Du lịch

Cha con tôi bất ngờ khi quên ví trên xe buýt Đức

TTO - Nhân viên điều hàng hãng xe buýt thông báo chiếc ví chứa toàn bộ tiền bạc, giấy tờ, passport, thẻ tín dụng của tôi bỏ quên trên xe tuyến Berlin - Dresen (Đức) sẽ được chuyển giao sớm nhất có thể.

Bác tài chiếc xe buýt ở châu Âu - Ảnh: Lê Tâm

Xe buýt đường dài ở châu Âu rất đúng giờ, theo tiêu chuẩn Euro 6, có đầy đủ tiện nghi, WiFi, nhà vệ sinh..., có thể so sánh như máy bay mặt đất vậy. Vé xe buýt hầu như không bán tại trạm dừng, đón. Nếu bạn mua vé qua mạng thì mua càng sớm càng rẻ.

Ở sân bay TXL Berlin (Đức) luôn có hàng trăm chuyến xe buýt đưa khách về khắp các địa phương nước Đức và những quốc gia lân cận.

Từ thủ đô Berlin (Đức), hai cha con chúng tôi đón xe buýt về lại TP Dresden và chọn hãng xe mới toanh vừa mới đi vào hoạt động chỉ vài ba tháng là Regio Jet, có trụ sở tại Cộng hòa Czech. Xe mới toanh, giá lại khuyến mãi chỉ bằng nửa so với hãng Euro lines.

Trên xe, cô tiếp viên dáng chuẩn như hoa hậu cứ chạy đi chạy lại hỏi han giúp đỡ hành khách. Khi thì nhắc nhở hành khách cài dây an toàn. Khi thì nhặt hộ, sắp xếp hành lý khách cho gọn gàng. Lúc lại cười tươi như hoa giúp khách cách sử dụng Facebook trên màn hình be bé đặt trên lưng ghế.

Xe buýt chạy một lúc, cô tiếp viên chạy lại hỏi hành khách muốn dùng cà phê miễn phí kiểu gì. Cả xe nhao nhao lên. Người thì chọn cappuccino, người cà phê kèm sôcôla... Tôi yêu cầu một tách nhỏ espresso rất thơm và ngon lạ.

Xe chạy "êm ru bà rù". Chỉ hơn hai tiếng sau đã đến TP Dresden. Cảnh sắc hai bên đường mùa thu lại đẹp như tranh vẽ. Hàng dặm dài rừng thu phong lúc vàng lúc đỏ cứ hực lên trong cơn mưa phùn.

Về nhà, trong khi tôi chờ cơm sôi thì nghe cậu con nghe điện thoại rồi báo rằng nhà xe từ Praha hỏi hai hành khách ngồi ghế số 43, 44 có bỏ quên ví, tiền, giấy tờ... trên xe không.

Tôi tá hỏa: toàn bộ tiền bạc cho chuyến đi, giấy tờ, passport, thẻ tín dụng nằm trong cái ví quan trọng đã rớt lại trên xe. Chẳng biết làm sao! Mất giấy tờ tiền bạc ở xứ người quả là một đại họa.

Người điều hành Hãng xe Regio Jet nói: "Xin lỗi quý khách, chiếc ví bỏ quên đã đến văn phòng tại Praha".

Nhưng chỉ 5 phút sau chuông điện thoại từ Czech lại réo vang. Nhân viên điều hành hãng xe thông báo chiếc ví bỏ quên sẽ được chuyến xe sớm nhất từ Praha chuyển giao cho khách vào lúc 20g tại địa điểm ga trung tâm Dresden.

Đúng 20g mình có mặt tại địa điểm hẹn, phân vân không biết có mất thứ gì không. 20g10 điện thoại lại réo vang. Nhân viên điều hành hãng xe từ Praha cách đó đến vài trăm cây số tiếp tục xin lỗi quý khách vì xe buýt đến muộn 10 phút.

10g20, chiếc xe buýt sơn màu cam cập vào điểm hẹn. Tôi nhận đầy đủ giấy tờ, tiền bạc không thiếu một xu. Chưa kịp cảm ơn thì cô nhân viên xe buýt lại cảm ơn và xin lỗi ngược vì xe tới trễ.

Thật ra ở Đức, Praha hay châu Âu không phải mọi chuyện đều tốt đẹp. Kẻ cắp cũng nhiều như rươi, huống hồ chi chuyện đánh rơi và cầm nhầm tài sản. Nhưng có điều luật pháp ở những nước này rất nghiêm minh, buộc người ta tự giác thi hành.

Chẳng hạn ở Đức, việc nhặt được tiền đánh rơi được quy định rất cụ thể. Ông Stefan Kranz, một luật sư nổi tiếng, giải thích: "Nếu tiền nhặt được có giá trị không quá 10 euro thì không cần thông báo về việc nhặt được tiền và người tìm thấy có thể giữ tiền.

Nhưng bạn chỉ được phép giữ tiền. Nếu sáu tháng sau khi nhặt được vẫn không tìm thấy chủ sở hữu thì tất cả mọi thứ vượt quá giá trị 10 euro phải được nộp lại cho cảnh sát hoặc các văn phòng nhận đồ rơi mất. Người nhặt đồ thành thật sẽ được hưởng một phần thưởng có giá trị 5-10%.

Khi chủ sở hữu không được tìm thấy trong vòng sáu tháng tiếp theo, người nhặt mới được nhận toàn bộ số tiền".

Chính việc ban hành luật và thực thi nghiêm luật trong những hành vi tưởng nhỏ này tạo thành nếp văn hóa ứng xử, hành vi ứng xử đẹp trong đời sống.

Đây cũng là một bài học hay. Liệu kinh nghiệm này có được thực thi ở xứ ta không? Có lẽ thay vì dừng lại ở những hô hào chung chung, ta cũng cần có điều luật kèm theo.

LÊ TÂM
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  14,075,753       5/961