Du lịch

Giáp Tết, trải nghiệm leo núi trong nhiệt độ -1,3 độ C

TTO - Trong chuyến công tác tại vùng lãnh thổ Đài Loan những ngày giáp Tết, chúng tôi được những người bạn tại đây mời trải nghiệm cảm giác leo núi trong điều kiện nhiệt độ -1,3 độ C.

Những cây trên đỉnh núi phủ tuyết tuyệt đẹp. Ảnh: Hà Bình
Những cây trên đỉnh núi phủ tuyết tuyệt đẹp - Ảnh: Hà Bình

Và đó là trải nghiệm không thể nào quên của những người đến từ TP.HCM quanh năm nắng ấm như chúng tôi.

Lạnh cắt da cắt thịt

“Các bạn có muốn ngắm tuyết rơi không?” - anh Li-ying Chen, cán bộ ngành giáo dục Đài Loan - nói khi ngồi trên xe đưa chúng tôi đi từ TP Đài Nam xuống TP Cao Hùng.

Anh Li-ying Chen bảo mùa này lên núi có thể có tuyết rơi và muốn cho chúng tôi thử cảm giác ấy. Sáng hôm sau thức dậy ở TP Cao Hùng, thấy tôi ăn mặc phong phanh, cô Jung Wu - nhân viên đi cùng - liên tục nhắc phải mặc thêm áo vào vì trên đỉnh núi rất lạnh.

Trên đường đi, xe dừng lại ở một cửa tiệm cửa hàng tiện lợi. Cô Jung Wu vào mua cà phê và đưa tôi một túi nhỏ. Tôi không biết để làm gì thì anh Li-ying Chen nói “Để giữ ấm cho bạn”. Nói rồi, cô Jung Wu lấy túi này vò vò nhẹ nhàng tạo ma sát để giữ ấm cho tay. “Anh bỏ vào túi áo khoác, khi lạnh anh chà chà thế này này” - cô Jung Wu hướng dẫn. 

Anh tài xế kéo tay tôi đến một chiếc xe hơi vừa trên núi xuống. Trên kính trước của xe có một vóc tuyết như đá bào bám lại. Núi này nằm trong công viên quốc gia Taroko. Đây là một trong tám vườn quốc gia ở Đài Loan.

Công viên này trải dài từ TP Đài Trung, Nam Đầu và Hoa Liên. Đường lên núi quanh co nhưng đường tốt nên tài xế đi khá nhanh. Hai bên đường, những cây dại, bông hoa bám đầy tuyết. Phía bên là vực sâu với những tán rừng nguyên sinh cùng những đám mây trắng bay lượn. Phía sau, cô Jung Wu bắt đầu đội mũ chống rét, khoác thêm áo ấm.

Anh Li-ying Chen và anh tài xế biểu lộ cảm xúc sau khi chiến thắng bản thân. Ảnh: Hà Bình
Anh Li-ying Chen và anh tài xế biểu lộ cảm xúc sau khi chiến thắng bản thân - Ảnh: Hà Bình

Đến độ cao khoảng 3.000m, xe dừng lại, mọi người ùa ra chụp ảnh. Tôi cũng hào hứng bước ra. Xung quanh, những nhóm người, những đôi tình nhân sung sướng tận hưởng cảm giác lạnh và chụp ảnh cho nhau. Sương mù giăng kính. Tuyết phủ lên những cây cỏ, vách núi, bảng hướng dẫn đường và gió thì thốc vào mặt.

Được chừng 15 phút, tôi nhanh chóng quay về xe vì cảm nhận cái rét như cắt da cắt thịt mình. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm giác lạnh đến như vậy. Cảm giác như mình đang được… ướp trong tủ lạnh.

Trên đỉnh núi. Ảnh: Hà Bình
Trên đỉnh núi - Ảnh: Hà Bình

Hành trình chiến thắng bản thân

Một bảng hiệu đo nhiệt độ bên ngoài -1,3oC. Anh tài xế dừng xe lại một góc và rủ mọi người leo núi. Người run lên vì lạnh nhưng tôi cũng lao ra khỏi xe. Những bậc thang bằng gỗ cứ nối nhau đi lên. Hai bên tuyết phủ lên những cây cỏ trắng xóa. Lên được chừng mấy chục bước, tôi dường như không thở được phải đứng lại nghỉ.

