Trong tình yêu, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Còn trong thế giới y khoa, đó là cánh cửa dẫn tới sức khỏe của bạn. Đừng bỏ qua 5 bệnh về mắt đặc biệt nguy hiểm này nhé.
Ravi D. Goel, bác sĩ chuyên về mắt tại Wills Eye Surgical Network (New Jersey, Mỹ), cho biết: “Đôi mắt là cơ quan thiết yếu, có thể ảnh hưởng tới các hoạt động của cuộc sống thường ngày và chất lượng cuộc sống”. Thử nghĩ mà xem: Một căn bệnh – hay một chấn thương không báo trước – tác động lên mắt bạn và để lại hậu quả lên khả năng lái xe, đi lại, làm việc và bất cứ hoạt động nào khác của bạn.
Hãy cùng tìm hiểu về những căn
bệnh về mắt và cách phòng ngừa qua tư vấn của chuyên gia thuộc American Academy of Ophthalmology (Viện Hàn lâm Nhãn khoa Mỹ).
1. Bệnh glôcôm (bệnh tăng nhãn áp)
Định nghĩa: Đây là bệnh làm hư hại dây thần kinh thị giác - vốn chịu trách nhiệm gửi thông tin thị giác tới não. Nó cũng là nguyên nhân gây mù lòa thứ hai trên thế giới, theo thống kê của WHO. Hơn 3 triệu người Mỹ bị bệnh tăng nhãn áp nhưng chỉ một nửa trong số đó biết bệnh của mình.
Cách nhận biết: Dạng thường gặp nhất của bệnh tăng nhãn áp (được gọi là tăng nhãn áp góc mở) được giới chuyên gia nhãn khoa đặt tên “Sneak Thief of Sight” (tạm dịch: Kẻ trộm lén thị lực). Đó là bởi vì, ban đầu, bệnh thường không có triệu chứng gì. Dù vậy, điều gì đang xảy ra bên trong đôi mắt bạn? Áp lực tăng và những điểm mù xuất hiện trong tầm nhìn của bạn. Theo bác sĩ Andrew G. Iwach, chuyên gia về bệnh tăng nhãn áp tại Trung tâm Tăng nhãn áp San Francisco: “Những điểm này có thể không được phát hiện cho tới khi dây thần kinh thị giác bị hư hại nghiêm trọng hoặc cho tới khi một bác sĩ chuyên mổ mắt phát hiện ra qua một cuộc kiểm tra
sức khỏe của mắt toàn diện”.
Cách điều trị: Bác sĩ sẽ quyết định cách thức điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bác sĩ Iwach cho biết: “Nhỏ thuốc mắt chuyên dụng hàng ngày là cách phổ biến nhất để điều trị bệnh tăng nhãn áp”. Phẫu thuật cũng là một lựa chọn khác. Nhưng điều quan trọng vẫn là hợp tác sâu sát với bác sĩ để lựa chọn cách điều trị tốt nhất.
Cách phòng ngừa: Viện Hàn lâm Nhãn khoa Mỹ khuyến nghị, tất cả mọi người nên đi khám sức khỏe mắt ở tuổi 40, ngay cả thị lực vẫn ổn. Nếu gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh mắt, bạn cũng có nguy cơ bị tăng nhãn áp. Người gốc châu Phi, Latinh và châu Á cũng có nguy cơ mắc tăng nhãn áp cao hơn.
2. Bệnh viêm kết mạc
Định nghĩa: Thường được biết đến với tên gọi “đau mắt đỏ” - phần mô trong phủ trên tròng trắng mắt bị viêm nhiễm - viêm kết mạc là bệnh cực kỳ phổ biến. Theo Viện Mắt Quốc gia Mỹ, gần 3 triệu người bị viêm kết mạc mỗi năm.
Cách nhận biết: Như tên thường gọi, bệnh viêm kết mạc khiến mắt đỏ lên. Mắt cũng có thể ngứa, chảy nước mắt hoặc xuất hiện rỉ mắt. Mi mắt khép hờ và bạn có thể bị mờ mắt nhẹ. Mặc dù đau mắt đỏ gây cảm giác vô cùng khó chịu, nó lại không gây đau đớn hoặc khiến bạn nhạy cảm với ánh sáng.
