“Thưa thầy! Theo thầy, ngày ta sinh ra đời và ngày ta chết đi, ngày nào quan trọng nhất?”
Tác giả tại Tu viện Drepung (Ấn Độ)
Một ngày trong chuyến đi hành hương ở Ấn Độ, tôi lênh đênh trên con thuyền gỗ đi dọc sông Hằng trong tiết trời lạnh giá. Ngồi cạnh một vị tu sĩ, tôi hỏi ông câu hỏi trên.
"Hơn ai hết, chính chúng ta đang nắm giữ sự bình an của mình. Đôi lúc, có thể sự bình an của mình bị xáo động bởi người khác. Song nếu tâm trí vững vàng và niềm tin tốt đẹp về cuộc sống, thì cuộc sống của mình sẽ ngay ngắn nề nếp trở lại thôi. Chỉ mất một khoảng lặng nhẹ để tỉnh dậy và thấy rằng, tôi sẽ ổn và bạn cũng thế!
DƯƠNG DIỄM MY
Ngày quan trọng nhất
Vị thầy nhìn ra xa, nơi chân trời mờ mịt có đàn chim sếu trắng đang sải cánh từng đàn lớn. Chiếc thuyền nhỏ của chúng tôi vẫn trôi nhẹ trên sông Hằng. Mặc kệ lớp sương mù dày đặc của buổi tinh mơ, con thuyền vẫn rẽ sóng. Xung quanh là những đàn chim trắng bay lượn.
Thế rồi thầy mỉm cười, ra bộ câu hỏi chi mà "nhạt nhẽo quá" của cô gái nhỏ này.
"Thưa Thầy! Hay là ngày chúng ta có được một cột mốc quan trọng nhất trong đời mình thì đó sẽ là ngày quan trọng nhất. Ví dụ như ngày thầy xuất gia ấy" - tôi hỏi tiếp.
Vị tu sĩ vẫn lần tràng hạt bồ đề, từ tốn kéo lại chiếc khoác cà sa màu đỏ sẫm và nhìn tôi rất khiêm tốn:
"Thầy nghĩ ngày quan trọng nhất chính là ngày hôm nay. Ngày sinh ra đã thành quá khứ rồi. Ngày chết thì vô thường, đến nỗi có thể là ngày mai. Còn hôm nay, con và thầy có thể đang hiện hữu rõ nhất, nên thầy nghĩ là hôm nay thôi!".
Nói đoạn, thầy lại xoè tay văng ra một mớ bánh lạc cho đàn chim ăn bánh.
Trên sông Hằng
Bình thản
Câu trả lời của người tu hành cao niên mà tôi nhận được trên sông Hằng đơn giản đến độ tôi hay bạn đã biết từ lâu, "cũ rích" thế, nhưng chúng ta có quan tâm hay không? Có để nó vào hành động và cuộc sống hay không?
Từ đây, tôi nghĩ về sự buông bỏ trong cuộc sống.
Khi buông bỏ được chấp nhận, con người sẽ trở nên bình thản vô cùng. Đây là trạng thái siêu việt ngôn ngữ mà tôi không thể viết được đó là gì.
Nhưng khoan vội hiểu rằng, buông là mặc kệ, là không cố gắng, là thờ ơ với mọi thứ. Không phải như thế! Buông là một loại trí tuệ. Buông là một loại cảm xúc thản nhiên, không phải là vứt bỏ hay bỏ cuộc.
Bản chất của hai chữ này không giống nhau, kết quả cũng khác nhau. Chọn "buông bỏ" hay "từ bỏ" là cách bạn quyết định cuộc đời mình hạnh phúc hay bất hạnh.
Du khách đi thuyền trên sông Hằng
Viết ra cũng là cách nhắc nhở bản thân, kỷ luật chính mình. Nói ra để lan toả cũng là một dạng truyền tải tốt. Dù đi du lịch hay đang ở nhà, tôi cố gắng tâm niệm và duy trì hằng ngày những điều thiện lành như:
1. Cho đi là nhận lại
2. Cư xử tử tế và nói lời ái ngữ
3. Nhìn thấy điều hay và tin vào điều tốt
4. Cố gắng, cố gắng và cố gắng không bám/chấp lỗi lầm của người khác cũng như học tha thứ.
Bao nhiêu đó thôi cũng rất nhiều và rất khó rồi. Nhưng cứ thử cùng cố gắng. Nhìn thấy cái gì bất ổn thì nhận diện và mạnh dạn sửa đổi, dũng cảm buông bỏ.
Nếu một ngày dài sắp trôi qua, chúng ta cần có một đêm thật ngon giấc và xin bỏ hết mọi muộn phiền.