Tôi nhớ trong bộ phim Everest (đạo diễn Baltasar Kormákur, trình chiếu ở Việt Nam năm 2015) nhiều người vượt gian nan chinh phục đỉnh núi để tiếp thêm động lực cho bản thân mình.

Nhiều người lên núi chụp ảnh, tận hưởng cảm giác băng giá. Ảnh: Hà Bình
Nhiều người lên núi chụp ảnh, tận hưởng cảm giác băng giá - Ảnh: Hà Bình
Nhiệt độ chỉ -1,3oC. Ảnh: Hà Bình
Nhiệt độ chỉ -1,3oC - Ảnh: Hà Bình

Nhưng tai tôi ù đi. Đầu đau nhức vì hơi lạnh thấm vào chân tóc. Tôi nghĩ mình phải vượt qua, phải chiến thắng bản thân mình. Rồi tôi nhích từng bước một lên núi. Được một quãng tôi lại dừng, bám vào hai hành lang của các bậc thang. Tôi lại bước đi tiếp. Gió vẫn cứ thốc vào mặt cắt da cắt thịt, hai lỗ tai lùng bùng. Thấy những cây xung quanh như cây tùng phủ tuyết cực đẹp tôi dừng lại chụp ảnh. Phía sau, anh Li-ying Chen, anh tài xế vẫn bước lên.

Cuối cùng, tôi cũng lên tới đỉnh núi và chạm tay vào cọc gỗ ghi độ cao 3.127 m. Xung quanh hoang vu sương mù giăng kín. Ba người bạn đồng hành vẫn đang chụp ảnh cho nhau.

Chạm tay vào cọc gỗ, tôi sung sướng khi chiến thắng được bản thân mình. Rồi thoáng chốc, tôi không nghĩ được gì, tai đau nhức. Tôi biết mình phải xuống núi thật nhanh và chui vào xe sớm nhất có thể.

Tôi bước xuống từng bậc trên núi và cố gắng giữ cho chân mình không lạc đi. Cố gắng giữ nhịp thở đều đặn. Đi xuống cũng rất khó vì đường trơn, nếu không cẩn thận sẽ…lăn xuống núi ngay. Tôi đếm tổng cộng có khoảng 400 bậc thang lên núi. Thấp thoáng cái xe 9 chỗ ngồi màu bạc ở đằng xa nhưng tôi đi mãi vẫn không thấy tới.

Vừa đặt chân xuống đất, tôi chạy ào lại mở cửa chui vào xe. “Anh ổn chứ? - cô Jung Wu ngồi trốn trong xe, hỏi với sự lo lắng. Rồi cô bảo tôi uống cà phê nóng vào giữ ấm.  

15 phút sau ba người bạn đồng hành cũng xuống núi. Đồng nghiệp của một tờ báo do quá lạnh, nước mũi chảy, anh nói miệng như bị cứng lại.

Anh tài xế, người hăng máu nhất trong việc leo núi nói đùa với bạn Đào Thị Hồng Nhung - sinh viên đang học tiếng Trung tại Đài Loan, phiên dịch cho đoàn công tác của chúng tôi: “Cảm giác của những người leo núi xong là… không biết mình leo lên đó để làm gì”. Rồi anh cười sảng khoái.

Còn tôi, sau khi trấn tĩnh lại tôi thấy mình đã vượt qua được bản thân và có một trải nghiệm thú vị. Tôi lại nhớ đến bộ phim Everest. Trong phim, những người đến từ khắp nơi trên thế giới khát khao chinh phục được đỉnh núi này.

Có người chỉ đơn giản thử sức mình, có người thực hiện ước mơ đời mình, có người đam mê bất tận với những đỉnh cao và cũng có người muốn truyền cảm hứng cho người khác khi mình làm được thì họ cũng làm được.

Nhiều người đã bỏ mạng, nằm lại vĩnh viễn trên đỉnh núi Everest. Có người bị cái lạnh làm đông cứng phải cắt bỏ tay, chân…

Xe xuống núi, đầu óc thoải mái hơn, tôi cảm thấy cảm giác vui sướng len nhẹ khi chiến thắng được bản thân mình. Tôi rút ra một điều rằng, trong cuộc sống, sự khác biệt của một con người đôi khi chỉ ở chỗ động lực của họ lớn đến đâu cho những điều họ thực sự thích làm. Khi động lực đủ lớn, bạn sẽ vượt qua tất cả để làm điều mình thực sự yêu thích…

HÀ BÌNH
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,811,972       11/826