PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Vân - Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường BV Bạch Mai cảnh báo nguy cơ tử vong vì thói quen dùng chung đơn thuốc của bệnh nhân tiểu đường.
Khi người bệnh tự "giết nhau"
Theo các bác sĩ nội tiết người bệnh bị tiểu đường thường xuyên truyền tai nhau các bài thuốc trị bệnh cũng như đơn thuốc hay của bác sĩ trị tiểu đường. Điều này vô cùng nguy hiểm có thể dẫn đến hạ đường huyết đột ngột hoặc tăng đường huyết đột ngột rồi dẫn đến hôn mê thậm chí tử vong.
Trường hợp của bà Nguyễn Thị Mùi 62 tuổi trú tại Hoàng Mai, Hà Nội đi kiểm tra sức khoẻ phát hiện bị tiểu đường.
Khi bác sĩ cho biết đường huyết của bà cao trên 13 mol/l lúc đói. Bà Mùi được bác sĩ kê đơn thuốc về uống hàng ngày. Đơn thuốc bác sĩ tại Bệnh viện Thanh Nhàn kê bà Mùi thấy "rẻ tiền" nên không tin tưởng.
Về nhà, chồng bà cũng bị tiểu đường nhiều năm và được một giáo sư kê thuốc rất tốt, sống chung với bệnh, đường huyết ổn định. Bà Mùi bỏ qua đơn thuốc của mình mà cầm đơn thuốc của chồng đi mua thuốc về uống.
Kết quả, bà điều trị nhưng vẫn thấy mệt mỏi, khát nước nhiều, thở khó, nhịp tim nhanh. Các triệu chứng ban đầu của bà Mùi nhanh chóng xấu đi khi người nhà phát hiện bà bị hôn mê. Bà được đưa vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu bác sĩ chẩn đoán bà bị hôn mê do tăng đường huyết.
Gần đây, bà được người hàng xóm khoe lên Hà Nội kiểm tra bệnh và được bác sĩ kê đơn thuốc nên đường huyết trong máu ổn định tốt. Người bệnh không phải ăn kiêng gì cả.
Bà Yến thấy hay và mình cũng đang bị tiểu đường nên cũng lấy đơn thuốc của hàng xóm làm đơn thuốc cho mình. Kết quả, bà Yến bị hạ đường huyết, hôn mê và phải điều trị hơn 2 tuần. Sau hôn mê đái tháo đường, bà bị biến chứng nặng nề ở não và việc chăm sóc rất khó khăn.
Nguy cơ hôn mê não
Theo PGS. Diệu Vân thói quen sử dụng chung đơn thuốc như trên rất phổ biến và vô cùng nguy hiểm.
PGS. Vân cho biết mỗi người cùng bị tiểu đường nhưng có người đường huyết cao, có người đường huyết thấp. Có người hợp thuốc này, người hợp thuốc khác vì ở mỗi cá nhân bệnh nhân có một thể bệnh kèm theo nên không thể sử dụng chung đơn thuốc cho người này, người kia.
Bác sĩ Vân cho biết ví dụ như trường hợp của bà Yến bị tiểu đường nhưng đường máu không cao bà sử dụng đơn của bệnh nhân bị đường máu cao nên dẫn đến hạ đường huyết đột ngột gây hôn mê và để lại biến chứng nặng nề cho người bệnh.
Khi bị hôn mê do tiếu đường nếu không phát hiện sớm, bệnh nhân có thể tử vong.
PGS. Vân gặp nhiều trường hợp hai vợ chồng cùng bị tiểu đường và sử dụng chung đơn thuốc dẫn đến các biến chứng kèm theo. Đối với những thói quen này, bác sĩ cảnh báo chẳng khác nào tự "giết nhau".
Hay có những bệnh nhân ăn khoai sọ hợp và kêu gọi những người khác cũng bị tiểu đường chuyển không ăn cơm sang ăn khoai sọ, ăn miến và kết quả cuối cùng người thì kiểm soát được đường huyết còn người thì biến chứng do đường huyết tăng cao.
Chính vì thế, PGS Vân cho rằng để trút bỏ tâm lý truyền tai nhau của người bệnh rất quan trọng.
Khi bị tiểu đường, bác sĩ sẽ tuỳ vào bệnh nhân để cho đơn thuốc. Bệnh nhân có đường máu cao, đường máu thấp khác nhau và có những bệnh nhân chớm tiểu đường. Tất cả đều từng cá thể nên không gộp chung lại với nhau được.
Ngoài sai lầm sử dụng đơn thuốc chung, PGS. Vân còn cho biết rất nhiều sai lầm trong điều trị tiểu đường của người bệnh đó là ăn kiêng thái quá dẫn đến hạ đường huyết. Khi bị tiểu đường, mỗi bệnh nhân cần được bác sĩ dinh dưỡng tư vấn dinh dưỡng phù hợp.
Bác sĩ dinh dưỡng sẽ cân – đo như thế nào cho đủ lượng calo hàng ngày, giảm bớt các chất bột đường ra sao để cân đối cho bệnh nhân mà giúp họ vẫn đủ calo hoạt động trong ngày.
Bệnh đái tháo đường là một rối loạn mạn tính, có những thuộc tính sau: Tăng glucose máu; kết hợp với những bất thường về chuyển hóa carbohydrat, lipid và protein; bệnh luôn gắn liền với xu hướng phát triển các bệnh lý về thận, đáy mắt, thần kinh và các bệnh tim mạch do hậu quả của xơ vữa động mạch.
Theo nghiên cứu gần đây, ở Việt Nam tỷ lệ người bệnh tiểu đường chiếm khoảng 6% dân số, tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000 và tăng nhanh hơn mức trung bình thế giới.
Độ tuổi bị bệnh tiểu đường cũng đang dần trẻ hóa. Ngày càng có nhiều trẻ em ở độ tuổi 13 – 15 đã bị tiểu đường trong khi đó bệnh thường xuất hiện ở những người trên 45 tuổi.
tự chữa bệnh, cách chữa bệnh, thói quen cần từ bỏ, thói quen có hại