Nguy cơ nhiễm xạ do chụp X-quang là rất thấp hầu như không ảnh hưởng gì đến thai nhi và dấu hiệu mang thai của em.
Em bị trễ kinh nhưng không thấy có dấu hiệu mang thai. Em đi siêu âm đầu dò không có thai, thử que thì lên 1 vạch. Vì đau lưng quá nên em đã đi bệnh viện chụp X-quang vùng xương sống, xương chậu. Sau đó vài hôm em đi siêu âm lại, bác sĩ bảo có thai 6 tuần. Em kể lại sự việc thì các bác sĩ bảo bỏ thai vì nguy cơ dị tật cao. Em đang rất buồn và lo lắng, cho đến nay em vẫn không có dấu hiệu mang thai. Bác sĩ cho em hỏi, tia X quang ảnh hưởng đến em bé như thế nào và có phải do chụp X-quang mà em không có dấu hiệu mang thai phải không? Em có nên giữ em bé lại không? Em cảm ơn bác sĩ! (Nguyễn Phương)
Trả lời:
Chào em,
Em cần biết một điều rằng, X-quang trong y học chẩn đoán bệnh không làm tăng số lượng trẻ sinh ra bị dị tật. Thậm chí nếu không chụp chiếu gì, có khoảng 4-6% trẻ sinh ra có dị tật không lớn thì nhỏ. Dị tật thường gặp nhất là các nốt thịt thừa trên da hoặc thừa một ngón tay/ chân…
Nguy cơ nhiễm xạ do chụp X-quang là rất thấp hầu như không ảnh hưởng gì đến thai nhi và dấu hiệu mang thai. Ảnh minh họa
Em không nên quá lo lắng nhé. Thực tế, nguy cơ nhiễm xạ do chụp X-quang là rất thấp hầu như không ảnh hưởng gì đến thai nhi cũng như
sức khỏe sinh sản của em. Nếu em thực sự lo lắng việc con em sẽ nhiễm xạ; các thông số được cài đặt sẵn trong máy sẽ cho em biết chính xác em và thai nhi của em đã nhận một liều chiếu xạ bằng bao nhiêu sau khi chụp X-quang. Thông thường, một thai nhi trong bụng mẹ không nên hấp thụ liều chiếu xạ quá 5 Rad. Bởi vì mỗi lần chụp chiếu cơ thể sẽ hấp thụ một liều thấp hơn rất nhiều số đó, vậy nên em có thể gặp bác sỹ chẩn đoán hình ảnh và nói chuyện xem liệu họ có thể giúp em biết con số chính xác em đã nhận một liều chiếu xạ bao nhiều.
Thai của em được khoảng sáu tuần tuổi nên có thể em chưa có
những dấu hiệu mang thai. Vậy nên, nếu muốn giữ thai em nên khám thai theo đúng định kỳ, và được làm các sàng lọc trước sinh, phát hiện sớm các bất thường của thai, phần phụ của thai. Xét nghiệm sàng lọc trước sinh được thực hiện quí 1 từ tuần 11 – 13 tuần 6 ngày sau khi đo đo độ mờ gáy (Double test). Nếu chưa thì sẽ làm xét nghiệm Triple test từ tuần 15 – 20 thai kỳ. Đến tuần 21 – 23 siêu âm hình thái học.
Vậy nói để em và nhiều bà mẹ khác quan tâm: X-quang nói chung là không nguy hiểm với phụ nữ có thai như em lo lắng. Nếu bác sỹ của em thấy rằng em cần thiết phải chụp để chẩn đoán các vấn đề sức khỏe hoặc tai nạn, em nên chụp. Em phải khỏe mạnh thì con em mới khỏe. Thực tế thì vấn đề sức khỏe của em ảnh hưởng đến thai nhiều hơn là tia X.
Chúc em bớt lo lắng và mẹ con khỏe mạnh nhé!
BS. Bạch Hà Thư (Bệnh viện Phụ sản Trung ương)
Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:suckhoe@afamily.vn. |