Du lịch

Ngồi trên giường bệnh vẫn 'du lịch' Hawaii

TTCT - Bà Virginia Anderlini (103 tuổi) ngồi trên ghế bành nhìn ra cửa sổ từ một cơ sở dưỡng lão tại San Francisco và có chuyến "du lịch thực tế ảo" nhờ thiết bị như một cặp mắt kính kết nối với máy tính đeo vào mắt.

Những thiết bị thực tế ảo rất hữu ích với người cao tuổi không thể đi lại dễ dàng -australianageingagenda.com.au
Những thiết bị thực tế ảo rất hữu ích cho người cao tuổi -Ảnh: australianageingagenda

Ngồi cạnh bà Virginia Anderlini, tiến sĩ Sonya Kim đang nhẹ nhàng buộc thiết bị như một cặp mắt kính kết nối với máy tính đeo vào mắt bà Anderlini.

Trong thế giới ảo, cụ bà Anderlini thấy mình đang ở một bãi biển Hawaii, khung cảnh cho thấy đang là buổi hoàng hôn, nước biển sóng sánh và bầu trời màu tím.

Nhìn lên, bà có thể thấy một hàng cọ dài và cầu vồng ở phía xa xa. “Công nghệ này có thể phần nào giúp họ quên đi nỗi đau thường trực, sự lo lắng và cô đơn” - tiến sĩ Kim nói.

Vốn là bác sĩ trực phòng cấp cứu, tiến sĩ Kim đã bắt đầu một sự nghiệp mới sau khi chứng kiến quá nhiều nỗi đau của bệnh nhân.

Virginia Anderlini
Bác sĩ Sonya Kim giúp bà Virginia Anderlini "du lịch thực tế ảo" - Ảnh: KQED

Vài năm trước, cô điều hành một dịch vụ bác sĩ tại nhà, được gọi tới giúp một cụ bà 88 tuổi không chịu ăn uống gì nữa vì quá buồn chán, khiến cụ phải nhập viện ba lần trong vòng một tháng. Năm 2014, Kim thành lập One Caring Team.

Những nhân viên của dịch vụ này gọi điện cho người cao tuổi để kiểm tra tâm trạng của họ, lịch uống thuốc cũng như các cuộc hẹn, và trò chuyện với họ hướng tới những đề tài tích cực, như điều gì làm cho họ vui và làm sao để cuộc sống của họ thêm phần thích thú.

Dần dần, Kim nhận ra công nghệ thực tế ảo (VR) sẽ rất có ích cho sứ mệnh của cô và công ty của mình.

“Hiện có hơn 100 nghiên cứu y khoa đã xuất bản cho thấy các tác dụng tích cực của VR trong việc làm giảm đau đớn, lo lắng và trầm cảm ở người bệnh - tiến sĩ Kim nói - Và ở các bệnh nhân cao tuổi đã lẫn, cả ba yếu tố đó đều rất phổ biến”.

Trong chương trình Aloha VR mà cụ bà Anderlini tham gia chẳng hạn, giọng nói của Kim được tích hợp vào để chào mừng bà tới với thế giới đó, cũng như nhắc bà nhớ uống thuốc và sinh hoạt điều độ.

“Trong môi trường dịu êm đó, những gì bạn nói với họ sẽ dễ tiếp thu hơn, không quá tải và không trở thành như những mệnh lệnh” - tiến sĩ Kim chia sẻ.

L.P.
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,932,024       81/916