Du lịch

Phó chủ nhiệm ủy ban Quốc hội phản ứng ý kiến 'chê' Luật Du lịch

​TTO - Ông Nguyễn Văn Tuyết, phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, phản ứng với các ý kiến chỉ trích Luật Du lịch, cho các ý kiến đó là "thiếu thông tin và không có căn cứ".

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết - Ảnh: Quochoi.vn

Ông Nguyễn Văn Tuyết dành cho Tuổi Trẻ Online một cuộc phỏng vấn hôm nay 20-6 để phân tích kỹ Luật Du lịch vừa được Quốc hội thông qua.

Tôn trọng quyền tự do của du khách

* Ngày 19-6, dự thảo Luật Du lịch đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ khá cao là 89,21%. Nhưng một số ý kiến cho rằng luật có những điểm lùi so với Luật Du lịch 2005 như không có quy định về văn phòng đại diện VN ở nước ngoài, ban chỉ đạo quốc gia về du lịch, ủy ban quốc gia về du lịch…

- Tôi có đọc một vài phản biện sau khi Quốc hội đã thông qua luật và thấy rằng người phản biện thiếu thông tin.

Trong quá trình thẩm tra dự thảo Luật Du lịch sửa đổi, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp với các cơ quan của Chính phủ nghiên cứu về mô hình cơ quản quản lý nhà nước về du lịch, các đề xuất thành lập bộ Du lịch, tổ chức Tổng cục Du lịch theo ngành dọc, ban chỉ đạo quốc gia về du lịch…

Tuy nhiên, chủ trương của Đảng, Chính phủ đã rõ, đó là “chấm dứt tình trạng đưa các quy định về tổ chức, bộ máy và biên chế trong các văn bản pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước”.

Việc không quy định về tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về du lịch trong dự thảo Luật là phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng.

Việc thành lập các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước cần thực hiện theo Luật Tổ chức Chính phủ và các luật khác liên quan.

Ví dụ việc có hay không quy định về cảnh sát du lịch. Việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội được xác định đầu tiên và trước hết là nhiệm vụ của ngành công an, do đó Luật Du lịch không quy định về cảnh sát du lịch.

Nhưng luật có quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các bộ, ngành liên quan, UBND các cấp, các cá nhân, tổ chức quản lý, kinh doanh du lịch trong việc đảm bảo an toàn cho khách du lịch, bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch...

Hay về tuyến du lịch, luật không quy định vì những lý do như: Hiện nay cách thức quản lý, kinh doanh du lịch đã có nhiều thay đổi.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chủ động xây dựng các tuyến du lịch linh hoạt, tạo sức hấp dẫn, ít gắn với tuyến giao thông cố định như những tuyến du lịch truyền thống trước đây.

Ta cũng tôn trọng quyền tự do của du khách khi lựa chọn điểm đến, không bắt buộc đi theo những tuyến nhất định…

* Có ý kiến cho rằng Luật Du lịch chỉ dừng lại là luật chuyên ngành và bị chi phối bởi các luật khác nên không dễ thực thi. Ý kiến của ông?

- Luật Du lịch đúng là luật chuyên ngành, không thể xây dựng luật về du lịch và quy định tất cả các vấn đề về đầu tư, xây dựng sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, trạm dừng, nghỉ trên các tuyến giao thông, chính sách "mở cửa bầu trời", giá điện, chính sách phù hợp về thuế sử dụng đất...

Làm như thế sẽ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, không phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã rà soát kỹ nội dung của nghị quyết trung ương về phát triển du lịch và luật hóa các tư tưởng trong nghị quyết.

Theo đó, luật đã quy định những nguyên tắc chung làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách cụ thể cho ngành du lịch.

Ví dụ, Luật Du lịch quy định rõ Nhà nước phải ban hành các chính sách để bảo đảm du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước xây dựng, ban hành các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; các lĩnh vực Nhà nước cần làm; các lĩnh vực mà Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích thực hiện.

Quy định của luật thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm của Nhà nước cũng như chính sách xã hội hóa của Nhà nước để phát triển du lịch.

Không cấm doanh nghiệp xúc tiến du lịch ở nước ngoài

* Ý kiến phản biện cũng cho rằng cơ quan ngoại giao có thể kết hợp quảng bá du lịch nhưng không thể làm thay văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài…

- Trước hết, phải khẳng định luật không cấm các doanh nghiệp hoặc hiệp hội du lịch mở các văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.

Chính phủ cũng cần đổi mới và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch, nhưng hoạt động này cần đặt trong một tổng thể về xúc tiến thương mại, an ninh, quốc phòng…, và bộ Ngoại giao là cơ quan chịu trách nhiệm đối với toàn bộ các hoạt động ngoại giao, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch…

* Ý kiến phản biện còn cho rằng quy định hình thức của hợp đồng lữ hành bằng văn bản là trái với quy định của Bộ luật Dân sự. Ông có ý kiến như thế nào?

- Bộ luật Dân sự quy định hợp đồng có thể được giao kết bằng 3 hình thức - hành vi cụ thể, lời nói (hợp đồng miệng) và văn bản.

Căn cứ Bộ luật Dân sự, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, các luật chuyên ngành có thể quy định hợp đồng dân sự được thiết lập với một trong các hình thức trên.

Ví dụ Luật Nhà ở quy định giao dịch về nhà ở phải được thiết lập dưới hình thức bằng văn bản và phải được công chứng.

Luật Đất đai quy định giao dịch về chuyển quyền sở dụng đất phải được thiết lập dưới hình thức bằng văn bản, được công chứng và phải đăng ký.

Hợp đồng lữ hành là căn cứ quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của khách du lịch, là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền (quản lý nhà nước về du lịch, thuế...) kiểm tra việc kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành.

Vì vậy, hợp đồng lữ hành cần phải được lập thành văn bản. Bộ luật Dân sự cũng quy định giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử (chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax...) được coi là giao dịch bằng văn bản.

LÊ KIÊN thực hiện
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,602,577       100/1,049