Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tờ Brirish Medical Journal vào hôm qua (23/11), thực phẩm bổ sung vitamin D hoàn toàn không có tác dụng ngăn ngừa bệnh.
Thực hư hiệu quả của thực phẩm bổ sung vitamin D
Trong suốt những tháng mùa đông u ám, khi ngày ngắn đi và bầu trời thường nhiều mây, không ít người đã lựa chọn các sản phẩm
bổ sung vitamin D. Được tạo ra một cách tự nhiên khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vitamin quan trọng này có vai trò thiết yếu trong việc duy trì sức khoẻ xương, răng, cơ và giúp chúng khỏi nguy cơ giòn, dễ gãy.
Nhưng bản báo cáo tổng hợp bằng chứng từ những thử nghiệm lâm sàng cho thấy, bổ sung vitamin D qua các loại thực phẩm chức năng không hề có hiệu quả như vậy. Mark Bolland, trợ giảng khoa dược tại Đại học Auckland (New Zealand), cho biết: “Chúng tôi đi tới kết luận là, những bằng chứng hiện có không ủng hộ việc sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin D để phòng ngừa bệnh tật”.
Theo nhóm nghiên cứu, các thử nghiệm lâm sàng không chứng tỏ, thực phẩm bổ sung vitamin D có tác dụng làm giảm nguy cơ cho xương và cơ trong trường hợp bị ngã hay có dấu hiện rạn nứt. Nhưng các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, nó có thể có ích đối với nhóm người có nguy cao, ví dụ người da sậm màu sống ở các vùng khí hậu lạnh hơn.
Đối với những người có nguy cơ mắc các hội chứng về xương, cơ, nhóm nghiên cứu khuyến nghị nên dùng thực phẩm bổ sung vitamin D trong suốt mùa thu và mùa đông. Ngoài ra, họ cũng rất nên tham khảo những phương pháp bổ sung vitamin D một cách tự nhiên.
Những nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên
Vào mùa xuân và mùa hè ở những khu vực xa xôi thuộc Bắc và Nam bán cầu, như Bắc Mỹ và New Zealand, người dân có xu hướng sản sinh ra đủ vitamin D qua số giờ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và các loại thực phẩm trong chế độ ăn hàng ngày. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi, tăng cường sức khoẻ xương.
Bổ sung đủ vitamin D, được tính toán là khoảng 15 microgram từ 1 đến 70 tuổi tại Mỹ, cũng giúp ngăn ngừa bệnh còi xương (ricket) ở trẻ và chứng nhuyễn xương (osteomalacia – tình trạng xương bị mềm đi) ở người trưởng thành.
Nhưng vào mùa thu và mùa đông, hàm lượng trên giảm xuống. Sẽ có ích nếu bạn ăn những thực phẩm giàu vitamin D tự nhiên như dầu cá, lòng đỏ trứng, thịt đỏ và gan, để giữ hàm lượng vitamin D trong cơ thể không bị thấp. Thực tế thì không phải tất cả mọi người đều có thể làm được điều này một cách tương xứng. Theo Viện Sức khoẻ Quốc gia Hoa Kỳ, thực phẩm có bổ sung dưỡng chất, bao gồm sữa, ngũ cốc, bơ, mứt, là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin D trong chế độ ăn của người Mỹ. Tuy nhiên, ở những quốc gia như Anh, thực phẩm không phải lúc nào cũng được
bổ sung dưỡng chất và do đó, thực phẩm chức năng được khuyến nghị sử dụng. Trước đây, khuyến nghị trên chủ yếu dành cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị còi xương, nhuyễn xương.
Nhưng mùa hè vừa qua, Cơ quan Sức khoẻ Cộng đồng Anh khuyên tất cả mọi người nên bổ sung 10 microgram vitamin D mỗi ngày. “Đó là một thay đổi lớn”, Alison Avenell, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. “Nhưng chúng tôi không cho rằng, bằng chứng khoa học hiện có ủng hộ cho sự cần thiết bổ sung lượng vitamin D như trên trong các tháng mùa đông”.
