Du lịch

Phố đi bộ cần lên lịch hoạt động để du khách biết

TTO - Sáng 13-12, chủ trì sơ kết đánh giá 4 tháng thí điểm tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu phải “lên lịch” các hoạt động văn hóa từ nay đến ngày 30-6-2017 để khách du lịch kịp theo dõi.

Hà Nội tổ chức lễ hội hoa anh đào, lễ hội bia trong không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm
Hà Nội tổ chức lễ hội hoa anh đào, lễ hội bia trong không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm

Ông Chung khẳng định việc tổ chức không gian văn hóa cho người dân thủ đô qua mô hình phố đi bộ là hướng đi đúng.

“Từ trước đến nay chúng ta có rất nhiều đề án đưa ra làm tuyến phố đi bộ nhưng chưa đảm bảo thành công, còn lần này được đánh giá chung là thành công, tất nhiên là còn nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện phố đi bộ, còn nhiều ý kiến phàn nàn về vấn đề rác, trông giữ xe nhưng về cơ bản là đúng hướng và tổ chức tốt” - ông Chung nhấn mạnh.

Đặt vấn đề về hướng đi tiếp theo, ông Chung nói “sẽ tiếp tục tổ chức thí điểm từ 1-1-2017 đến 30-6-2017. Lý do tiếp tục thí điểm vì vừa qua chúng ta thí điểm trong mùa thu mát mẻ, nhưng tới đây chúng ta cần khảo sát xem mùa hè thế nào và vào mùa hè có làm thứ bảy hay chủ nhật thôi”.

Về các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dịch vụ tại phố đi bộ, ông Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng cần phải “xếp lịch” các chương trình và công bố sớm để khách du lịch nắm bắt trước.

Theo ông Chung, có một số hoạt động văn hóa như tổ chức lễ hội hoa anh đào (Nhật Bản) tổ chức thường niên vào dịp từ 19-3 đến 22-3 có thể đưa vào không gian phố đi bộ mà không cần phụ thuộc đúng dịp cuối tuần. Tiếp nữa, trước trước lễ hội hoa anh đào tổ chức một đêm dàn nhạc giao hưởng ngoài trời trước tượng đài Lý Thái Tổ.

“Tổ chức lễ hội ẩm thực các nước ASEAN và các nước châu Âu để biến nơi này trở thành nơi giao lưu văn hóa tinh thần. Tổ chức biển diễn văn hóa phi vật thể của các tỉnh... cần phải có lịch rõ giờ nào, ngày nào, chỗ nào để công bố cho người dân biết. Và từ giờ phải sắp xếp lịch đến 30-6-2017 để khách du lịch vào trang mạng là nắm bắt được” - ông Chung lưu ý.

Ông Chung cũng đồng ý về việc có dịch vụ cà phê, nước phục vụ người dân. “Có thể nghiên cứu hệ thống bán hàng tự động. Tới đây cũng mời Hiệp hội Bia, tổ chức lễ hội bia tại đây để biến không gian này thực sự là không gian vui chơi” - ông Chung gợi ý.

Trước đó, đánh giá về những hiệu quả trong thí điểm tổ chức phố đi bộ, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết lượng du khách trong và ngoài nước, nhân dân thủ đô đến tham quan và tham gia các hoạt động rất đông. Theo UBND quận Hoàn Kiếm, trung bình ban ngày lưu lượng khoảng 3.000-5.000 người, buổi tối khoảng 1,5-2 vạn người.

“Chúng ta đã tổ chức phố đi bộ vào dịp 2-9 thì tới đây dịp 30-4 và 1-5 cũng tổ chức, kể cả dịp đó không trùng vào những ngày cuối tuần. Trong tổ chức, quận Hoàn Kiếm cần xây dựng tổng thể đề án phố đi bộ, trên tinh thần khảo sát điểm trông giữ xe.

UBND quận Hoàn Kiếm cũng chủ trì vận động người dân dẹp dần những điểm bán hàng chỉ có 1m với cái lán mái che nhỏ xíu, trông nhếch nhác và chẳng có nước nào làm như thế” - ông Chung lưu ý.

Lượng khách quốc tế và Việt kiều đến quận Hoàn Kiếm lưu trú cũng tăng nhanh. Trong 11 tháng của năm 2016, lượng khách quốc tế và Việt kiều đến quận Hoàn Kiếm lưu trú khoảng gần 1,4 triệu lượt người, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, UBND quận Hoàn Kiếm cũng thừa nhận còn các tồn tại như các điểm trông giữ xe trái phép, thu phí quá giá quy định; còn tình trạng dắt chó không có rọ mõm; trượt patin, đi xe điện cân bằng, ô tô - xe máy điện (trẻ em) trên đường và vứt rác bừa bãi, bán hàng rong; các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ tự phát của quần chúng chưa được quản lý, một số điểm biểu diễn bật loa công suất lớn ảnh hưởng đến không gian chung; chất lượng sóng WiFi còn thấp.

XUÂN LONG
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,936,010       13/878