TTO - Kỳ vọng để mỗi người dân thành phố Hồ Chí Minh trở thành một hướng dẫn viên du lịch không dễ thực hiện, nhưng triển khai ngay từ bây giờ để có thể dần dà sẽ thành hiện thực.
Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn tiếp nhận sáng kiến phát triển du lịch TP.HCM
Du khách đến với TP. HCM, ngoài nhu cầu tham quan các điểm du lịch, thưởng thức ẩm thực, văn hóa, nhu cầu tìm hiểu về đời sống người Sài Gòn cũng rất cao.
Thực tế, người gốc Sài Gòn không chiếm phần đông, nhưng người dân sống và yêu thành phố này cũng khá nhiều. Hình thức du lịch Homestay (sống chung với người dân) không còn xa lạ, nhưng chưa phù hợp lắm với đặc thù cuộc sống hiện nay tại Sài Gòn.
Thử tưởng tượng rằng, khi mỗi quận, mỗi phường có một khu phố du lịch. Có lẽ du khách sẽ vô cùng bất ngờ khi vô tình bước vào một con hẻm nhỏ đâu đó rồi có một cụ ông hay cụ bà ra niềm nở chào đón rồi dẫn vị du khách đó thăm con hẻm mà họ gắn bó.
Mỗi người dân TP.HCM đều là một hướng dẫn viên du lịch (ảnh chụp tại nhà thờ Đức Bà, TP.HCM) - Ảnh: Xuân Hùng
Câu chuyện của người dân không quá xa vời hay mang tầm lịch sử mà đơn giản chỉ là cuộc sống hàng ngày của người dân ở đây. Câu chuyện bà cụ bán hàng nước đầu hẻm, câu chuyện văn hóa thờ cúng, hay một bữa giỗ gia tiên... để du khách hiểu hơn từ cuộc sống ấy.
Hiện nay có khá nhiều con hẻm trở nên nổi tiếng bởi ẩm thực, hay nét đặc thù nào đó đậm văn hóa Sài Gòn và được chính người dân sống nơi đây làm hướng dẫn viên thì thú vị biết mấy.
Hãy tưởng tượng hơn nữa, khi du khách đặt chân vào bất cứ con hẻm nào của thành phố Sài Gòn này đều cảm thấy thân thiện, được chào đón, được thưởng thức một bữa cơm Việt ấm áp. Và dần dần, người dân trở nên quen thuộc với mô hình này, tự ắc khu phố sẽ trở nên bình thường với những hình ảnh đó.
Người Sài Gòn xưa và nay vốn đã thân thiện và mến khách, hãy mang cái mến khách đó mở lòng với du khách, biết đâu chúng ta sẽ có những người bạn phương xa. Dẫu biết rằng về quản lý không đơn giản nhưng nếu tự người dân ý thức được việc làm du lịch và có nguồn thu tương đối thì họ sẽ tự quản lý được.
Không riêng gì du khách nước ngoài mà ngay chính người Việt đến với Sài Gòn, họ cũng có nhu cầu tìm hiểu đời sống của người dân nơi đây. Đây là cơ hội để người dân tự kết nối tạo mối quan hệ với nhau trên chính đất nước mình.
Trong mắt du khách sau những ngày nghỉ ngắn tại Sài Gòn vẫn có điều gì đó xa lạ và nuối tiếc khi chưa hiểu hết vùng đất này và vẫn thấy nó tấp nập.
Nhưng nếu để họ có thời gian và nơi để tìm hiểu góc nhỏ Sài Gòn thì sự vương vấn và muốn trở lại là đương nhiên.
Để có được điều đó, chỉ chính người dân thành phố mới làm được.
Quay lại với Sài Gòn, nếu các nhân viên khách sạn cũng niềm nở hỏi khách và chỉ tận tường cho họ biết đường đi, giá cả để họ khám phá thì tuyệt vời. Có thể những nơi đó không phải là địa điểm nỗi tiếng, chỉ đơn giản là con đường, ngõ hẻm có đặc thù thú vị để du khách trải ngiệm là tuyệt vời. Tôi mong rằng, mỗi người dân thành phố sẽ là một hướng dẫn viên tuyệt vời để níu chân du khách ở lại với chúng ta và họ sẽ trở lại.
Lê Thạch
Một câu chuyện khiến tôi nhớ mãi. Khi Bạc Liêu đăng cai tổ chức Festivan Đờn Ca Tài Tử năm 2014, tôi đã tự đi xe máy xuống để tham dự.
Đến ngã tư không có đèn đỏ, tôi suýt va chạm vào một anh đi xe máy ngược chiều. Cả hai đều dừng lại, tôi thật bất ngời khi nghe anh nói: "Anh là khách nên tôi nhường, xin lỗi anh vì đã làm phiền". Chính câu nói đó đã khiến tôi yêu thành phố Bạc Liêu hơn.
Cũng ở Bạc Liêu, tôi thấy từ cô bán cháo vỉa hè, cho đến nhà hàng, ai cũng thân thiện hỏi "Anh đã thưởng thức 10 món ngon Bạc Liêu chưa?".
Lúc đầu tôi nghĩ họ cố tình để giới thiệu cho nhau, nhưng không! Đó là cách họ quảng bá. Cô phục vụ nhẹ nhàng nói: "Anh đến Bạc Liêu mà không ăn lẩu Cô Bảy, cafe Công Tử Bạc Liêu, bún cây Cầu Quay... thì quá tiếc".
Chính câu chào của cô phục vụ khiến tôi tò mò và nán lại thưởng thức. Đúng là ngon mà rẻ thật!
Từ ngày 19-3 đến 1-4, Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn trực tuyến trên chuyên trang Du lịch nhằm tiếp nhận các sáng kiến, góp ý, kiến nghị phát triển ngành du lịch TP.HCM trong mối quan hệ kết nối du lịch vùng.
Mọi sáng kiến xin vui lòng gửi về một trong hai địa chỉ sau:
- Email: diendandulich@tuoitre.com.vn
- Chị Bông Mai - Phòng TT-SK, Tòa soạn Báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.