Trong một bài báo khác cũng đăng tải hôm qua, bác sĩ Louis Levy, phụ trách khoa học dinh dưỡng tại Cơ quan Sức khoẻ Cộng đồng Anh, nêu quan điểm, liều lượng vitamin theo khuyến nghị dựa trên bằng chứng của Hiệp hội Cố vấn khoa học về Dinh dưỡng. “Khi ngày trở nên u ám hơn và ngắn hơn, cũng là lúc thời lượng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giảm tới mức tối thiểu, mọi người nên cân nhắc việc sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin D 10 microgram hàng ngày. Bởi để đảm bảo lượng vitamin D đó, nếu chỉ dựa vào mỗi chế độ ăn uống, sẽ khó đạt được”.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Alison Avenell vẫn khẳng định, thực phẩm bổ sung vitamin D không tạo ra khác biệt nào. “Chúng không có vẻ gây hại gì. Nhưng ở nhóm người trưởng thành, thực phẩm bổ sung theo mức khuyến nghị của Cơ quan Sức khoẻ Cộng đồng Anh không hề giúp ngăn ngừa tác hại của tình trạng rạn xương hay các cú ngã”. Cô tiết lộ thêm: “Chúng tôi cũng không tìm thấy bất cứ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy, vitamin D bảo vệ chúng ta khỏi các bệnh khác như bệnh tim mạch hoặc ung thư”.
Tranh cãi vẫn chưa có hồi kết
Lợi và hại của vitamin D đã từ lâu là chủ đề tranh luận sôi nổi. Nhưng với nghiên cứu trên, khi đặt câu hỏi về tác dụng của vitamin D - ngoại trừ nhóm người có nguy cơ cao - nhiều chuyên gia lo ngại, nếu ngừng bổ sung vitamin D thì hậu quả sẽ lớn đến chừng nào.
David Richardson, giảng viên khách mời môn sinh học thực phẩm tại Đại học Reading, cho biết: “Không thể xác định được tình trạng thiếu hụt vitamin D trong cơ thể suốt giai đoạn ấu thơ tới khi trưởng thành, với phụ nữ trong độ tuổi sinh con và ở người cao tuổi có thể để lại những tác động lâu dài nghiêm trọng với sức khoẻ cộng đồng. Chúng ta cần hành động khẩn cấp khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng gia tăng của việc bổ sung vitamin D thiếu hiệu quả”.
Martin Hewison, giảng viên môn nội tiết phân tử tại Đại học Birmingham, cũng đồng tình với quan điểm trên. “Rõ ràng, người dân Anh có nguy cơ cao bị thiếu hụt vitamin D, đặc biệt trong mùa đông”. Mặc dù vậy, ông cũng nêu bật quan điểm của Avenell khi cho rằng, thực phẩm bổ sung vitamin D chỉ đặc biệt “thích hợp với người có nguy cơ thiếu hụt cao, bao gồm người có màu da sậm từ châu Phi, người vùng Caribe gốc châu Phi, người Nam Á; người thường xuyên làm việc, sinh hoạt trong nhà và người luôn mặc đồ che phủ da khi ra ngoài trời”.
Hewison cũng nhấn mạnh, hiện vẫn tồn tại nhiều hiểu lầm cũng như nhiều điều chưa biết xung quanh vấn đề này. “Vẫn còn một số tranh cãi về việc hàm lượng vitamin D bao nhiêu được cho là thiếu hụt. Kết quả mỗi nơi mỗi khác, tuỳ thuộc vào loại bệnh được nghiên cứu. Nhưng thông điệp truyền tải tới mỗi gia đình là chúng ta cần hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của vitamin D trước khi lên kế hoạch tiến hành bất cứ thử nghiệm lâm sàng mới nào nhằm đánh giá tác dụng với sức khoẻ của nó. Đồng thời, những khuyến nghị liên quan tới vitamin D của Cơ quan Sức khoẻ Cộng đồng Anh là rất khôn ngoan và thận trọng. Do đó, mọi người nên tuân theo các khuyến nghị này”.
(Nguồn: CNN)