Giáo dục

Nam sinh thức đến 3 giờ sáng học bài mong cải cách giáo dục

Liên tục phải thức đêm, học đến 2-3 giờ sáng để hoàn thành bài tập, luyện thi các cấp, Ninh mong muốn ngành giáo dục có những cải cách phù hợp.

Chia sẻ với chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục", tác giả Nguyễn Văn Ninh (22 tuổi, ngụ ở Nghệ An) cho biết đã phải chịu nhiều áp lực trong chuyện học hành. Ở cấp 1, cấp 2, nam sinh phải học để có thành tích tốt. Lên cấp 3, chuyện học hành càng căng thẳng hơn nhằm chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Việc thức đêm học đến sáng là chuyện bình thường. Nhiều lúc, đến các kỳ thi học kỳ, nam sinh này gần như không dám ngủ vì bận "cày" bài vở.

Từ câu chuyện của chính mình, Ninh cho rằng, chương trình giáo dục hiện nay còn đặt nặng thành tích, các kỳ thi phức tạp khiến học sinh, sinh viên chịu nhiều áp lực. Ninh mong muốn ngành giáo dục sẽ có những cải cách, đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn.

Tương tự, Võ Thành Nguyên (học sinh lớp 10, trường THPT Bình Sơn, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng kể những nỗi vất vả trong việc chạy đua theo điểm số. Với suy nghĩ của cậu học trò này, cải cách giáo dục trước hết phải thay đổi cách nhìn về điểm số, thành tích học tập.

Còn thầy giáo Lê Văn Cường (sinh năm 1984, ngụ tại Yên Bái) lại gửi về cuộc thi một công trình dạy Lịch sử khá đặc biệt. Với mong muốn các em dễ nắm bắt kiến thức, không chán môn học vốn có nhiều số liệu, anh đã tự sáng tác 3.456 câu thơ lục bát để khái quát toàn bộ kiến thức môn Lịch sử thế giới.

Tham gia cuộc thi, thầy giáo Cường hy vọng công trình của mình sẽ được phổ biến như một tài liệu tham khảo cho học sinh, giáo viên và những người quan tâm, đặc biệt là ứng dụng vào việc dạy và học Lịch sử.

polyad

Cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" là nơi để các bạn đề xuất, tìm ra giải pháp trong việc đổi mới giáo dục.

Sau hơn một tháng phát động, cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" đã nhận hàng chục bài dự thi từ khắp các tỉnh thành như Nghệ An, Yên Bái, Cần Thơ, Thanh Hóa, TP HCM... Các tác giả đều dưới 35 tuổi, nhưng đã đầu tư nhiều tâm huyết cho bài dự thi, với mong muốn các chuyên gia trong ngành giáo dục lắng nghe và cùng tìm hướng cải cách.

Cuộc thi do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và báo Tuổi Trẻ thực hiện, nhằm tìm ra các công trình, sáng kiến mới thuộc lĩnh vực giáo dục như phương pháp dạy học, sáng chế dụng cụ học tập hoặc công trình nghiên cứu giáo dục. Thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 30/9.

Ban tổ chức sẽ dựa trên tiêu chí về tính khả thi và sự mới mẻ, sáng tạo để chấm giải. Trong khoảng 12-15 công trình lọt vào vòng chung kết có tối đa 5 công trình tiêu biểu được trao giải 100 triệu đồng cho mỗi công trình. Các công trình còn lại sẽ được trao giải thưởng trị giá 10 triệu đồng mỗi công trình.

Để tham gia các cá nhân, nhóm tác giả gửi bản thuyết minh (hoặc hiện vật) công trình, sáng kiến qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho Ban tổ chức tại địa chỉ: Ban Thanh niên trường học, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 64 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đồng thời gửi bản mềm (file .pdf, .docx, .doc, .pptx, .ppt hoặc các file thiết kế sản phẩm) tới địa chỉ email: trithuctrevigiaoduc@gmail.com. Điện thoại liên hệ: 04.6263.1852. Hoặc gửi tới Ban Thanh niên, báo Tuổi Trẻ, 60A, Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM. Điện thoại: 08.3997.3838.

Hồ sơ ghi rõ: họ và tên tác giả, đồng tác giả, nhóm tác giả; tên công trình, sáng kiến; cơ quan (đơn vị); địa chỉ; điện thoại của tác giả, tập thể tác giả khi cần liên lạc; ngày, tháng, năm sáng tạo. Ban tổ chức không gửi lại cơ quan, đơn vị, tác giả, nhóm tác giả những hồ sơ phạm quy, gửi không đúng quy trình. Xem thêm thông tin chi tiết cuộc thi tại website.

N.Loan

VNExpress

Nam sinh thức đến 3 giờ sáng học bài mong cải cách giáo dục - VnExpress


© 2021 FAP
  1,123,286       5/1,133