TTO - Trong mắt nhiều người, hướng dẫn viên (HDV) du lịch có thể là một nghề được xem là “sung sướng, có cơ hội đi khắp nơi, ở khách sạn sang, tiếp xúc nhiều người”.
Phan Phương Nam (bìa phải) - có quá trình làm việc trong ngành du lịch tại Nhật Bản 4 năm qua - cho biết điều làm cô say mê theo nghề là "được đi đó đi đây ngắm nhiều cảnh đẹp, đồng thời góp phần giúp người VN và Nhật Bản hiểu biết lẫn nhau thông qua các chuyến du lịch của họ" - Ảnh: TRUNG NGHĨA
Nguyễn Hoa - một hướng dẫn viên tự do chuyên phụ trách các tour cho học sinh tại Hà Nội - thừa nhận đặc thù của nghề là "vào những ngày lễ tết, khi hầu hết mọi người được nghỉ thì người làm trong ngành du lịch phải làm việc hết công suất".
Trên thực tế, chỉ người trong nghề mới thấu hiểu nỗi vất vả và cô đơn của nghề.
8-3 của các nữ HDV
Ngày 8-3, trong khi những cô gái khác được các cánh mày râu đưa đi ăn, đi chơi, nhận quà... thì nhiều nữ hướng dẫn viên (HDV) du lịch vẫn làm việc, rong ruổi trên những chặng đường cùng đoàn khách của mình. Họ vẫn đang mải mê thuyết trình tại một điểm du lịch nào đó.
Phương Oanh, HDV chạy các tour đi Thái Lan ở Hà Nội, cho biết đã có lúc cô ước những ngày kỷ niệm như ngày 8-3, 20-10 hay 14-2 "không tồn tại" để không còn cảm giác cô đơn. "Cùng là phái nữ mà ngày 8-3 người được chồng, bạn trai đưa đi du lịch, mua sắm, tặng quà, còn mình thì tủi thân", Phương Oanh tâm sự.
Thế là có những nữ HDV lại sẵn lòng nhận dẫn đoàn khách đi tour như một cách… trốn tránh ngày 8-3.
"Vì nhiều lý do mà mấy chị có gia đình ở công ty thường nhờ những HDV chưa có bạn trai đi tour thay. Em ở nhà cũng không biết làm gì vào ngày này nên cũng vui vẻ nhận dẫn đoàn khách đi du lịch" - Thu Yến (27 tuổi, quê Vĩnh Phúc), vui vẻ cho biết.
Trong khi đó, HDV Thu Thảo (quê ở Ba Vì, Hà Tây) cho biết "khá ngại đi tour ngày lễ". Lý do là vào các dịp lễ lượng khách đi du lịch đông nên áp lực về công việc cũng lớn hơn ngày bình thường.
Dẫn khách vào dịp lễ khiến HDV khá lo lắng dù họ có những kỹ năng cần thiết để đáp ứng mọi tình huống. Vì bởi họ phải đối mặt với 1.001 khả năng "vỡ tour": tắc đường, cáp treo đông, nhà hàng kín chỗ, lịch trình không đảm bảo được thời gian…
"Gặp đoàn khách nào thông cảm thì còn đỡ tủi. Nhưng cũng không ít lần chúng tôi bị khách tỏ thái độ khó chịu về những rắc rối phát sinh đó, thậm chí mắng thẳng", Nguyễn Hoa cho biết.
Niềm vui an ủi
Tuy nhiên, không phải lúc nào các nữ HDV cũng buồn. "Những cô gái khác thì hạnh phúc khi nhận quà, đi chơi ngày 8-3 còn mình thì tận hưởng không khí vui vẻ của chuyến đi. Từ đó, cảm giác cô đơn, chạnh lòng cũng nhanh chóng trôi qua", HDV Thu Thảo bộc bạch.
Trịnh Liên - nữ HDV ở Nam Định - chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ của mình khi làm việc trong ngày 8-3 năm ngoái. "Mấy nữ HDV trong đoàn đều được khách du lịch chúc mừng. Suốt chuyến đi tụi mình hầu như không phải thuyết trình nhiều vì các cô chú trong đoàn yêu cầu HDV… ngồi im lắng nghe họ hát chúc mừng ngày của phụ nữ!".
Các nữ HDV đều thừa nhận tính chất công việc đi lại nhiều, chịu nhiều áp lực khiến nhiều cô gái muốn bỏ việc, tìm một công việc khác an nhàn hơn.
Dù vậy, với một số bạn nữ, tình yêu với nghề đã níu họ lại. Các cô vẫn luôn giữ nụ cười trên môi, cố gắng chia sẻ những thông tin bổ ích về điểm du lịch cho khách, làm hài lòng những "thượng đế" của mình.
"Với các HDV thì dù là ngày quốc tế phụ nữ hay ngày thường thì công việc vẫn cần hoàn thành tốt đẹp. Khách có một kỳ nghỉ vui vẻ và thoải mái thì đó chính là món quà đẹp nhất trong ngày 8-3 với chúng tôi rồi", HDV Trịnh Liên trải lòng.