, có tác dụng an thần nhẹ, ức chế thần kinh trung ương để giảm ho. Dùng si-rô ho về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ. Trẻ dưới hai tuổi có thể bị kích động, co giật vì si-rô ho.
Những trường hợp trẻ biếng ăn, ngủ kém, có thể do rối loạn chức năng sinh lý, cơ thể trẻ sẽ tự thích nghi và điều chỉnh. Không nên dùng các loại si-rô lâu dài để kích thích ăn ngon vì cơ thể trẻ có nguy cơ lệ thuộc thuốc hoặc có thể phản tác dụng.
Ngoài ra, BS Hằng còn đưa ra lời khuyên khi các mẹ sử dụng thuốc dạng si-rô cho trẻ cần lưu ý không cho trẻ uống si-rô trước bữa ăn vì thuốc có hàm lượng đường cao có thể ức chế tiết dịch tiêu hóa. Mặt khác, đường được hấp thu rất nhanh, đường trong máu trẻ tăng lên gây “ngang dạ” làm cho trẻ kém ăn. 
 Không cho trẻ uống trước khi đi ngủ vì chất đường bám vào răng dễ lên men chua, làm hỏng men răng, gây sâu răng. 
 Với các loại thuốc bổ máu có chất sắt (Ferinsol, Tot'hema, sắt peptonat hòa tan...), nếu dùng cho trẻ em bị thiếu máu do thiếu sắt, tránh cho thuốc tiếp xúc trực tiếp với răng, vì dễ làm cho răng có màu nâu xỉn. Có thể dùng ống hút, nhỏ giọt hoặc dùng thìa đưa sâu vào miệng trẻ. 
 Không cho trẻ uống thuốc cùng với sữa bò, hoặc uống vào sát thời điểm bú mẹ để tránh tạo thành chất sắt không hòa tan, cản trở sự hấp thu.. 
Khi cho trẻ uống cần theo đúng chỉ dẫn về liều lượng số giọt hoặc thìa đong thuốc hợp với từng lứa tuổi của trẻ, có thể tham khảo ý các bác sĩ chuyên khoa.        
aFamily

© 2021 FAP
  1,134,780       2/1,322