TTO - TP.HCM trở thành “thành phố không ngủ” cần có nhiều cảnh vật, bảo tàng, nhạc nước, ánh sáng, lễ hội, sân khấu, điện ảnh, các hoạt động ngoài trời... chứ không chỉ ngồi nhậu nhẹt thâu đêm.
Ca sĩ đường phố hát tặng sinh nhật một du khách tại khu phố Tây - Bùi Viện, Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Với đề xuất TP.HCM trở thành “thành phố không ngủ”, bên cạnh sự tổ chức, quản lý của chính quyền và cơ quan hữu trách, phần quan trọng tạo nên sự “không ngủ” đó chính là du khách và người dân.
Về câu chuyện này, khách du lịch nước ngoài, người dân và các chủ cơ sở hoạt động du lịch cũng như bà con tiểu thương đều mong TP.HCM sớm quy hoạch và phát triển thành “điểm đến du lịch không ngủ”. Họ nêu ý kiến của mình.
* Ông Lưu Tuấn Hoàng (chủ một quán nhạc sống tại Q.1, TP.HCM):
Lưu Tuấn Hoàng |
Hiệu quả kinh tế cao
Là người có thâm niên trong dịch vụ giải trí về đêm ở TP.HCM, tôi thấy hoạt động về đêm là một mô hình giải trí đặc trưng cần được các ban ngành tạo điều kiện hỗ trợ. TP.HCM từ lâu đã là một “thành phố không ngủ”.
Như chúng tôi là một quán bar “sạch” chỉ có âm nhạc sống và đồ uống hằng đêm, chúng tôi phục vụ nhu cầu âm nhạc quốc tế nên tạo thành một sân chơi thú vị cho các bạn bè du khách quốc tế, cũng như những người dân TP.HCM. Khách du lịch thường đi chơi khuya, vì thế hoạt động dịch vụ về đêm là đáp ứng nhu cầu khám phá giải trí cho họ.
Thu nhập từ hoạt động giải trí về đêm rất cao, đặc biệt ở những club dành cho các bạn trẻ. Như bar chúng tôi mở cửa từ 17h đến 1h đêm, dù mới đi vào hoạt động nhưng một đêm có trên dưới 100 khách. Khách chịu chi tiền và rất ưa thích giải trí âm nhạc sống. Doanh thu của quán thực sự tốt.
Nói như vậy để thấy không chỉ các hoạt động du lịch ban ngày mà các hoạt động về đêm cũng có nhu cầu rất lớn và mang lại lợi nhuận cao cho ngành du lịch. Vì vậy, chúng tôi hi vọng cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những hành lang pháp lý rõ ràng để các cơ sở được hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả cao hơn.
* Anh Phan Thành Đạt (họa sĩ minh họa, TP.HCM):
Phan Thành Đạt |
Cần quy hoạch khu vui chơi về đêm xa khu dân cư
Giới trẻ thành phố không ai không đi chơi đêm, tôi cũng vậy, nhưng là kiểu tản bộ ra đường, chạy xe dọc những con đường có hàng cây, công viên hay lên cầu đón gió để tận hưởng không khí về đêm trong lành, vắng vẻ. Sài Gòn từ sáng đến chiều luôn ồn ào, náo nhiệt rồi.
Nhưng tôi vẫn ủng hộ một Sài Gòn không ngủ về đêm, điều đó rất tốt cho phát triển kinh tế, thêm cơ hội cho người dân kinh doanh, buôn bán, thêm các dịch vụ mới ra đời.
Tôi ủng hộ chủ trương nhưng vẫn khá băn khoăn về cách thức tổ chức vì gần nhà tôi hiện nay có một tổ hợp trung tâm thương mại, quán karaoke, nhà hàng chen chúc nhau góp phần gây ùn tắc và ô nhiễm tiếng ồn, người dân khá mệt mỏi.
Ở các nước họ quy hoạch rất tốt những khu phố vui chơi đêm, người dân, khách du lịch có thể vui chơi thả ga nhưng không làm ảnh hưởng không gian riêng của người khác.
Thứ hai là vấn đề an ninh, bắt buộc người quản lý những khu phố đêm phải bản lĩnh và ý thức được các rủi ro cũng như những vấn nạn về đêm như say xỉn, nói thách, đánh nhau, cướp giật... Phải quản thật nghiêm, bố trí hợp lý, chỉn chu các dịch vụ ở trong đó, tránh cướp giật, móc túi.
Cuối cùng là để hút du khách, chúng ta cần phải có những dịch vụ hấp dẫn, mới lạ, điều mà hiện nay thành phố chưa có nhiều. Có thể vừa làm vừa hoàn thiện, chúng ta đã có khu phố Tây nhưng sức hấp dẫn của nó đang bị giảm dần vì sự chật chội và không có dịch vụ nào mới.
* Chị Diễm Phương (tiểu thương chợ Bến Thành, Q.1, TP.HCM):
Diễm Phương |
Định hướng lâu dài để tiểu thương yên tâm
Tôi đang buôn bán mặt hàng thời trang truyền thống như áo dài, áo bà ba... ở chợ. Khách hàng chủ yếu là khách du lịch, trong nước lẫn nước ngoài. Chợ đêm Bến Thành cũng có bảo vệ, quản lý an ninh, ít khi xảy ra tình trạng gây gổ hay va chạm gì...
Tuy nhiên, những người kinh doanh ở đó thường nơm nớp vì thỉnh thoảng lại dấy lên tin đồn sắp giải tán chợ đêm, sau đó chợ vẫn cứ hoạt động bình thường. Nếu sắp tới thành phố xác định mở thêm nhiều điểm vui chơi, khu ăn uống kéo dài xuyên đêm, tôi nghĩ sẽ rất tốt cho người kinh doanh lẫn khách du lịch.
Quan trọng là phải định hướng rõ ràng, lâu dài để người kinh doanh yên tâm đầu tư, buôn bán.
* Ông Quang Phú (người dân TP.HCM):
Du lịch TP.HCM không nên "ngủ sớm"
Vấn đề quan trọng nhất của một “thành phố không ngủ” là phải có sản phẩm du lịch đặc sắc, níu chân du khách “không ngủ”, chứ không phải chỉ những quán bar, vũ trường, quán nhậu, quán cà phê. Hiện nay tôi thấy TP.HCM thiếu hẳn những sản phẩm du lịch đó.
Nếu đi một số thành phố trên thế giới, chúng ta thấy sản phẩm du lịch về đêm rất đặc sắc, không thể không đi, trong đó có cảnh vật, bảo tàng, nhạc nước, ánh sáng, lễ hội, sân khấu, điện ảnh, các hoạt động ngoài trời...
Nhiều người đến TP.HCM ban ngày làm việc, tranh thủ ban đêm đi chơi, nhưng tìm những sản phẩm này rất hiếm, trong khi “sản phẩm nhậu nhẹt” lại rất nhiều.
Từ đề xuất “thành phố không ngủ”, tôi nghĩ đây là cơ hội để TP.HCM “thức khuya” hơn, tập trung đầu tư sáng tạo những sản phẩm du lịch đặc sắc, thay vì “ngủ sớm” như bấy lâu nay.