Giáo dục

Vì sao trường đại học phải tuyển bổ sung số lượng lớn

159 trường, kể cả khối ngành quân đội phải xét tuyển bổ sung cả trăm nghìn thí sinh, là hệ quả của tỷ lệ ảo, nguồn tuyển giảm trong khi chỉ tiêu tăng.

2016 là năm thứ hai Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển sinh từ kết quả thi THPT quốc gia. Tình trạng hỗn loạn những ngày cuối xét tuyển không còn. Song ngay sau đợt xét tuyển đầu tiên (1-12/8), 159 đại học công bố xét tuyển bổ sung. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hơn một nửa số trường phải tiếp tục tuyển.

vi-sao-cac-truong-phai-xet-tuyen-bo-sung-voi-so-luong-lon

Thí sinh đợi ngày cuối cùng của đợt xét tuyển mới nộp hồ sơ tại Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: Giang Huy.

Tỷ lệ thí sinh ảo cao

Năm 2015, trong đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào một trường và được thay đổi nguyện vọng. Các trường công khai tình hình nộp hồ sơ, đưa ra điểm xét tuyển tạm thời để thí sinh căn cứ vào đó quyết định nộp, rút hồ sơ. Vì thế dù vất vả khi phải canh điểm, phải rút nộp hồ sơ, nhưng thí sinh tìm được đúng trường phù hợp với mức điểm. Hầu hết trường top trên và giữa tuyển đủ trong đợt xét tuyển đầu tiên. 

Năm nay Bộ Giáo dục cũng cho phép thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng trong đợt xét tuyển đầu tiên, song vào 2 trường và không được thay đổi nguyện vọng. Các trường không được cập nhật và công khai tình hình thí sinh đăng ký xét tuyển. Kết quả hầu hết em có điểm trên 20 trúng tuyển cả hai đại học, và tất nhiên chỉ học được một, dẫn đến tỷ lệ thí sinh ảo của các trường lên đến 50%.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, việc công khai thông tin đăng ký xét tuyển cho thí sinh biết để rút hoặc nộp hồ sơ như năm 2015 là giải pháp có lợi cho cả thí sinh lẫn nhà trường khi thí sinh biết rõ từng ngày có bao nhiêu người nộp đơn vào đâu. Song việc này buộc thí sinh phải theo dõi thông tin, gây áp lực tâm lý khiến dư luận xã hội phản ứng. Hiện tượng hỗn loạn ngày cuối là minh chứng rõ nhất. 

Vì thế năm 2016 Bộ yêu cầu các trường không được công khai số liệu đăng ký xét tuyển để tránh tình trạng như năm trước. Việc cho đăng ký tối đa 4 nguyện vọng giúp thí sinh tăng cơ hội chọn trường, chọn ngành mình mong muốn. Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh thì các trường phải chấp nhận tỷ lệ ảo.

vi-sao-cac-truong-phai-xet-tuyen-bo-sung-voi-so-luong-lon-1

Thí sinh viết bản cam kết xin rút hồ sơ khỏi Đại học Bách khoa Hà Nội để nộp vào trường quân đội. Ảnh: Phương Hòa.

Chỉ tiêu tăng, nguồn tuyển giảm

Năm 2015, số thí sinh dự thi THPT quốc gia là hơn một triệu, năm nay còn hơn 870.000 (giảm khoảng 12%). Trong đó có 519.000 em thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (chiếm 70%), số còn lại chỉ để xét tốt nghiệp.

Nhiều tỉnh thành có đến một nửa thí sinh không xét tuyển đại học, cao đẳng. Ví dụ Quảng Ninh có gần 14.500 em dự thi THPT quốc gia thì gần 8.500 chỉ để xét tốt nghiệp, cao hơn 10,9% so với năm 2015. Hà Nội cũng có khoảng 16.000 học sinh không thi đại học, cao đẳng, tăng 5.000 em so với năm ngoái.

Nguồn tuyển giảm, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường lại tăng. Theo công bố của Bộ Giáo dục ngày 25/7, tổng chỉ tiêu đào tạo đại học chính quy hệ dân sự của các trường năm 2016 là 420.300, chưa bao gồm trường thuộc ngành công an, quân đội. 

Vụ trưởng Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng đánh giá, khi thí sinh mới là người quyết định nơi học thì việc vừa phải tuyển đủ chỉ tiêu, vừa không được tuyển vượt quả là bài toán khó cho các trường. Thay vì tăng quy mô, các trường nên tập trung nâng cao chất lượng đào tạo để hút thí sinh.

Hệ quả của việc mở trường đại học tràn lan

vi-sao-cac-truong-phai-xet-tuyen-bo-sung-voi-so-luong-lon

Bảng thống kê quy mô đào tạo giáo dục, cao đẳng từ năm 2014 đến 2016. Số liệu: Bộ GD&ĐT.

Năm 2009, cả nước tuyển hơn nửa triệu sinh viên, gấp 4 lần năm 1997 và 14 lần năm 1987. Về quy mô, tổng số sinh viên cả nước năm 2009 là 1,7 triệu, trong khi năm 1997 là hơn 700.000 và năm 1987 là 130.000. Đến nay sau 7 năm, số sinh viên đã tăng lên thành 2,2 triệu.

Vài năm trở lại đây, quy mô sinh viên giảm nhưng số các trường đại học, cao đẳng tiếp tục tăng. Rất nhiều trường được nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng và từ cao đẳng lên đại học. Theo Bộ Giáo dục, năm 2014 cả nước có 214 trường đại học thì hai năm sau đã tăng lên 223, hệ cao đẳng từ 214 lên 219 trường.

Đào tạo đại học tràn lan dẫn đến hàng loạt cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Theo thống kê mới nhất từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đến hết tháng 6/2016, cả nước có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật thất nghiệp. Trong đó 191.300 người trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người trung cấp chuyên nghiệp.

Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội đánh giá, hiện Việt Nam thừa lao động ở những nhóm ngành mà thị trường không cần, như Quản trị kinh doanh, Kinh tế... Trong khi đó lại thiếu số lượng lớn kỹ sư công nghệ. "Điều đó cho thấy có độ vênh lớn giữa việc đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động”, ông Vinh nói.

vi-sao-truong-dai-hoc-phai-tuyen-bo-sung-so-luong-lon-3

Quy định xét tuyển đại học năm 2016. Đồ họa: Tiến Thành - Hoàng Thùy.

Phương Hòa

Đọc thêm:
>> Các trường quân đội thiếu hàng nghìn chỉ tiêu
>> Nhiều thí sinh đòi rút hồ sơ trúng tuyển để nộp trường quân đội

VNExpress

vì sao, trường đại học, tuyển bổ sung, số lượng lớn, xét tuyển đại học, 2006


© 2021 FAP
  1,113,402       2/1,344