Du lịch

Đến Ấn Độ ăn McDonald’s không kẹp thịt bò

TTO - McDonald’s và Coca-Cola bây giờ có còn đại diện cho một tư tưởng như nó đã từng trong thời Chiến tranh lạnh hay không? Toàn cầu hóa có phải là một cuộc san phẳng thế giới về giá trị?

Một cửa hàng McDonald's tại Ấn Độ -Ảnh tư liệu
Một cửa hàng McDonald's tại Ấn Độ - Ảnh tư liệu

Khu Chandni Chowk là trung tâm của Old Delhi, trái tim cũ kỹ của Ấn Độ trước khi mở rộng thành thủ đô New Delhi khổng lồ như bây giờ.

Ở đó, giữa những khu chợ lấm lem đầy mùi cà ri, giữa hai đền thờ Hindu, hai đền thờ đạo Jain, một thánh đường Hồi giáo và một đền thờ đạo Sikh, bạn sẽ thấy một cửa hàng McDonald’s nhỏ nép bên vỉa hè sứt sẹo, giữa những nếp nhà tồi tàn.

Phá sản “Vòng cung vàng”

Trong cửa hàng McDonald’s ấy có treo một tấm biển kim loại ghi rõ ràng: “Thịt bò và thịt lợn không được phục vụ tại đây”.

Tôi đã ngồi trong cửa hàng ấy, nhẩn nha ăn chiếc Mac kẹp trứng đầu tiên và có lẽ là duy nhất trong đời, nhìn ra con phố bên ngoài. Đó là nơi bạn có thể chứng kiến một loại “đặc sản” của Delhi mà có lẽ không tồn tại ở đâu trên thế giới: người đi bộ đông tới mức gây tắc đường.

Tôi nghĩ về lý thuyết “Vòng cung vàng” của Thomas Friedman. Nó nói rằng hai nước có cửa hàng McDonald’s sẽ không bao giờ gây chiến với nhau.

“Vòng cung vàng” là cách ông gọi logo của McDonald’s với chữ M được tạo thành từ hai đường parabol màu vàng. Thời điểm Friedman đề xuất lý thuyết ấy, có lẽ ông tuyệt đối tin tưởng rằng nước nào tiếp nhận McDonald’s tức là đã tiếp nhận giá trị Mỹ, và hai quốc gia có cùng hệ giá trị (hay nôm na là cùng chơi với Mỹ) sẽ không đối đầu.

Nhưng trên trang bìa Indian Express ngày hôm ấy thì biên giới Ấn Độ và Pakistan vẫn đang vô cùng căng thẳng. Bom vẫn nổ và người vẫn chết. Họ không chính thức bước vào một cuộc chiến tranh, nhưng cũng không hề có hòa bình. Và McDonald’s thì có ở cả hai nước.

Buổi tối hôm ấy, tôi ăn tối với vợ chồng tiến sĩ Wajahat Habibullah - một chính khách đã từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị Ấn Độ, trong đó có chức ủy viên trưởng ủy ban thông tin.

Vợ ông, Shahila, là một người Pakistan. Bà kể với tôi rằng đã nhiều năm rồi không được về thăm quê. Bà phải gặp người thân ở một nước thứ ba. Tình yêu giữa họ là một dạng Romeo và Juliet của thế kỷ 21, và mâu thuẫn không phải giữa hai dòng họ mà là hai quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Lý thuyết “Vòng cung vàng” của Thomas Friedman thật ra đã lung lay từ rất lâu. Bây giờ, toàn cầu hóa không còn là một sự giải phóng đơn sơ sau thời Chiến tranh lạnh, khi phe này không uống Coca-Cola, còn phe kia không treo ảnh Che Guevara.

Vì lợi ích, người ta có thể chấp nhận một thương hiệu Mỹ mà không cần phải chấp nhận giá trị Mỹ. Thế giới vẫn là của những phần khác biệt. Người ta thậm chí không cần bán thịt bò trong một cửa hàng McDonald’s.

Phía bên kia đường, đối diện với cửa hàng McDonald’s của khu Old Delhi, có một đền thờ kỳ lạ. Bất kỳ ai bước vào ngôi đền ấy, cho dù là một người ăn xin rách rưới hay là một khách du lịch tươm tất đeo máy ảnh kỹ thuật số cả nghìn USD (như tôi), cũng được đối xử như nhau: sẽ là những người khất thực.

