Du lịch

Khi người bán bánh mì 'về hưu' để đi du lịch

TTO - Sau 55 năm bán hàng lưu động, ông Foo Kee See quyết định “nghỉ hưu” ở tuổi 78. Câu chuyện về ông được chia sẻ trên các mạng xã hội Singapore như một “di sản sống”, tiêu biểu cho tình người thân thiện, nghĩa tình tại một Singapore hiện đại, sôi động.

*** Error ***
Ông Foo và tiệm tạp hóa di động của mình - Ảnh: WANG HUI FEN

Ông Foo Kee See được nhiều người dân ở khu Serangoon (phía bắc đảo Singapore) gọi bằng cái tên trìu mến Uncle Bread - “bác bánh mì”. Nhật báo Straits Times đã dành tới vài số báo để chia sẻ câu chuyện “nghỉ hưu” của ông với nhiều người dân Singapore.

Cuộc chia tay tình nghĩa

Tiếp chuyện chúng tôi trong phòng khách căn nhà trệt mái ngói mua từ những năm 70 của thế kỷ trước, ông Foo nói rằng từ ngày “nghỉ hưu” ông lại nhận được nhiều tình cảm của hàng xóm, khách hàng cũ.

“Họ chào tôi mỗi khi gặp trên đường đi tập thể dục, có người còn tìm đến nhà tặng quà cho tôi - điều mà nhiều năm qua chưa từng có. Chắc họ đọc báo nên biết về tôi” - ông nói.

Ông Foo cho biết ngày xưa khu Serangoon Gardens chủ yếu là dân văn phòng người Anh sinh sống, mỗi ngày ông bán được khoảng 200 ổ bánh mì. Mấy chục năm tần tảo bán bánh mì, ông chẳng những trả xong nợ căn nhà nhỏ của mình mà còn cho hai con trai và một con gái học hết đại học.

Ông Foo bắt đầu bán bánh mì dạo từ năm 23 tuổi, khởi đầu là hành trình trên chiếc xe đạp, sau là xe gắn máy, rồi năm 2000 lên đời bằng chiếc Toyota Hiace. Mỗi ngày trung bình ông phải lên xuống chiếc xe tải nhỏ không dưới 200 lần để lấy hàng, thối tiền, lái xe... xung quanh khu vực Serangoon Gardens, Seletar Hills và Kovan.

Ông bán nhiều món hàng khác nhau khiến chiếc xe như một tiệm tạp hóa di động có một không hai ở khu vực Serangoon. Chiếc xe tạp hóa với khoảng 40 món hàng, rong ruổi hơn 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày giúp ông có được khoảng 100 SGD.

Cuộc sống dần thay đổi, xe bánh mì của ông không thể cạnh tranh được với những tiệm bánh mì điện hiện đại, mọc nhan nhản khắp nơi...

Chọn ngày “nghỉ hưu” của mình là 11-1 cho dễ nhớ nhưng không ngờ nó lại trở nên đẹp và vô cùng ý nghĩa khi ông nhận được nhiều tình cảm trìu mến của khách hàng.

Ngày cuối cùng bán hàng, khách hàng chẳng những mua hàng nhiều hơn, giúp ông trở về nhà với chiếc xe nhẹ hơn mà còn tặng ông nhiều món quà kỷ niệm, bao lì xì, chai nước yến, nước cốt gà và hơn hết là rất nhiều vòng tay ấm áp...

Giờ thì ông Foo, theo thói quen vẫn dậy từ lúc gần 6h sáng nhưng không phải chuẩn bị chất thêm hàng hóa vào chiếc xe tải nhỏ của mình nữa mà là thoải mái, thảnh thơi đi dạo bộ rồi quay trở về nhà đọc báo. Cái sân trước nhà giờ cũng trống hơn vì chiếc xe, sau khi hết hạn lưu hành, đã được đưa về bãi phế thải.

Tận tình, tử tế

Cô Lina Yaranon ở khu Serangoon Gardens cho biết luôn nhớ ông Foo và cái tiệm tạp hóa di động đặc biệt vì “nó giống như một phần tuổi thơ của tôi”. 30 năm qua cô vẫn thường mua bánh mì, trứng và vài thứ lặt vặt khác từ ông Foo mà chẳng phải đến siêu thị vốn khá xa khu vực này. Không chỉ Yaranon, nhiều người dân sống ở đây được ông mang đến tận nhà những món hàng cần thiết mỗi ngày.

Ông Foo cho biết ông ra đi từ khi mặt trời chưa ló dạng và phải đến 7-8h tối mới quay về nhà. Ông phục vụ tận tình mọi khách hàng quen thuộc, cho khách hàng thiếu nợ đến cuối tháng mới trả.

Ông cũng đã quá quen với cách ra hiệu của khách hàng, chỉ cần nhìn thấy cái túi nilông buộc trên thanh sắt cửa cổng là ông biết hôm ấy họ muốn ăn bánh mì của mình, không có bịch nilông nghĩa là xe ông có thể đi tiếp mà không cần dừng lại.

Nhiều khách hàng mặc dù dọn đi ở nơi khác vẫn thèm bánh mì và cách phục vụ của “Uncle Bread”. Ông phải lái xe vòng xa hơn, không tiện cho lộ trình thường ngày để mang bánh mì đến cho họ mà không lấy thêm phí.

Với nhiều người dân sống ở khu vực Serangoon Gardens này từ năm 1969, khi khu dân cư này mới hình thành, ông Foo là một trong những nhân chứng sống, đại diện tiêu biểu của văn hóa địa phương như người bán satay (một món ăn truyền thống), bán bánh mì, bán mì Hokkien... đã dần mất đi trong cuộc sống hiện đại.

Có lẽ sẽ chẳng còn ai nhớ đến các chứng nhân, di sản sống như thế này nữa trong xã hội ngày càng hiện đại, vội vã, nơi mà trên xe điện, xe buýt người ta ai cũng mặt đăm chiêu, vội vàng, mắt không rời màn hình điện thoại thông minh mà thiếu đi những nụ cười, lời hỏi thăm, chăm sóc...

Cô đồng nghiệp Wang Hui Fen của tờ Straits Times cho biết nhiều người dân ở khu Serangoon khi biết giấy chứng nhận sở hữu xe của ông Foo sắp hết hạn đã liên lạc với cô để đề nghị cùng nhau quyên tiền giúp ông gia hạn thêm 5 năm nữa.

Khi biết tin, ông Foo từ chối. Vợ ông, 71 tuổi, người vẫn thường giúp ông mở cửa lấy hàng hóa cho khách, nay không thể đi cùng ông vì các cơn đau ở lưng đã khiến bà bước đi khó nhọc. Khi tôi hỏi ông vì sao lại từ chối sự giúp đỡ này thì ông chỉ cười và bảo mình già rồi, “muốn có thời gian nghỉ ngơi đi bộ, đọc báo một cách thoải mái trong những năm cuối đời.

Bây giờ Đài Loan và Hàn Quốc còn lạnh lắm, có tuyết rơi nữa, đợi đến khi hết mùa đông giá lạnh tôi muốn đi du lịch một chuyến cho thoải mái”.

LÊ NAM (Từ Singapore)
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,782,549       20/825