Giáo dục

Nữ sinh Sư phạm làm thơ về phi công hy sinh lay động cộng đồng

"Anh Khải về rồi, anh ấy bảo: Mấy hôm/ Trời biển động, anh em tìm vất vả/ Thương đồng đội trên CASA mệt lả/ Giữa sóng bạc đầu, nên anh tự về thôi...", những câu thơ của nữ sinh Đại học Sư phạm viết được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.

nu-sinh-su-pham-lam-tho-ve-phi-cong-hy-sinh-lay-dong-cong-dong

Vũ Phương Trang (18 tuổi) hiện học Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Được chia sẻ nhiều trên Facebook, những bài thơ của Vũ Phương Trang (18 tuổi), sinh viên năm nhất khoa Lý luận Chính trị, Đại học Sư phạm Hà Nội, viết về người lính phi công trong vụ tai nạn kép Su-30MK2 và CASA-212 khiến nhiều người xúc động.

Nữ sinh quê Thái Bình viết bài thơ đầu tiên vào ngày 17/6, khi phi công Trần Quang Khải trên chiếc Su-30 và tổ bay 9 người trên chiếc CASA mất tích chưa được tìm thấy, trong khi lực lượng cứu hộ vớt được mảnh vỡ máy bay cùng nhiều vật dụng của phi hành đoàn. Bài thơ được viết trong 15 phút, không có tiêu đề và chia sẻ trên trang cá nhân.

"Con xin mẹ an ủi sóng đừng tràn/ Giông đừng tới, bão mưa đừng lớn/ Chỉ một chút êm đềm biển gợn/ Giúp các anh con cập bến đất liền. Một nỗi đau chưa định nghĩa được tên/ Mẹ nỡ lòng khiến con đau lần nữa/ Hai phi cơ, mười bông hoa đang nở.../ Mẹ đừng đùa... Mẹ giấu các anh đâu?", Trang viết.

Chia sẻ về tâm trạng khi viết bài thơ này, Trang cho biết, các anh, các chú đều là những tài sản quý của đất nước. Lúc đó tâm trạng em rối bời, vô cùng lo lắng, lo sợ phép màu sẽ không đến khi thời gian tìm kiếm kéo dài. Báo đài lại báo biển động, thời tiết gây khó khăn cho việc tìm kiếm, nhiều người cùng lo lắng.

Bài thơ thứ hai nữ sinh viết trong nước mắt lúc gần 1h ngày 18/6. Trước đó tối 17/6, cô nghe tin ngư dân Nghệ An phát hiện thi thể phi công Trần Quang Khải quấn trong dù, cách đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) khoảng 33 hải lý. "Chú ấy về rồi, nhưng là về với cát bụi", Trang nghẹn ngào.

"Anh Khải về rồi, các anh biết tin chưa?/ Anh còn mải kiếm tìm chi nữa/ Anh Khải về, lặng im nghe đất thở/ Ngóng các anh sao mãi chẳng về?", Trang viết. Đoạn cuối bài thơ gây xúc động cho người đọc: "Các anh về đi... Tổ quốc mình vỗ vễ/ Dạo biển khơi... Đêm lạnh... Để làm gì?/ Về đi anh... Đất nước lệ đẫm mi/ Mong các anh từng giây, từng phút đó!/ Về đi nhé, tiếng dân mình đang ngỏ/ Đây là mệnh lệnh... Các anh có nghe không?".

nu-sinh-su-pham-lam-tho-ve-phi-cong-hy-sinh-lay-dong-cong-dong-1

Đại tá phi công Trần Quang Khải trong một buổi huấn luyện tại Trung đoàn không quân 923, tháng 3/2013. Ảnh: Thanh Tùng.

Một ngày sau khi tìm thấy thi thể đại tá Khải, đơn vị và gia đình chuẩn bị làm lễ an táng cho anh. Hôm đó cũng là Ngày của cha (19/6). Hình ảnh bé Khánh Vân - con gái hơn 3 tuổi của đại tá phi công, khiến Trang xúc động và viết tiếp bài thơ thứ ba. Cô chia sẻ trong nhà có người cậu mất sớm, để lại con trai mới 4 tuổi như bé Vân. Những đứa trẻ còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang xảy ra.

"Bố Khải ơi... con hỏi bố chuyện này/ Sao bố cứ nằm im mãi thế?/ Xong chuyến bay lần nào bố cũng kể/ Sao hôm nay bố chẳng nói câu gì?/ Bố Khải ơi... Bố mở mắt ra đi.../ Bố đã ngủ mấy ngày rồi đó!/ Bố kể rằng kỷ cương quân đội khó.../ Ăn ngủ, nghỉ ngơi, phải đúng giờ mà?", Trang viết.

Cùng với bài thơ là những lời chia sẻ chân thành của cô sinh viên 18 tuổi: "Chú Khải, trước kia con không biết chú là ai và có lẽ nhiều người cũng vậy. Nhưng giờ này cả Tổ quốc hướng đến chú và đồng đội - những con người đã cống hiến cả đời cho sự bình yên của dân tộc... Em còn nhỏ, 3 tuổi vẫn còn bé bỏng lắm, làm sao hiểu được hết nỗi đau này. Hôm nay là ngày của cha, con nói yêu bố con. Bố bảo chẳng ai ở với bố mẹ mà sướng như mày, được chiều chuộng chẳng phải lo nghĩ gì, từ bé đến lớn chưa bị bố mắng câu nàoCon bỗng nhiên nghĩ đến em nhà chú...".

Khi những bài thơ được cộng đồng chia sẻ, Phương Trang nhận được nhiều tin nhắn, trong đó có cả đồng đội của phi công Trần Quang Khải và tổ bay 9 người trên chiếc CASA-212. "Nghĩ về sự hy sinh của người lính thời bình, mới thấy những vun vén, lăn tăn thường ngày, những than thở của tuổi trẻ mới bé mọn làm sao", cô nói.

Mong muốn của nữ sinh năm nhất Sư phạm là niềm thương tiếc ấy không phải chỉ là cảm xúc của mọi người dừng lại ở những giọt lệ nơi khóe mắt, tiếng nấc trên môi và sự xót thương trong lòng, mà là hiểu, trân trọng những hy sinh của người lính thời bình và của cả gia đình họ.

Xem các bài thơ:

>>Bài một
>>Bài hai

>>Bài ba

Sáng 14/6, đội hình tiêm kích Su-30MK2 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Đến 7h29, chiếc Su-30MK2 mất liên lạc cùng hai phi công là thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi) và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi). Một ngày sau, anh Cường được tàu cá của ngư dân cứu sống tại vùng biển Nghệ An.

Chiều 17/6, ngư dân Nghi Lộc (Nghệ An) phát hiện thi thể phi công Trần Quang Khải quấn trong dù, cách đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) khoảng 33 hải lý. Sáng hôm sau (18/6), anh Khải được tàu biên phòng đưa về đất liền.

Anh Trần Quang Khải, 43 tuổi, là phi công cấp 1, Phó trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371, từng được nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba. Ngày 18/6, phi công Khải được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng truy phong quân hàm từ cấp thượng tá lên đại tá.

Phương Hòa

VNExpress

Nữ sinh Sư phạm làm thơ về phi công hy sinh lay động cộng đồng - VnExpress


© 2021 FAP
  1,123,074       1/1,053