Cách điều trị: Những dạng đau mắt đỏ khác nhau đòi hỏi cách thức điều trị khác nhau. Ví dụ, đau mắt đỏ theo mùa (thường do phấn hoa gây ra) có thể chữa trị bằng cách thường xuyên rửa sạch tay và mặt, túi chườm lạnh, thuốc kháng histamin hay thuốc nhỏ mắt có chứa steroid (do bác sĩ kê đơn).
Mặc dù vậy, thật không may vì thuốc thang không giúp chữa khỏi bệnh
viêm kết mạc do virus. Bệnh có thể lây lan rất nhanh trong cộng đồng, do đó, lời khuyên chủ yếu vẫn là rửa tay sạch và không dùng chung gối hay khăn mặt/khăn tắm với người bệnh. Dạng đau mắt đỏ này thường mất 7-10 ngày để khỏi. Nó cũng không đáp ứng với các loại thuốc nhỏ chứa kháng sinh.
Viêm kết mạc do vi khuẩn đáp ứng với thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh trong 1-2 ngày. Vệ sinh tay sạch sẽ vẫn vô cùng quan trọng. Nhưng 24 giờ sau khi nhỏ thuốc mắt có kháng sinh, bạn thường đủ khỏe để đi làm trở lại. Tất nhiên, cách chính xác nhất để biết bạn bị viêm kết mạc dạng nào là đi khám bác sĩ. Theo Dịch vụ Sức khỏe Quốc gia (National Health Service), không điều trị viêm kết mạc nhiễm trùng có thể khiến tình trạng viêm nhiễm lây lan sang các phần khác của cơ thể. Thêm nữa, không điều trị cũng có thể dẫn tới mất thị lực (dù rất hiếm xảy ra).
Cách phòng ngừa: Với bệnh đau mắt đỏ, cách phòng ngừa chủ yếu liên quan tới bệnh do nhiễm trùng (virus hoặc vi khuẩn gây ra). Điểm mấu chốt vẫn là: Rửa Tay! Tất nhiên, lưu ý không dùng chung đồ với người bị bệnh.
3. Bệnh thoái hóa điểm vàng do lão hóa (AMD)
Định nghĩa: Đây là nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu ở người Mỹ trưởng thành ngày nay. Theo Viện Mắt Quốc gia Mỹ, trước năm 2050, số người bị AMD sẽ tăng gấp hơn 2 lần - từ 2,07 triệu người tới 5,44 triệu người. Vậy AMD là gì? Thoái hóa điểm vàng chính là khi điểm vàng của mắt - một vùng nhỏ xíu trong võng mạc giúp bạn nhìn rõ các chi tiết nhỏ - bắt đầu bị phá vỡ.
Cách nhận biết: AMD có thể không có nhiều triệu chứng ngay từ đầu. Nhưng không bao giờ nên bỏ qua việc trung tâm thị giác (một điểm mù ở trung tâm thị giác) bị biến dạng. Ngoài ra, bất cứ thay đổi nào liên quan tới thị lực cũng đều nên thông báo cho bác sĩ nhãn khoa biết.
Cách điều trị: Nếu bạn nghĩ mình bị AMD, hãy tới gặp bác sĩ nhãn khoa càng sớm càng tốt để tìm ra kế hoạch điều trị tốt nhất. Có hai dạng AMD là dạng khô (thường gặp hơn, xảy ra khi các mảng cặn – drusen – hình thành bên dưới điểm vàng, làm mỏng và làm khô điểm vàng) và dạng ướt (chiếm khoảng 10% ca mắc AMD). Cho tới thời điểm này, Viện Hàn lâm Nhãn khoa Mỹ cho biết, không có biện pháp điều trị cố định cho dạng ADM khô.
Dạng ướt (xảy ra khi các mạch máu bất thường xuất hiện bên dưới điểm vàng, đôi khi gây rò rỉ hoặc chảy máu) có thể được điều trị (nhưng không chữa khỏi) qua vài cách: liệu pháp kháng VEGF – mũi tiêm vào mắt nhằm chất dẫn tới tình trạng mạch máu bất thường; liệu pháp laser nhiệt – khi tia laser cao năng lượng phá huỷ các mạch máu bất thường hoặc liệu pháp quang động lực – là sự kết hợp thuốc nhạy sáng với laser công suất thấp.
