Giáo dục

Sửa đổi Thông tư khiến 'giấy khen từng mặt' xuất hiện

Các trường tránh thực hiện máy móc trong nhận xét học sinh và tùy sĩ số lớp học, vùng miền mà vận dụng linh hoạt Thông tư 30.

Thông tin từ Hội nghị trước thềm năm học mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 5/8 cho hay, cách đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 sẽ được điều chỉnh.

Theo đó, trong năm học mới, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, nhưng sẽ sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Cụ thể, Bộ Giáo dục chỉ đạo các trường tránh thực hiện máy móc việc ghi nhận xét học sinh, khuyến khích dùng hồ sơ điện tử để giảm tải cho giáo viên. 

Bộ Giáo dục cũng yêu cầu, trong quá trình thực hiện, nội dung của Thông tư 30 phải được vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của giáo viên, sĩ số lớp học, vùng miền. Các trường tiểu học đang thực hiện mô hình giáo dục VNEN thì tiếp tục duy trì, nhưng cần đánh giá, tổng kết điều chỉnh các hoạt động, bổ sung điều kiện phù hợp với địa phương để thực hiện mô hình có hiệu quả. 

Theo Bộ Giáo dục, qua 2 năm triển khai, Thông tư 30 đã đi vào cuộc sống, giúp giáo viên chuyển từ việc đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện học sinh về cả năng lực và phẩm chất; chuyển từ đánh giá kết quả, chú trọng về điểm số sang nhận xét đánh giá quá trình học tập của các em. Học sinh biết cách tự đánh giá bản thân mình và biết nhận xét góp ý cho bạn. Việc thực hiện Thông tư 30 góp phần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm lẫn chạy theo thành tích.

Song Thông tư 30 còn một số hạn chế, như: nhiều giáo viên chưa hiểu rõ bản chất dẫn đến áp dụng máy móc, sĩ số lớp học quá cao khiến giáo viên khó khăn trong đánh giá. Việc xuất hiện hàng loạt nhận xét giống nhau hay viết giấy khen từng mặt là những minh chứng cho việc áp dụng máy móc thông tư này.

sua-doi-thong-tu-khien-giay-khen-tung-mat-xuat-hien

Giấy khen từng mặt - một hình thức áp dụng máy móc Thông tư 30.

Thông tư 30 quy định bỏ chấm điểm học sinh tiểu học ra đời năm 2014. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.

Nội dung đánh giá gồm: quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh...

Phương Hòa

VNExpress

thông tư 30, sửa đổi.


© 2021 FAP
  776,543       23/638