Vi khuẩn đường ruột có phải là một nguyên nhân gây béo phì? Đây là vấn đề khiến không ít các nhà nghiên cứu đau đầu và đưa ra những kết luận khác nhau.
Lý thuyết về mối quan hệ giữa vi khuẩn đường ruột và bệnh béo phì
Giảm cân là một trận chiến liên tục mà nhiều người trên thế giới này phải đối mặt. Không ít người cho rằng, béo phì là do ăn quá nhiều nhưng trong những năm gần đây các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng nó có thể liên quan đến sự mất cân bằng của các vi khuẩn trong ruột. Một số nhà nghiên cứu tin rằng các vi khuẩn trong ruột mỗi người có ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe như bệnh tim và bệnh viêm ruột bệnh tiểu đường loại 2 và cả thừa cân,
béo phì (được gọi là microbiome - hệ gen thứ hai của con người, có nghĩa là các vi sinh vật sống trong mọi ngóc ngách cơ thể người, bao gồm các vi khuẩn, thực khuẩn thể, nấm, động vật nguyên sinh và virus).
Có hàng nghìn tỷ vi khuẩn khác nhau sống trong ruột của chúng ta và cũng giống như dấu vân tay, hệ vi khuẩn đường ruột của mỗi người kaf khác nhau, không có ai giống hệt nhau. Các loại vi khuẩn khác nhau trong đường ruột có vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa và sản sinh vitamin.
Nhưng cũng có nghiên cứu cho rằng vi khuẩn đường ruột ảnh hưởng đến nhiều vấn đề sức khỏe như là bệnh tim, bệnh viêm ruột, bệnh tiểu đường loại 2. Các nhà nghiên cứu khác cho thấy những vi khuẩn này thậm chí có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và trọng lượng cơ thể vì chúng kiểm soát lượng năng lượng hình thành từ thực phẩm bạn ăn và lượng đường trong máu tăng lên sau khi ăn.
Năm 2013, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã so sánh các loại vi khuẩn đường ruột trong cơ thể của 169 người béo phì và 123 người không mắc béo phì ở Đan Mạch. Giáo sư Jeroen Raes của Viện Công nghệ sinh học Flemish (VIB) tại Brussels cho biết: Chúng tôi có thể chia hệ đường ruột của họ thành 2 nhóm là nhóm có nhiều loài vi khuẩn trong đường ruột và nhóm có ít vi khuẩn hơn". Trong số 292 người này, 73 người có lượng vi khuẩn đường ruột ít hơn 40% so với mức trung bình, những người này có khả năng bị béo phì và bị
viêm đường ruột.
Ông Stanislas Dusko Ehrlich, thuộc Viện nghiên cứu Nông nghiệp quốc gia Pháp (INRA), cho rằng việc phát triển nghiên cứu này cũng có thể giúp xác định cả những nguy cơ và phương pháp cân bằng các loại vi khuẩn để ngăn ngừa bệnh béo phì.
Nguyên nhân béo phì không phụ thuộc vào hệ sinh vật đường ruột
Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan đã loại bỏ kết luận này. Họ cho rằng không có sự khác biệt về các vi khuẩn được tìm thấy trong hệ tiêu hóa của người béo phì hay người đạt chuẩn cân nặng. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí mBio.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét 10 nghiên cứu trước đây về mối liên hệ giữa các microbiome và bệnh béo phì. Họ cũng phân loại các vi khuẩn khác nhau trong dạ dày của một người trưởng thành. Việc này nhằm tác dụng dự đoán xem có sự khác biệt giữa béo phì và không béo phì hay không. Tuy nhiên, ở những nghiên cứu trước đó, việc này không đem lại kết quả gì.
Tác giả nghiên cứu, giáo sư Schloss, nói sẽ cần nghiên cứu nhiều hơn về "cách mà mọi người tích lũy chất béo". "Thật sự không có loại vi khuẩn ảnh hưởng đến sức khỏe như là microbiome. Hàng trăm người, mỗi người có hàng trăm các loại vi khuẩn khác nhau trong ruột. Bởi vậy, ý tưởng làm gì đó để 'chấn chỉnh' lại các vi khuẩn này là điều không thể làm được", giáo sư Schloss cho biết.
Đồng tác giả, tiến sĩ Marc Sze cũng tin điều quan trọng là phải hiểu tại sao mọi người trở nên béo phì, nguyên nhân do đâu.
Ông cho biết: "Hiện nay, béo phì đang là một nguy cơ sức khỏe và có thể trở thành nạn dịch. Nhiều người đã đưa ra quan điểm rằng trong ruột của người béo phì và không béo phì không những có các vi khuẩn microbiome khác nhau mà các microbiome này còn có thể giúp dự đoán nguy cơ béo phì. Chúng tôi muốn tìm hiểu điều này có thực sự đúng hay không vì nếu đúng thì có sẽ có rất nhiều ý nghĩa trong việc quản lý căn bệnh này", tiến sĩ Marc Sze chia sẻ.
Các nhà nghiên cứu này đang phát triển một công cụ tương tự để đánh giá sự liên kết giữa các vi khuẩn đường ruột và mối liên hệ với bệnh ung thư ruột kết. Ho cũng hy vọng những phát hiện của mình sẽ là công cụ mới để có thể giúp chẩn đoán, phát hiện các khối u đại trực tràng.
Mặc dù có những quan điểm khác nhau nhưng các nhà nghiên cứu đều tin rằng thói quen
ăn uống lành mạnh cung cấp nhiều chất xơ và dinh dưỡng cho hệ vi khuẩn đường ruột cũng sẽ giúp mọi người giảm cân. Họ cho rằng ăn thức ăn giàu chất xơ, tập thể dục và ngủ đủ giấc giúp thúc đẩy sự đa dạng và số lượng các "vi khuẩn tốt" - vi khuẩn có tác dụng giảm chất béo. Bên cạnh đó, thực phẩm ăn vặt không lành mạnh, thuốc kháng sinh là những yếu tố tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển mạnh.
(Nguồn: DailyMail/Abc)