TTO - Đã trên 70 tuổi và sống xa quê hương, tôi vẫn nghe phảng phất vị mắm kho bếp củi ngoại tôi nấu sau bếp ngày xưa.
Mắm kho nấu ở xứ người - Ảnh: N.T.Q
Cùng với nồi mắm là nguyên một rổ rau ướt ngập nước mưa, cái loại rau hái quanh vườn, quanh rào, đủ mọi chủng loại.
Gia đình tôi ngày xưa ở miệt Vũng Liêm (Vĩnh Long). Mùa hè, cơn mưa dầm đổ xuống mỗi chiều. Lũ trẻ ào ra đồng tắm mưa, bắt cá vì hè cũng chính là mùa cá nhảy bờ. Tụi tôi tha hồ bắt cá rô, cá phi, cá lóc, ốc, lươn, ếch… trong mương rạch, bụm vũng, bụi cỏ, dưới bờ ruộng vừa nhú đọt xanh non.
Ở nhà, bà ngoại, mẹ và các dì của chúng tôi đã nhóm bếp nấu một nồi nước. Họ đổ chiếc giỏ tre có nhiều cá mà tôi mang về và bắt đầu nấu một nồi mắm kho ngon "nhức nách".
Nồi mắm ngày đó không có thịt, tôm, chỉ có cá tươi, mắm, cà tím và bông súng. Bên cạnh nồi mắm là một rổ rau đủ mọi chủng loại vừa hái quanh vườn, quanh rào, tươi xanh và sũng nước mưa.
Rồi nồi cơm được bê ra, cả nhà xúm xít ngồi cạnh nhau. Cơm gạo mới cứng cứng, bốc bằng tay rồi vắt cục cho dẻo, quệt thêm miếng cà tím mềm rục vị mắm, ngọn rau lá non xanh. Vừa nhai vừa nghe vị mặn đậm đà của mắm, vị ngọt của cá, vị thơm thơm, đắng nhẫn của rau. Cả nhà ăn thiệt ngon miệng, chẳng mấy chốc mà "cạo muốn thủng cái nồi đất".
Những năm sau này khi định cư ở xứ Úc hiện đại văn minh, tôi vẫn thèm lắm nồi mắm kho mặn mà, đậm đà, dân giã của tuổi thơ.
Nhiều khi đi làm cuối tuần về, vợ chồng tôi cũng đóng chặt cửa bếp để tránh làm phiền hàng xóm, bật quạt thổi khí để nấu một nồi mắm kho quê nhà.
Nồi mắm kho xứ người cũng đầy đủ tôm, thịt, cà, rau, bún trắng… Nguyên liệu quan trọng nhất là mắm thì "chính hiệu Sài Gòn" do bà con bên nhà đóng gói kín và đưa sang. Cá thì đành dùng cá đông lạnh vậy vì xứ người làm gì có mương rạch, ruộng nước mà "tắm mưa bắt cá tươi" như thuở xưa nữa.
Ăn cũng ngon và đã thèm. Và hai vợ chồng già lại nhung nhớ quá khứ. Bà xã tôi nói rằng bà nấu nồi mắm kho bằng hoài niệm tuổi thơ quê nhà.