Du lịch

TP.HCM nên mạnh dạn thí điểm “thành phố không ngủ”

TTO - TP.HCM nên là “thành phố không ngủ” như nhiều TP lớn khác trên thế giới. Nhưng các sản phẩm du lịch phải đa dạng, cởi mở, tránh khách thức mà... chẳng biết làm gì.

Khách nước ngoài tham quan chợ đêm Bến Thành - Ảnh: Hữu Khoa
Khách nước ngoài tham quan chợ đêm Bến Thành - Ảnh: Hữu Khoa

Đó là ý kiến của đại diện cơ quan chức năng, doanh nghiệp, chuyên gia và giới trẻ trước đề xuất về một "thành phố không ngủ" tại Hội nghị của Thành ủy TP.HCM ngày 8-3 (triển khai nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn).

* Ông Ngô Hoài Chung(phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL):

TP.HCM nên 
mạnh dạn thí điểm

Hiện nhiều nước trên thế giới đã thành công với mô hình du lịch phố đi bộ, phố mua sắm, trung tâm thương mại hoạt động cả về đêm hay các cơ sở nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh, hội nghị... Đây là bài học tham khảo cho TP.HCM.

TP cần phải có những quy hoạch và trên cơ sở đó có những chính sách để khách đến thuận tiện, ở lại thuận tiện và lâu hơn. Nên coi TP.HCM như một đầu mối để khách từ TP tỏa đi những địa phương khác và ở các địa phương khác hội tụ lại TP.HCM.

Tổng cục Du lịch sẽ cùng TP.HCM quy hoạch phát triển du lịch để từ đó xác định tiềm năng, tài nguyên, chỉ ra các sản phẩm mũi nhọn, những không gian phát triển trọng điểm... Chúng tôi cũng đề nghị TP cần có những chính sách ưu tiên để thu hút nhà đầu tư chiến lược về du lịch.

Cần phải có những chính sách cởi mở, thông thoáng và thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch yên tâm đầu tư, thuận lợi đưa đón khách.

Trong nghị quyết 08 của Bộ Chính trị nói rõ là nếu như trong hệ thống chính sách pháp luật chưa có cơ chế thì cho phép được làm thí điểm. Nên TP.HCM cần mạnh dạn làm thí điểm các mô hình du lịch để rút kinh nghiệm và nhân rộng nếu có hiệu quả.

* Ông Võ Anh Tài (phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist):

Cần thông thoáng...

Du khách đến TP.HCM đa dạng. Theo khảo sát và quá trình hoạt động thực tiễn của chúng tôi, hầu hết du khách đến TP.HCM dạng nào cũng đều có nhu cầu trải nghiệm cuộc sống về đêm của TP được ví là sôi động nhất nước.

Khách du lịch thuần túy ban ngày đi các tour tham quan nên đêm có nhu cầu ẩm thực, giải trí. Tuy nhiên, nhiều du khách đánh giá sản phẩm du lịch về đêm ở TP hiện còn đơn điệu. Cần thông thoáng tạo ra các điểm, khu vui chơi giải trí hấp dẫn, tạo “điểm đến không ngủ” cho khách.

Để làm được điều đó, TP.HCM nên có quy hoạch các khu vực để phát triển du lịch về đêm, nên ở khu trung tâm, quy định rõ thời gian cho phép hoạt động.

Theo tôi biết, Sở Du lịch đã xem xét kiến nghị thời gian cho phép các hoạt động dịch vụ về đêm. Khi có hai yếu tố trên, TP cần nghiên cứu có các chương trình, sự kiện, lễ hội văn hóa, nghệ thuật... tại các thời điểm khác nhau.

Các hoạt động ẩm thực, các khu mua sắm, giải trí về đêm... nhiều nước xung quanh đã làm và tạo hiệu quả cao.

Hiện nay, đối tượng khách đến TP.HCM có những khách chịu chi tiêu cao, nên cần có những khu vực dịch vụ cao cấp hơn. Là một doanh nghiệp du lịch, chúng tôi sẵn sàng làm kế hoạch, cùng TP đầu tư các sản phẩm du lịch về đêm.

Ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng (tổng giám đốc Công ty du lịch Công ty Thiên Niên Kỷ-TNK):

Tránh nửa cho 
nửa không

Hiện nay TP.HCM đang đa dạng hóa các dịch vụ du lịch để khách trải nghiệm thế giới về đêm. Nhưng do hành lang pháp lý không rõ ràng nên việc hoạt động bao năm nay rất khó phát triển lên chuyên nghiệp. Ví dụ ở khu phố Tây, mới đây TP cho hoạt động đến 3h sáng.

