Du lịch

Ăn trưa Đà Lạt, ăn xế Bangkok

TTO - Khi mở đường bay Bangkok (Thái Lan) – Đà Lạt, những người làm du lịch của Thái Lan và Việt Nam nhận định rằng thị trường du lịch của cả hai nước sẽ sẽ sôi động, phát huy lợi thế đặc thù hai vùng.

Ăn trưa Đà Lạt, ăn xế Bangkok - Ảnh 1.

Chợ nổi Amphawa (cách Bangkok khoảng 80 km) là nơi nhiều du khách nước ngoài đến tham quan - Ảnh: L.SƠN

Đường bay này khai thác thử nghiệm cuối năm 2017, đến nay tổng số chuyến đi và đến Đà Lạt đạt 5 chuyến/tuần. Với lịch bay dày và giờ cất hạ cánh tập trung trong một buổi nên du khách dễ dàng trải nghiệm ăn trưa kiểu Việt trong cái lạnh ở Đà Lạt và ăn xế kiểu Thái ở Bangkok.

Khác lãnh thổ, chung thị trường

Tại hội thảo Khai thác đường bay Đà Lạt – Bangkok vừa được tổ chức giữa tháng 5-2018, các công ty du lịch Thái Lan cho rằng du lịch của cả hai thành phố có nhiều nét tương đồng về văn hóa địa phương nhưng có những điểm riêng quyết định thu hút du khách 2 thành phố qua lại và sử dụng sản phẩm du lịch của nhau.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho rằng sự gần gũi văn hóa Đông Á khiến du khách hai nước nói chung và hai thành phố nói riêng không có cảm giác bỡ ngỡ, xa lạ, ngại đi – sợ đi. Khi đường bay Đà Lạt – Bangkok đi vào khai thác thì du khách đến từ hai thành phố qua lại như thể đang đi du lịch trong nước. 

Ăn trưa Đà Lạt, ăn xế Bangkok - Ảnh 2.

Doanh nghiệp du lịch thường xuyên có các cuộc gặp trực tiếp nhằm kết nối đẩy mạnh hợp tác phát triển sản phẩm du lịch Vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên với Bangkok - Ảnh: L.Sơn

Bà Ngọc nhận định thêm, thủ đô Bangkok có những trung tâm mua sắm lớn và có những công trình tâm linh đủ sức hấp dẫn với người Việt Nam. Còn sự hiền hòa của con người, khí hậu ôn đới, phong cảnh đẹp của Đà Lạt có sức hấp dẫn mạnh mẽ với khách du lịch từ Thái Lan có khí hậu nhiệt đới. Đà Lạt còn là điểm đến của du lịch canh nông và mạo hiểm. 

 "Khi mở đường bay Đà Lạt – Bangkok, nhiều người cho rằng khách Việt Nam đi Thái Lan nhiều hơn khách đến theo chiều ngược lại. Thực tế thì khách đến Đà Lạt nhiều hơn, chính quyền hai bên đang nỗ lực xúc tiến để lượng khách du lịch phát triển theo hướng cân bằng, tạo lợi ích cho cả hai thị trường du lịch trọng điểm của hai quốc gia Việt Nam và Thái Lan" - bà Ngọc chia sẻ

Ăn trưa Đà Lạt, ăn xế Bangkok - Ảnh 3.

Du khách Thái Lan ăn tối tại chợ đêm Đà Lạt - Ảnh: Mai Vinh

Đại diện Công ty du lịch Thử Thách Việt (Đà Lạt) cho biết đối với người Việt Nam hay người Đà Lạt, du lịch Thái Lan là sản phẩm du lịch quen thuộc, tần suất người Việt quay lại Thái Lan rất cao. Ngược lại, thị trường Đà Lạt hay Việt Nam nói chung còn rất mới với du khách Thái Lan. Khi có ấn tượng tốt thì du khách không chỉ dừng chân ở Đà Lạt mà sẽ từ Đà Lạt đi khắp vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, nơi đang có hạ tầng du lịch tốt.

Cũng tại chương trình xúc tiến khai thác đường bay Đà Lạt – Bangkok, đại diện các công ty lữ hành Thái Lan đề xuất hợp tác với các công ty Việt Nam khai thác du lịch theo hướng hai quốc gia chung một thị trường. Theo đó, các đối tác Việt Nam sẽ triển khai các kế hoạch, tour tuyến để đón khách Thái Lan tại Đà Lạt. Việc tìm kiếm khách Thái Lan sẽ do đối tác Thái Lan am hiểu thị trường tính toán và ngược lại. 

Ăn trưa Đà Lạt, ăn xế Bangkok - Ảnh 4.

