Du lịch

Hoang sơ suối Chí

TTO - Những ngày nắng nóng, về suối Chí len lỏi trong những cánh rừng tự nhiên, đắm mình trong dòng nước mát lạnh... du khách sẽ quên đi những mệt nhọc, ưu phiền bộn bề.

Dựa vào ưu thế của dòng suối khá dài nên nhiều gia đình tự chọn cho mình điểm tắm riêng biệt mà không phải giao lưu bất đắc dĩ với những nhóm du khách khác
Dòng suối khá dài nên nhiều gia đình tự chọn cho mình điểm tắm riêng biệt mà không phải giao lưu bất đắc dĩ với những nhóm du khách khác - Ảnh: Võ Quý Cầu

Suối Chí nằm ở xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, trên trục tỉnh lộ TP Quảng Ngãi - Nghĩa Hành - Ba Tơ, cách TP Quảng Ngãi vài chục kilômet.

Nếu xuất phát từ TP lúc sáng sớm, bạn có thể dừng chân ở thị trấn Chợ Chùa ăn lót dạ, nhâm nhi tách cà phê. Sau đó, vượt qua đèo Eo Gió ngắm nhìn hoa súng nở bên hồ nước dưới chân đèo, rồi thẳng một mạch vượt cầu Cộng Hòa qua xã Hành Thiện vào địa phận xã Hành Tín Đông tìm đến suối Chí nằm ở thôn Trường Lệ.

Còn nếu xuất phát từ thị trấn Mộ Đức, vượt đèo Đồng Ngỗ hay từ Đức Phổ theo ngã ba Thạch Trụ vào địa phận xã Ba Liên (huyện Ba Tơ) rồi ngược xuống thì gần hơn nhiều.

Từ tỉnh lộ đi vào suối Chí, có con đường bêtông dài non 1km đủ sức cho xe du lịch, xe máy đi lại. Nhìn quanh hai bên đường thấy núi rừng xanh thắm. Trong tháng 6 trời có mưa dông, cây rừng phủ đầy những đọt non. 

Đi hết đoạn đường bêtông là điểm dừng xe thoáng rộng ven dòng suối. Khách cứ việc thư giãn, ngắm mây trời, núi rừng hoang sơ trước khi đắm mình trong dòng nước mát lạnh.

Suối Chí có thừa sự hoang sơ, nhưng độc đáo hơn là đoạn suối mà du khách có thể tắm kéo dài trên 1,1km len lỏi trong rừng, nên bạn tha hồ chọn lựa điểm dừng chân mà không ngại phải giao lưu bất đắc dĩ với những nhóm du khách khác…

Len lõi trên lối mòn ngược đường lên thác Giê, du khách băng qua những cánh rừng tự nhiên mát rượi
Len lỏi trên lối mòn ngược đường lên thác Giê, du khách băng qua những cánh rừng tự nhiên mát rượi - Ảnh: Võ Quý Cầu
Thi thoảng du khách sẽ gặp những cây gỗ lớn ba người ôm không xuể
Thi thoảng du khách sẽ gặp những cây gỗ lớn ba người ôm không xuể - Ảnh: Võ Quý Cầu
Phía trên đỉnh thác Giê
Phía trên đỉnh thác Giê - Ảnh: Võ Quý Cầu

Suối Chí nằm trong khu rừng tự nhiên thuộc dự án khôi phục quản lý rừng bền vững (KFW6) do Cộng hòa liên bang Đức tài trợ rộng trên 1.000ha. Nơi đây có Núi Lớn - một trong những địa danh lịch sử gắn liền với đội du kích Ba Tơ oai hùng. 

Đội du kích Ba Tơ từ núi Cao Muôn trước tháng 8-1945 tiến về Trung Châu lập căn cứ Hoàng Hoa Thám, trước khi tỏa về đánh chiếm đồng bằng, góp phần cho Cách mạng tháng 8-1945 thành công ở Quảng Ngãi. 

Tại ven dòng suối có xưởng công binh và trên đại ngàn hoang sơ vẫn còn dấu tích nơi tập luyện của đoàn quân du kích.  

Nhiều bạn trẻ thường không dừng lại ở điểm này (nơi thời chống Pháp đội du kích Ba Tơ đặt xưởng công binh) mà theo con đường mòn đi tiếp về phía đông, băng qua những cánh rừng để cảm nhận được hoang sơ của đại ngàn, nghe tiếng chim hót, nghe dòng nước lúc ầm ào, lúc róc rách bên tai.

Nhiều người cứ trầm trồ với cây kơnia, cây chuồng hàng trăm năm tuổi, ba người ôm không xuể hoặc thi thoảng bắt gặp cây sâm cau, cây hoa lá mọc tự nhiên bên rừng. 

Nhiều du khách miền biển cũng ngỡ ngàng khi mục sở thị cây dầu rái, nhựa có màu ngà mà dân trong vùng khai thác chuyển về biển để trám trít ghe, thúng.

Đi chừng vài chục phút ven suối vượt qua hơn 1km là dòng thác Giê. Thác cao khoảng 24m quanh năm tung bọt nước trắng xóa. Mùa hạ, mặt trời lên ánh nắng chiếu vào làm dòng nước trắng bạc như sợi tơ trời.

Bên trên lối mòn dẫn lên đầu ngọn thác là những tảng đá và dòng nước trong ngàn năm reo nhạc. Du khách dừng bước ngồi xả hơi bên tảng đá trước khi thả mình xuống dòng nước trong mát lạnh.

Nhiều người lấy dây rừng cột chặt những lon bia và nước suối thả xuống dòng nước ngâm chừng 10 phút rồi mang lên xài càng cảm nhận được dòng nước mát trong.

Cũng do dòng suối hoang sơ, không hề bán vé ra vào và không có dịch vụ nào nên du khách đến nơi này phải tự mang theo đồ ăn thức uống. Sau khi tắm mát, nhấm nháp thức ăn cùng người thân, bè bạn, du khách có thể mắc võng bên dòng suối đánh một giấc say giữa trưa hè.  

Chiều xuống, khi đại ngàn vắng lặng, khách ngược đường trở về sẽ cảm nhận được nhiều hơn về sự hoang sơ của suối, của núi rừng và thường chẳng ai quên hẹn ngày tái ngộ.

Tha hồ tắm mát trong dòng suối Chí
Những vụng nước nhỏ, nơi du khách tha hồ tắm mát - Ảnh: Võ Quý Cầu
Suối Chí lẫn khuất trong đại ngàn
Những phút thư giãn thú vị ở suối Chí - Ảnh: Võ Quý Cầu
 

Ông Phan Bình - bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành - cho biết suối Chí đã nằm trong quy hoạch du lịch của tỉnh. Hiện địa phương đang mời gọi đầu tư.

Rút kinh nghiệm từ nhiều điểm du lịch khác, huyện chú trọng bảo vệ sự hoang sơ của dòng suối, tăng cường việc bảo vệ rừng tự nhiên. Tuyệt đối không để việc xây dựng phá vỡ cảnh quan môi trường.  

Theo ông Đào Thành Công - chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, du khách đến tham quan suối Chí ngày càng nhiều nên yêu cầu khách đảm bảo vệ sinh môi trường.

Riêng địa phương cũng đã đồng ý cho một hộ gia đình giữ xe cho khách và tham gia dọn vệ sinh trong khu vực. Mùa nắng nóng, du khách đến càng nhiều nên hằng tháng Đoàn thanh niên trong xã đều tổ chức dọn vệ sinh.

VÕ QUÝ CẦU
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,602,613       101/1,049