TTO - “Muốn khám phá nhiều nền văn hóa, có thêm những người bạn và thích nói chuyện với mọi người, nên 90% số đêm lưu trú tôi đều chọn ở phòng dorm - phòng ngủ tập thể có giường tầng kiểu ký túc xá”.
Không gian chung ở phòng ngủ dorm được thiết kế trong một chiếc container ở Đà Nẵng - Ảnh: TR.TRUNG
Anh Jeremy Smith, du khách đến từ Mỹ, giải thích lý do "ngả lưng" ở phòng dorm khi tới Đà Nẵng. Không riêng gì vị du khách Mỹ này, nhiều du khách trẻ trong nước và nước ngoài khi đến Đà Nẵng cũng chọn ngủ ở dorm, loại hình xuất hiện ngày càng nhiều tại thành phố biển này những năm gần đây.
Lượng khách đến với Đà Nẵng gấp 5-6 lần số dân 1 triệu của thành phố, nên các cơ sở lưu trú đua nhau mọc lên, trong đó có loại hình nhà nghỉ thiết kế phòng dorm.
Rẻ nhưng tiện nghi
Ghé Đà Nẵng 5 ngày trong hành trình xuyên Việt, Jeremy Smith chọn lưu trú ở một nhà nghỉ được thiết kế từ những thùng container dưới chân núi Sơn Trà. Anh chọn phòng dorm có 4 giường tầng, ở cùng 7 người không quen biết.
Giá chỉ 120.000 đồng/ngày/người nhưng căn phòng được thiết kế đẹp mắt, không cho người ta cảm giác đang ngủ trong "hộp" khô cứng.
Hai mặt kính lớn được lắp để người sử dụng ở có cảm giác gần với thiên nhiên, ngoài ra còn có các tiện ích khác như máy lạnh, tivi...
Với giá "rẻ rề" này, Jeremy còn được thuê xe đạp và có bữa sáng miễn phí, sử dụng nhà bếp và máy giặt tùy thích.
"Tôi là dân đi "bụi" chuyên nghiệp nên chuyện đi quan trọng hơn chuyện ngủ nghỉ. Muốn đi nhiều phải có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Tôi chọn những phòng dorm vì giá vừa rẻ, vừa có thể sử dụng miễn phí các dịch vụ kèm theo, vui hơn nữa là có không gian mở để bắt chuyện cùng bạn bè khắp nơi" - chàng trai 27 tuổi này giải thích.
Đã đi qua 9/12 vùng đất dự định ban đầu, Jeremy cho biết chỉ những khi quá mệt mỏi, cần không gian "dưỡng thương" lấy sức cho hành trình đi tiếp, anh mới bấm bụng bỏ tiền chọn phòng riêng. Còn lại đa số nơi nghỉ chân đều được anh chọn trực tiếp trên các trang mạng chuyên đặt phòng.
Tại nhà nghỉ C-Hostel (đường Thích Thiện Chiếu, quận Sơn Trà), không gian được chia đều để bố trí phòng ngủ chung và sân vườn rất rộng để sinh hoạt cộng đồng. Tại đây có bố trí cả lò nướng, quầy pha chế, bàn bida... để du khách có thể tự trổ tài.
Anh Nguyễn Thành Công, chủ nhà nghỉ C-Hostel, cho biết khách ở đây đa số là giới trẻ đi du lịch theo kiểu "Tây balô".
Khi làm nên những phòng nghỉ ở đây, anh Công hướng tới đối tượng thích khám phá và giao lưu trò chuyện với thế giới nên đã bố trí rất nhiều tiện ích chung như không gian sách, tranh ảnh người nổi tiếng, đồ cổ...
"Hầu hết bạn trẻ ở đây đều quan niệm muốn tiết kiệm tối đa chi phí ngủ nghỉ để đi thêm được nhiều nơi. Tuy vậy, họ cũng yêu cầu rất cao các tiêu chí như chăn drap sạch sẽ, nhân viên giao tiếp thân thiện, có các không gian sinh hoạt chung để nói chuyện" - anh Công giải thích.
