Sức khỏe

Những điều cần lưu ý khi cho trẻ đi tiêm chủng

Theo khuyến cáo chuyên gia y tế chúng ta không nên trì hoãn tiêm chủng cho trẻ để tránh nguy cơ trẻ có thể mắc các bệnh truyền nhiễm.

Thời gian vừa qua đã xảy ra hiện tượng thiếu vắc xin tiêm chủng dịch vụ, đặc biệt là vắcxin 6 trong 1 và 5 trong 1. Tuy nhiên theo khuyến cáo chuyên gia y tế chúng ta không nên trì hoãn tiêm vắc xin cho con để tránh nguy cơ trẻ có thể mắc các bệnh truyền nhiễm.
Không được trì hoãn tiêm vắc xin cho trẻ
Chị Hồng Thái (Thành Công), chia sẻ con mình được 3 tháng cháu chưa được tiêm một mũi nào 5 trong 1 hay 6 trong 1. Đợt đứa con trai đầu tiên mình tiêm phòng cho cháu hoàn toàn bằng tiêm dịch vụ. Tuy nhiên đến cháu thứ hai không có thuốc nên thành ra chưa tiêm mũi nào, cứ chần chừ mãi. Mấy lần gia đình có đi hỏi các trung tâm tiêm chủng đều hết vắc xin mở rộng. Vì sức khỏe của con, mình quyết định cho con tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng không khỏi lo lắng.
Cùng trong tâm trạng như chị Thái, đưa cô con hơn 2 tuổi đi tiêm vắc xin chị Nguyễn Thị Thanh (Phường Trung Kính- Cầu Giấy, Hà Nội) rất lo lắng bởi chị nghe mọi người trong cơ quan nói trẻ tiêm vắc xin dịch vụ sẽ ít sốt hơn so với tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên chị không biết bao giờ mới có vắc xin dịch vụ. Trong thời gian này có rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm nên chị quyết định cho con tiêm vắc xin trong tiêm chủng mở rộng. Trước khi tiêm chị được các điều dưỡng hướng dẫn chăm sóc trẻ sau khi tiêm chủng nhưng vẫn vô cùng lo lắng.
Theo  TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được công văn khẩn của Bộ Y tế, Trung tâm có bảng thông báo và triển khai tiêm miễn phí vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem tại điểm tiêm 70 Nguyễn Chí Thanh ngay trong ngày 10/3. Chỉ riêng trong buổi sáng đã có 50 trẻ được tiêm.
TS Cảm cho biết, điều các mẹ băn khoăn nhất ngoài, lo sợ các phản ứng phụ sau tiêm như sốt, quấy khóc... thì đều lo lắng đang tiêm vắc xin dịch vụ chuyển sang vắc xin khác có hiệu quả không. TS Cảm khẳng định vắc xin vẫn hiệu quả như bình thường.
Các trẻ đến đây hỏi tiêm vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 dịch vụ hoặc tiêm vắc xin khác nhưng nhân viên tư vấn chưa thấy được tiêm đủ các mũi này đều tư vấn tiêm mũi 5 trong 1 Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Phần lớn các cha mẹ đều đông ý tiêm cho con. 
Việc tiêm thay thế như thế rất cần thiết và hợp lý, cha mẹ không nên trì hoãn vì trẻ có thể mắc bệnh khi chưa được tiêm chủng đầy đủ. Trước đây Hà Nội chỉ triển khai tiêm miễn phí trong 1 ngày nhưng hiện nay tổ chức thành tuần. Dù tiêm ở đâu chất lượng vắc xin đều đảm bảo, trẻ đều được khám sàng lọc kỹ trước tiêm, TS Cảm nói.
luu-y-khi-di-tiem-chung
Ảnh M. Tuyết
Giữ ấm cho trẻ đúng cách khi đưa trẻ đi tiêm chủng
Hiện nay khi thời tiết lạnh, mưa phùn  để đưa con an toàn khi đi tiêm chủng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo:
Hàng tháng các bà mẹ nhớ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng, không để trẻ bị trì hoãn vì như vậy làm mất cơ hội tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cho trẻ. Trẻ không được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đúng lịch sẽ có khoảng trống thời gian nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ như bệnh ho gà, sởi, bạch hầu, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản …
Bà mẹ cũng lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng phải trẻ phải được giữ ấm đúng cách, đi tất đảm bảo chân, tay trẻ đủ ấm, không để trẻ bị gió lùa để trẻ không bị nhiễm lạnh.
 Trong trường hợp trời mưa phùn phải đảm bảo trẻ không bị thấm nước mưa nhưng cũng không đùm trẻ quá kín bằng áo mưa, vải nilon dẫn đến không thoát được mồ hôi hoặc thiếu khí thở, đây là nguyên nhân trẻ dễ bị ngạt hoặc viêm phổi.
Đối với trẻ nhỏ rất dễ bị viêm đường hô hấp, dẫn đến viêm phế quản phổi, nguyên nhân do vi rút hoặc vi khuẩn, đây là bệnh rất nguy hiểm dễ dẫn đến biến chứng nặng và gây tử vong.
Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, không có vắc xin nào là an toàn 100%. Do đó để giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm, khi đưa con đi tiêm chủng, các bà mẹ cần mang theo sổ tiêm chủng của trẻ và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như tiền sử quá trình sinh đẻ, bệnh tật, tiêm chủng của trẻ, đặc biệt lưu ý các  phản ứng mạnh với lần tiêm  trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban, sưng nề vùng tiêm... để có chỉ định tiêm vắc xin phù hợp.
Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ sau tiêm chủng. 
Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như: sốt cao, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái... để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 
aFamily

© 2021 FAP
  1,113,715       1/1,292