Du khách Việt tham quan chợ nổi tại Thái Lan - Ảnh: L.Sơn

Phương án khai thác thị trường chung, chia sẻ lợi nhuận đã được đại diện các công ty du lịch thống nhất và hẹn sẽ có những ký kết chính thức trong chuyến đi xúc tiến du lịch chính thức giữa Đà Lạt – Bangkok vào tháng 8-2018.

Đường bay kết nối vùng

Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết khi mở đường bay thử nghiệm, tỉnh Lâm Đồng đã thể hiện quyết tâm cùng đơn vị khai thác là Liên doanh hàng không Thai – Vietjet Air phát triển đường bay này thành đường bay quốc tế trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng. Sau một thời gian khai thác, các bên đã đánh giá đây là đường bay không chỉ kết nối 2 thành phố kinh tế - du lịch với nhau mà là đường bay kết nối vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên với Thái Lan.

 "Các tính toán bước đầu cho thấy đường bay Đà Lạt – Bangkok là đường bay hiệu quả, lượng khách trên mỗi chuyến bay đi và đến đạt hơn 61%, dự kiến tháng 10 - 2019 mỗi tuần sẽ có 7 chuyến bay Đà Lạt – Bangkok". Đây là tuần suất bay tương đương với những đường bay quốc nội đến Đà Lạt đang hoạt động tốt. Theo ông Phạm S, tần suất bay này đánh giá được mức độ phát triển giao thương quốc tế ở 2 thành phố của hai nước trong khu vực.

Ăn trưa Đà Lạt, ăn xế Bangkok - Ảnh 5.

Hải sản được bán tại các chợ nổi ở Thái Lan hấp dẫn với du khách Việt Nam và nhiều nước khác - Ảnh: L.SƠN

Để đẩy mạnh vài trò kết nối vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên với Bangkok, ông Lương Trường An, Phó Tổng Giám đốc Liên doanh Thái – VietJet Air đề nghị nâng cấp sân bay Liên Khương (Đức Trọng, Lâm Đồng) thành sân bay quốc tế. Ông An cho rằng đến thời điểm này vẫn chưa nâng cấp sân bay Liên Khương thành sân bay quốc tế khiến việc phát triển vận tải, du lịch của Đà Lạt - Lâm Đồng bị chậm lại, việc đưa khách quốc tế đến Đà Lạt khó khăn hơn. Hãng tổ chức các chuyến bay quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xin cấp phép các chuyến bay quốc tế đến một sân bay quốc nội. 

Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết tỉnh đã 2 lần đề xuất được nâng cấp sân bay Liên Khương thành sân bay quốc tế để thuận lợi mở các đường bay trực tiếp đến Đà Lạt, tạo thuận lời cho phát triển du lịch và kinh tế Đà Lạt – Lâm Đồng. Cuối tháng 5-2018, tỉnh sẽ tiếp tục đề xuất để trong năm 2018, sân bay Liên Khương được nâng chuẩn thành sân bay quốc tế.

Ăn trưa Đà Lạt, ăn xế Bangkok - Ảnh 6.

Đường bay Bangkok – Đà Lạt với tần suất 5 chuyến/tuần do Liên doanh Thai – Vietjet Air khai thác giúp du khách khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên đi Thái Lan dễ dàng hơn đồng thời mở ra cơ hội phát triển du lịch cho cả vùng - Ảnh: L.SƠN.

Việc nâng cấp Sân bay Liên Khương (Đà Lạt) thành sân bay quốc tế cũng là một trong những ý kiến của Tổng cục du lịch Thái Lan trong góp ý với tỉnh Lâm Đồng về nâng cấp hạ tầng du lịch của địa phương và kiểm soát chặt chẽ các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, an toàn ở các khu điểm du lịch. Theo Tổng cục du lịch Thái Lan, đường bay Bangkok – Đà Lạt đã mở ra cho Đà Lạt thêm một chức năng ngoài là điểm đến còn là điểm trung chuyển du khách trong khu vực đi Thái Lan và một số quốc gia khác.

 Ở khía cạnh kinh tế, thời gian lưu trú, sử dụng dịch vụ của du khách tại Đà Lạt sẽ tăng lên. Do đó, tỉnh Lâm Đồng cần có những định hướng phát triển hạ tầng và dịch vụ du lịch tương xứng. Theo bản đồ phân bố sân bay, mạng lưới đường bay, Đà Lạt và Nha Trang đang trở thành hai cánh cửa lớn để du khách và người dân ra nước ngoài bằng đường hàng không

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,405,206       47/1,130