Giáo dục

Nghề quản trị nhân sự cần hướng đến các chứng chỉ quốc tế

Người quản trị nhân sự giỏi cần tạo được môi trường nhiều động lực để khơi dậy tài năng trong mỗi con người, thúc đẩy tổ chức phát triển đồng thời liên tục học hỏi tri thức quốc tế, bắt kịp xu hướng hội nhập.

Bộ phận nhân sự được ví như "trái tim" của doanh nghiệp, là cầu nối với người lao động. Người quản trị nhân sự phải dung hòa nhiều yếu tố để tạo hưng phấn cho người lao động, giữ chân nhân tài và đặc biệt là cần cập nhật tri thức quản trị nhân sự đúng chuẩn quốc tế…

Khó khăn trong nghề quản trị nhân sự

Với 20 năm kinh nghiệm trong công tác quản trị nhân sự, chị Trịnh Thu Hồng - Trưởng ban Nhân sự FPT cho rằng, cái khó của nghề nhân sự chính là làm thế nào để hài hòa được lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động. Người làm nhân sự cùng các nhà quản lý tạo động lực, môi trường cho nhân viên hăng say làm việc nhằm đạt được mục tiêu chiến lược của công ty. Bên cạnh đó phải xây dựng những chính sách nhân sự và đào tạo đúng, kịp thời để phát triển và đãi ngộ nhân viên xứng đáng.

20 năm trong nghề, chị luôn phải đối mặt với việc làm thế nào để giữ chân nhân tài. Để đào tạo ra được một nhân sự giỏi, doanh nghiệp phải mất tới 2-3 năm, tiêu tốn khá nhiều ngân sách nhưng đến khi thạo việc, họ lại "nhảy" sang ngay công ty đối thủ. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là mức lương và chế độ đãi ngộ chưa thực sự hấp dẫn. Chỉ cần công ty đối thủ trả lương cao hơn, họ sẵn sàng chuyển việc. Lúc này, người quản trị nhân sự giỏi sẽ phải là người đánh giá đúng tình hình, đưa ra giải pháp tốt để dung hòa.

"Mặc dù nhân sự hiện được coi là một trong những nghề 'hot' nhưng chưa có nhiều trường đào tạo quản trị nhân sự chuyên nghiệp. Ở Việt Nam chỉ một số ít trường đại học đào tạo ngành quản trị nguồn nhân lực. Vì thế, sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn chưa có đầy đủ yếu tố và kỹ năng cần thiết của một người quản trị nhân sự", chị Hồng chia sẻ.

nghe-quan-tri-nhan-su-can-huong-den-cac-chung-chi-quoc-te

Trưởng ban Nhân sự FPT Trịnh Thu Hồng đang "rút ruột" để chia sẻ bầu kinh nghiệm gần 30 năm làm quản trị với các cán bộ nhân sự và CEO tại Viện quản trị Kinh doanh FSB.

Tố chất, kỹ năng cần có của một người quản trị nhân sự

Chị Trịnh Thu Hồng cho rằng, một người quản trị nhân sự giỏi cần có tầm nhìn tư duy chiến lược về định hướng phát triển của công ty; kiến thức rộng về chuyên môn và các lĩnh vực liên quan; kỹ năng lắng nghe, đánh giá năng lực, ra quyết định, lập kế hoạch và giao việc... Bên cạnh đó là khả năng tư duy sáng tạo và linh hoạt; tố chất nhạy bén, kiên nhẫn, tận tụy, sâu sắc và có tư chất thu phục nhân tâm.

"Nghề nhân sự đòi hỏi người có tâm và tính chuyên nghiệp rất cao, những người theo nghề này lâu dài cần luôn giữ tâm sạch, trau dồi kỹ năng làm việc hiệu quả, tư duy sáng tạo thành công", chị Hồng chia sẻ.

Trong quá trình toàn cầu hóa, công việc của nhà quản trị nhân sự không còn gói gọn trong biên giới một quốc gia. Dù là công ty lớn hay mới khởi nghiệp, xu thế toàn cầu hóa cũng đặt ra cho các nhà quản trị nhân sự không ít thách thức. Nếu đội ngũ nhân sự không bắt kịp tốc độ toàn cầu hóa thì sẽ hoạt động kém hiệu quả và khiến doanh nghiệp tụt hậu.

Bởi vậy, các nhà quản trị nhân sự buộc phải chủ động hội nhập để phát triển. Cuộc chiến “săn lùng” những cán bộ nhân sự sở hữu chứng chỉ nhân sự quốc tế để mời về làm quản trị nhân sự cũng đã thực sự bắt đầu ở các doanh nghiệp.

Tiêu chuẩn quốc tế cho ngành nhân sự

Chị Lê Anh Thùy Châu - chuyên gia nhân sự cao cấp của Công ty Talentnet, từng có thời gian sinh sống và làm việc tại Mỹ cho biết, một số lĩnh vực ở Việt Nam đã có những chuẩn mực quốc tế như tài chính - kế toán có ACCA, CFA; công nghệ thông tin có MCITP (Microsoft Certified IT Professional) hay CCIE (Cisco Certified Internetwork Expert)... Tuy nhiên, lĩnh vực nhân sự vẫn còn vắng bóng những chứng chỉ chuyên gia nghề nghiệp tương tự.

"Khi ra nước ngoài làm việc hoặc làm tại những công ty quốc tế có văn phòng ở Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp của Mỹ, người làm trong ngành này bắt buộc phải có chứng chỉ PHR (Professional in Human Resources). Nếu không có chứng chỉ này, bạn sẽ không xin được việc làm cũng như khó cạnh tranh với người bản xứ. Đây là chứng chỉ đầu tiên mà một chuyên viên nhân sự cần phải đạt được nếu muốn học lên các chứng chỉ cao hơn về quản trị nhân sự", chị Thùy Châu chia sẻ.

Từng theo học chứng chỉ PHR và được cấp bằng từ năm 2006, chị Thùy Châu nhận thấy, chứng chỉ này giúp chị tự tin dù làm việc tại nước ngoài hay Việt Nam. Nếu làm việc trong các công ty quốc tế có văn phòng ở Việt Nam, người có chứng chỉ này sẽ dễ dàng trao đổi với đối tác bên nước ngoài, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới luật nhân sự. Ngoài ra, trong quá trình học để lấy chứng chỉ, các học viên còn được học cách giải quyết các tình huống và điều này rất có lợi cho công việc thực tế.

Chị

Chị Hoàng Thị Lan Anh - Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị nhân sự, Khoa Quốc tế, Trường Đại học FPT với 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị nhân sự.

Đồng quan điểm này, chị Hoàng Thị Lan Anh - Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị nhân sự Khoa Quốc tế, Trường Đại học FPT cho biết, nhà quản trị nhân sự cần hướng đến những chứng chỉ nghề quốc tế để tạo tiền đề cũng như thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực. Chương trình đào tạo chứng chỉ nhân sự quốc tế PHR tập trung chủ yếu vào các kỹ thuật thực hiện nghiệp vụ nhân sự. Các môn học được nghiên cứu thực tiễn nhân sự theo chuẩn Mỹ và trong điều kiện thực tế của Việt Nam. Vì thế, đây là chương trình hữu ích cho những cán bộ chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự hoặc đã có kinh nghiệm nhưng chưa được hệ thống hóa kiến thức trong nghề.

Thu Ngân

VNExpress

Nghề quản trị nhân sự, quản trị nhân sự, chứng chỉ PHR, Viện Quản trị kinh doanh FSB


© 2021 FAP
  1,108,398       1/448