Sức khỏe

Nhận biết bệnh tay chân miệng và cách phòng bệnh

Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.

Ca tử vong đầu tiên năm 2015 do mắc bệnh tay chân miệng
Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ cho biết bé gái Trương Thị Như Huỳnh (21 tháng tuổi) ở ấp 6, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang tử vong chiều 5/1 là do mắc bệnh tay chân miệng độ 4. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên do mắc bệnh tay chân miệng trong năm 2015 và là ca tử vong thứ 2 tại Hậu Giang do bệnh tay chân miệng từ năm 2012. 
Trước đó, ngày 1/1, bé Trương Thị Như Huỳnh được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang điều trị với triệu chứng sốt cao, có dấu hiệu co giật, lơ mơ và được xác định mắc bệnh tay chân miệng độ 2B (nhóm 1). Do bệnh tiến triển quá nhanh, bệnh viện Đa khoa Hậu Giang và gia đình quyết định chuyển bé lên tuyến trên điều trị và bé đã tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ.  
Nhận biết bệnh tay chân miệng và cách phòng bệnh 1
Bệnh tay chân miệng gây ra do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác, trong đó hay gặp là virus đường ruột týp 71 (EV71) và coxsackie A16. Virus EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong.
Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên mắc bệnh, nhưng thời gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần (do virus vẫn tồn tại trong phân).
Tất cả những người chưa từng bị bệnh tay chân miệng đều có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng không phải ai bị nhiễm bệnh cũng xuất hiện bệnh.
Bệnh tay chân miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Các trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn. Trẻ em có nhiều khả năng bị lây nhiễm và bị bệnh bởi chúng có ít kháng thể hơn người lớn và khả năng miễn dịch khi tiếp xúc bệnh kém hơn. 
Nhận biết bệnh tay chân miệng và cách phòng bệnh
Triệu chứng khi mắc bệnh tay chân miệng là sốt, chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng. 1-2 ngày sau khi khởi phát sốt, người bệnh xuất hiện đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét. Vết loét thường nằm trên lưỡi, nướu răng (lợi) và niêm mạc má.
Người bệnh có thể có dấu hiệu phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày với những đốm màu đỏ khổng nổi (hoặc nổi lên), có khi có rộp da. Ban thường nằm trong lòng bàn tay và lòng bàn chân, cũng có thể xuất hiện trên mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục.
Nhận biết bệnh tay chân miệng và cách phòng bệnh 2
Bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.  
Để phòng bệnh tay chân miệng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra khuyến cáo.
- Cho trẻ ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống sôi; đồ dùng phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày
- Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. 
Nhận biết bệnh tay chân miệng và cách phòng bệnh 3
Ngoài ra, cả người lớn và trẻ nhỏ cần duy trì thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn nhiều lần trong ngày, dưới vòi nước chảy. Các thời gian quan trọng cần rửa tay là sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm và sau khi thay tã, làm vệ sinh cho trẻ.
Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác. 
aFamily

© 2021 FAP
  1,112,751       1/876