Một số nghiên cứu cũng gợi ý rằng, thực phẩm bổ sung có vitamin và khoáng chất có thể giúp giảm tiến trình thoái hoá. Lưu ý đặc biệt vẫn là hợp tác chặt chẽ với bác sĩ trước khi bắt đầu bất cứ liệu pháp điều trị nào.
Cách phòng ngừa: Không có cách ngăn ngừa AMD nhưng bạn có thể làm chậm tiến trình thoái hóa bằng cách kiểm soát tốt huyết áp; ăn uống lành mạnh (trái cây thuộc họ cam chanh, dầu thực vật, hạt, ngũ cốc nguyên cám, rau lá xanh đậm và cá nước lạnh); giữ lượng mỡ cơ thể ở mức ổn định, bỏ thuốc lá và khám sức khỏe mắt định kỳ.
4. Bệnh bong võng mạc
Định nghĩa: Bệnh xảy ra khi võng mạc, phần mô nhạy sáng gửi thông điệp thị giác tới não, bị kéo chệch ra khỏi vị trí vốn có. Đừng lo lắng, bệnh này rất hiếm gặp. Một số nghiên cứu cho thấy, khoảng 1% dân số bị bong võng mạc tại một thời điểm nào đó trong đời. Nếu không được điều trị, bệnh gần như luôn dẫn tới kết cục mù loà.
Cách nhận biết: Sự xuất hiện đột ngột của các chớp sáng hoặc các điểm trôi nổi mới bất ngờ trong trường nhìn của bạn là những triệu chứng thường gặp nhất của bệnh bong võng mạc. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể nhìn thấy một vùng tối bắt đầu ở một bên tầm nhìn và dần dần mở rộng ra.
Cách điều trị: Đây là một căn bệnh cần điều trị khẩn cấp. Nếu bạn để ý thấy mình có triệu chứng trên, cần tới gặp bác sĩ nhãn khoa gần nhất. Cách điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu tình trạng bong rách xảy ra ở phạm vi nhỏ, có thể dùng tia laser hoặc liệu pháp đông lạnh để điều trị. Một bọt hơi nhỏ được bơm vào mắt. Nếu tình trạng bong rách nghiêm trọng, có thể bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.
Cách phòng ngừa: Cận thị là yếu tố nguy cơ chủ yếu gây bệnh bong võng mạc. Bạn không cần hoảng sợ - chỉ cần đi kiểm tra sức khỏe mắt đều đặn. Cần lưu ý rằng, giụi mạnh vào mắt cũng có thể khiến mắt dễ bong rách võng mạc hơn.
5. Bệnh đục nhân mắt (đục thuỷ tinh thể)
Định nghĩa: Bệnh xảy ra
khi thuỷ tinh thể bị mờ đục. Gần như mọi bệnh nhân sống đủ lâu đều trải nghiệm cảm giác mắc bệnh đục nhân mắt - vốn có thể xuất hiện sớm hơn ở những người hút thuốc, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời hay bị chấn thương. Tổ chức Prevent Blindness ước tính, khoảng 24,5 triệu người trưởng thành trên 40 tuổi bị đục nhân mắt, hơn 50% người trên 80 tuổi bị bệnh này.
Cách nhận biết: Triệu chứng bệnh thường biểu hiện dần dần. Hãy chú ý nếu bạn thấy mình bị mờ mắt, chói mắt hoặc quáng mắt. Bạn cũng có thể cảm thấy bị giảm độ nhạy tương phản hay thậm chí nhìn thấy hình đôi ở một bên mắt.
Cách điều trị: Bệnh đục nhân mắt được điều trị qua phẫu thuật thuỷ tinh thể - một trong những phẫu thuật phổ biến nhất ở Mỹ. Trước đây, bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ từ 1,5 đến 3mm trên giác mạc và phần mô bao quanh để thực hiện phẫu thuât. Ngày nay, vết rạch đó thường được đảm bảo chưa đến 3mm. Nếu bạn không qua phẫu thuật để loại bỏ đục thuỷ tinh thể, thị lực của bạn có thể giảm dần theo thời gian. Khi đó, phẫu thuật sẽ trở nên khó khăn hơn.
(Nguồn: WHM)