Đông khách nhờ gần gũi với thiên nhiên
Vì hướng tới đối tượng là dân du lịch "bụi" nên các nhà nghỉ dorm không cần ở vị trí trung tâm, mà chủ yếu ở những không gian thoáng đãng, vị trí thuận lợi như gần nhà ga, không gian thiên nhiên như sông, hồ, núi...
Tại Đà Nẵng, với giá chỉ 120.000-180.000 đồng/người/đêm, du khách thỏa sức lựa chọn các nhà nghỉ ngủ dorm được thiết kế nhiều màu sắc phù hợp với những người trẻ tuổi.
Đa số nhà nghỉ này đều là những không gian mới, được thiết kế màu mè nhưng thân thiện với môi trường. Một số nhà nghỉ được thiết kế lạ như nhà tranh tre, nhà cổ, nhà gạch nung không tô, container... Ngoài vẻ đẹp bên ngoài, tiện nghi bên trong còn phải cho thấy sự thân thiện, ấm cúng để du khách có thể thoải mái giao lưu.
Chị Huyền Trân, chủ một nhà nghỉ dorm chuyên về sách, nói đa số người "đi bụi" đều là người rất... cá tính và quậy phá. Họ thích trò chuyện và vận động liên tục, nên nhà nghỉ phải có điểm nhấn ấn tượng gì đó để họ có điểm chung bắt chuyện với nhau.
Ưu điểm trước tiên phải là rẻ, nhưng muốn họ thích thú và "gắn sao" trên các trang "booking" thì phải có cái gì đó thú vị và mới lạ. Không gian chung là sách để họ thư giãn đầu óc và có điểm chung trò chuyện.
"Khách ở dorm rất lạ, ban đầu tôi có bố trí những phòng dành riêng theo giới tính, nhưng sau phải thay đổi vì nhiều khách thích ở lộn xộn để làm quen, trò chuyện giao lưu văn hóa" - chị Trân phân tích. Cũng theo chị Trân, vì không gian sinh hoạt chung nên khách dorm rất chú ý tới khâu bảo quản tư trang, đồ đạc cá nhân suốt thời gian lưu trú.
Cũng có phòng dorm được bố trí những giường ngủ kiểu con nhộng, lúc nào cũng đầy khách đặt trước. Những chiếc hộp "con nhộng" này được bài trí hiện đại và nhiều tiện ích hơn rất nhiều, vừa rộng rãi lại có két an toàn ngay chỗ ngủ và tủ đồ tiện lợi bên trong.
Dù ở chung phòng nhưng nếu muốn, người dùng có thể ngay lập tức có một chỗ ngủ riêng thoải mái mà chẳng còn mối lo mất đồ và ồn ào khi đóng chiếc hộp con nhộng này lại.
"Đây là mô hình "sống chung cũng như ở riêng" chúng tôi học từ Nhật Bản, dù ở chung phòng nhưng khi cần không gian riêng là có thể "đóng kén". Tôi chọn những lễ tân là sinh viên vì họ rất trẻ, sành tiếng Anh và lúc nào cũng có năng lượng trong người như những vị khách đến đây" - quản lý phòng dorm có giường kiểu con nhộng nói.
Phòng ngủ dorm được thiết kế kiểu “con nhộng” với nhiều màu sắc và thân thiện với môi trường - Ảnh: N.C.
Ngủ dorm là gì?
Ngủ dorm (viết tắt của từ dormitory) là hình thức nghỉ ngơi tập thể trong phòng được bố trí giường tầng, kiểu ở ký túc xá. Ưu điểm của hình thức này là giá rẻ, tạo môi trường thuận tiện để giao lưu.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của loại hình phòng nghỉ này là sự riêng tư; khó khăn trong bảo quản đồ đạc cá nhân; không có phục vụ phòng; không có nhiều dịch vụ bổ sung; dễ xảy ra mâu thuẫn do bất đồng quan điểm, văn hóa, lối sống...