Người ta hướng dẫn chúng tôi tháo giày, rồi phát cho chúng tôi một chiếc khăn. Thật ra mỗi tín đồ “gốc” của tôn giáo mà tôi chưa biết tên này đều đã có chiếc khăn để che đầu. Nhưng ngay cả với những người xa lạ, họ cũng sẵn lòng phát khăn để đảm bảo nguyên tắc khi bước vào đền. Rồi mỗi người nhận một chiếc khay nhôm, được chỉ một chỗ giữa hàng trăm người đang ngồi ngay ngắn thành hàng.

Chiếc khay để trước mặt. Những người cầm xô thức ăn đi dọc theo hàng, cầm muôi và đổ vào khay một bữa đạm bạc: một chiếc bánh bột, một muôi xúp đậu, một muôi bí ngô nấu nhừ, một muôi cơm. Tất cả bắt đầu ăn trong lặng lẽ.

Từ khi bước vào đền tới khi ngồi đó với khay cơm trước mặt, tôi không nói một câu nào. Người trong đền cứ dắt tôi đi. Không cần mở mồm ra xin. Ở đây, việc được cho ăn là điều hiển nhiên. Một nghi thức.

Tôi không nuốt được hết bữa cơm vì không hợp khẩu vị. Tôi tìm cách giấu cái khay của mình xuống dưới chiếc khay của người bạn đi cùng, rồi đem ra ngoài và trả lại.

Người ta phát hiện ra điều đó. Một người đàn ông nhảy vào tôi và bắt đầu nói những lời rất nặng nề bằng tiếng Hindu mà tôi không hiểu. Có thể đoán được: đây là một sự xúc phạm, vì tôi đã bỏ thức ăn (được cho) trong khi còn bao nhiêu người đói đang xếp hàng phía ngoài đền thờ để chờ đến lượt.

Ông ta bắt tôi quay về chỗ và ăn hết thức ăn trong khay. Tôi lại ngồi xuống, chắp tay, làm động tác xin một cái thìa. Rồi cố gắng xúc ăn hết trong sự xấu hổ.

Cặp đôi nhiếp ảnh gia Murad Osmann cùng vợ Natalia Zakharova đến Ấn Độ chụp ảnh ở New Delhi, Varanasi, Agra, Jaipur và Udaipur... - Ảnh: Instagrams/Murad Osmann

Thế giới không bao giờ phẳng?

Khi tôi bước ra khỏi đền thờ và mở điện thoại của mình lên, tôi mới biết tên của tôn giáo ấy. Đó là một đền thờ đạo Sikh. Toàn cầu hóa xuất hiện ở chỗ này: ứng dụng Quora trong iPhone của tôi nhận ra tôi đang ở đâu (công nghệ theo dõi người dùng của các ứng dụng kiểu này ngày càng đáng sợ).

Ngay lập tức, nó xuất hiện hàng loạt bài viết giải thích cho tôi về văn hóa Ấn Độ và đạo Sikh. Đó là một tôn giáo cấm tín đồ của mình đi ăn xin. Đói thì tới đền thờ sẽ được cho ăn. Phía bên ngoài, những gương mặt đói khát vẫn đứng tràn ra cả lòng đường chờ được vào trong.

Toàn cầu hóa, hay là cái “thế giới phẳng” theo mô tả của Thomas Friedman, chỉ cho phép tôi đọc và học về đạo Sikh rất nhanh. Thậm chí không cần tìm kiếm. Tất cả đến qua sóng 3G. Nhưng trải nghiệm mà tôi vừa trải qua ở đền thờ đạo Sikh ấy là một thứ không thể tiếp nhận bằng lý tính thuần túy.

Đó là một cảm giác lạ lẫm, thậm chí khiến tôi hoang mang. Ngồi trong cái không khí của một buổi hành lễ, giữa thánh đường của một tôn giáo chưa bao giờ nghe tên và ăn xúp đậu cạnh những người ăn xin, bị mắng chửi và ép phải ăn hết thức ăn. Nó là một tuyên bố về việc thế giới không bao giờ phẳng được ở nhiều khía cạnh văn hóa.

Kỳ 2: Khi xe tải Unilever có hình ca sĩ Mỹ Linh chạy ở Yangon

ĐỨC HOÀNG
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  10,573,924       15/913