Bản thân chúng tôi cũng hoạt động đến 3h sáng nhưng không chính quy, cứ lo có lúc luật mở, có lúc khép. Kiểu nửa cho nửa không, doanh nghiệp vừa làm vừa sợ, không chuyên nghiệp được.

Nhu cầu vui chơi về đêm là rất lớn - hầu như khách nào cũng muốn. Ba, bốn ngày đi các tour, về TP.HCM họ muốn tham gia cuộc sống về đêm của TP để biết được đời sống, nhịp sống của Sài Gòn.

Chúng tôi kiến nghị TP có quy định hạn chế giao thông vào các khung giờ nhất định tại các khu phố đêm. Riêng đặc thù phố Tây nên quy định rõ hoạt động thời gian nào, được hoạt động bao nhiêu mét trên vỉa hè. Hiện chúng ta đang cho hoạt động 0,2-3m2 trên vỉa hè, không đồng nhất.

Phố Tây đã có nhiều dịch vụ độc đáo như dạy nấu ăn món VN, may áo dài cho khách trong một ngày... tạo thành chuỗi cung ứng khép kín từ nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch... cho đến các phương tiện công cộng.

Có thể bổ sung ca múa nhạc, show biểu diễn nghệ thuật để làm phong phú thêm.

PGS. TS Phạm Trung Lương (nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch):

Nên tham khảo 
mô hình Bangkok

TP.HCM muốn phát triển thành TP du lịch về đêm thì các chợ đêm phải là nơi du khách được ăn uống, vui chơi thoải mái. Như khách đến Thái Lan về đêm, họ có các casino để chơi. Nhưng TP.HCM chưa có nhiều các sản phẩm du lịch về đêm.

TP cần phải nới rộng khoảng thời gian hoạt động của các dịch vụ về đêm như quán bar, chợ đêm... như Bangkok đã làm.

Để khách tiêu dùng nhiều hơn, cần cố gắng biến TP.HCM thành một trung tâm mua sắm tầm cỡ. Từ xưa chúng tôi đã đề xuất những TP du lịch lớn như TP.HCM cần phải thành lập trung tâm thương mại cho du khách để khách đến đó mua sắm hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng, giá cả.

Nếu làm được thì đây sẽ là nơi xuất khẩu tại chỗ. Đó là những hạt nhân biến TP.HCM thành trung tâm mua sắm của khu vực.

Tư duy làm kinh tế cũng phải thay đổi. Nếu đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì các ngành khác đều phải có nhiệm vụ hỗ trợ cho du lịch phát triển. Du lịch cần phải xem là ngành kinh tế độc lập. Nhiều nước đã thành công với tư duy làm du lịch theo hướng đó.

Anh Võ Trần Quốc Thắng (Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM):

Đừng để khách phải chạy tứ tung

Tôi trẻ, sống ở TP.HCM, thỉnh thoảng có bạn bè ở nước ngoài về VN đi du lịch. Sau những tour du lịch ở các tỉnh, họ thường quy tụ về TP.HCM để trải nghiệm cuộc sống về đêm. Những điểm mà bạn bè tôi thường lui tới là các quán bar, nhà hàng, khu phố Tây...

Các điểm này hiện vẫn bị hạn chế về thời gian hoạt động. Nhiều khi chúng tôi phải thanh toán tiền và rời nhà hàng trước 23h đêm. Những lúc đó chúng tôi chọn ra khu vực phố Tây để “tăng hai”. Nhưng ở phố Tây cũng không phải mở hoàn toàn. Có những thời điểm trông như “mở” nhưng lại “đóng”.

Ví dụ cô bạn tôi rất thích ngồi ở vỉa hè các quán bia tại khu phố Tây và cô ấy đặc biệt thích xem các môn biểu diễn nghệ thuật đường phố. Nhưng có lần khi đang xem bỗng mọi người phải... chạy tán loạn vì trật tự đô thị tới dẹp, ngay cả “nghệ sĩ đường phố” cũng chạy tứ tung. Như thế không hay.

TP.HCM có một lợi thế rất tốt để phát triển các dịch vụ về đêm nên cần có quy hoạch địa điểm, đưa ra các danh mục dịch vụ được phép hoạt động về đêm.

Nhìn chung hiện nay các hoạt động của TP về đêm còn chưa chuyên nghiệp và thiếu sự đa dạng về loại hình dịch vụ, chưa thực sự thu hút giới trẻ.

ĐÌNH DÂN - V.V.TUÂN
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  10,473,287       17/958