Giáo dục

10 lời khuyên để làm phụ huynh tốt hơn

Nếu bạn chấp nhận việc từ chối làm việc nhà của trẻ, không tin những gì giáo viên nói về cách trẻ học trên lớp, bào chữa cho những gì chúng làm hoặc không làm..., điều này sẽ đem lại kết quả ngược.

Đôi khi giáo viên nhìn thấy sự lo lắng hay khó khăn trong biểu hiện của trẻ và biết rõ điều đó đến từ phụ huynh. Những ông bố bà mẹ đều từng là những đứa trẻ và gặp nhiều khúc mắc với cách giáo dục của cha mẹ. Họ cần rút kinh nghiệm từ thiếu sót của những người đi trước.

Tờ The Guardian ngày 6/9 đăng bài viết của một hiệu trưởng, thay mặt nhà trường và trẻ em, đưa là những lời khuyên để phụ huynh có thể tốt hơn trong việc nuôi dạy con em mình.

1. Trẻ em luôn yêu thương và làm theo cha mẹ

Trẻ bắt chước những gì bạn làm, vì vậy hãy là hình mẫu tốt. Nếu bạn hành động tích cực trong cuộc sống, trên đường phố hay công viên, điều đó sẽ được phản ánh trong cách con cư xử với giáo viên, bạn bè, và với bạn. Ở trường, giáo viên đang cố gắng làm những tấm gương tốt về lễ phép và kính trọng. Nếu con bạn dùng những từ ngữ không hay với bạn bè, chúng không học điều đó từ giáo viên.

2. Hãy cho trẻ thấy sự quan tâm của bạn

Điều này không phải là việc nói “Bố mẹ yêu con” khắp mọi nơi. Khi đứa con 11 tuổi vào xe sau khi tan học, xin hãy tắt điện thoại. Trẻ muốn kể cho bạn nghe về một ngày ở trường. Hãy hỏi trẻ về trường học, khen ngợi những thành công con, khích lệ con khi gặp khó khăn. Con bạn sẽ làm tốt hơn ở trường nếu biết mình quan trọng với bạn như thế nào.

3. Con bạn cần ngủ

Hãy đảm bảo trẻ đi ngủ vào thời gian hợp lý và mang hết thiết bị công nghệ ra khỏi phòng. Đừng để trẻ ôm điện thoại hay máy tính bảng cả đêm. Đừng mua cho trẻ trò chơi điện tử mới nhất trước tuần kiểm tra và để rồi ngạc nhiên khi thấy chúng thức suốt đêm chơi và thi trượt.

4. Cho trẻ ăn uống đầy đủ

Trẻ nhỏ sẽ ăn thử nhiều loại thức ăn hơn nếu ở nhà cũng được ăn đa dạng. Bữa sáng rất quan trọng; bữa trưa đầy đủ là cần thiết. Và trẻ cũng cần đồ ăn nhẹ trong ngày. Đừng đưa cho trẻ tiền để mua cái gì đó trên đường đến trường. Túi bim bim không phải là bữa ăn. Trẻ cũng có thể đổ bữa trưa được chuẩn bị đi nếu chúng không thích.

Nếu trẻ nói không đói, hãy liên lạc ngay với giáo viên vì có thể điều gì đó đáng lo ngại đang xảy ra. Bữa ăn ở trường đã được cải thiện nhiều so với trước đây. Mặc dù bị miễn cưỡng nhưng trẻ sẽ ăn chúng nếu không có gì thay thế.

10-loi-khuyen-de-lam-phu-huynh-tot-hon

Đừng mua cho trẻ trò chơi điện tử mới nhất trước tuần kiểm tra của chúng và để rồi ngạc nhiên khi chúng thức suốt đêm chơi và thi trượt. Ảnh: The Guardian.

5. Những điều không đúng

Giáo viên hy vọng phụ huynh chia sẻ những mối quan tâm của họ. Giáo viên cũng hy vọng có thể đối phó với tất cả vấn đề. Vì vậy phụ huynh đừng để những bận tâm của mình bị “mưng mủ” làm cho tức giận. Sự giao tiếp có thể chậm nhưng xét một cách nghiêm túc, bạn có muốn giáo viên kiểm tra email của mình thay vì dạy trẻ? Khi có điều gì đó không đúng, đừng tắt điện thoại hay gây lộn xộn ở khu lễ tân của trường. Nhà trường muốn giải quyết các vấn đề nhanh nhưng có thể vấn đề của bạn không phải là cấp bách.

6. Con bạn có thể bị bắt nạt

Điều này không có nghĩa là các trường không an toàn. Có những đứa trẻ đáng sợ với những đứa trẻ khác. Đừng thay mặt con bạn đe dọa lại. Đây là một ý tưởng tồi vì bạn sẽ trở thành kẻ thù của cha mẹ những đứa trẻ kia. Hãy trấn an con và hỗ trợ nhà trường giải quyết vấn đề này với những đứa trẻ trong phòng gặp riêng. Hãy khuyến khích con bạn làm một đứa trẻ tốt, không phải chịu sự ganh ghét (cho dù bạn nghĩ chúng hoàn toàn là nạn nhân) và đứng lên bảo vệ bạn bè.

7. Đừng tin tất cả những gì con bạn nói về trường học 

Trẻ biết điểm yếu của bạn và cách đổ lỗi cho người khác. Đừng nổi cáu mà hãy bình tĩnh tìm hiểu từ nhà trường xem có chuyện gì xảy ra. Khi trẻ nhận ra bạn đang biến cuộc sống ở trường thành địa ngục, chúng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc quản lý vấn đề. Bạn sẽ hối tiếc việc này.

8. Nói xấu nhà trường trên mạng xã hội là ý tưởng không tốt

Đầu tiên, bất kỳ điều gì bạn viết ra có thể không thật sự đúng và dẫn đến các mối đe dọa, bạo lực. Và trong một số trường hợp, bạn có thể được mời đến sở cảnh sát. Thứ hai, việc bạn nói xấu sẽ chia rẽ nhà trường và gia đình, điều này hầu như không giúp giải quyết vấn đề. Đừng bình luận trên những bài đăng của phụ huynh hay trẻ em khác vì như vậy bạn đang làm tổn hại uy tín của chính mình.

9. Mạng xã hội có thể gây hại cho trẻ

Trẻ từ 13 tuổi mới nên dùng Facebook. Bạn có trách nhiệm giảm rủi ro cho con. Những mối nguy hiểm liên quan đến sức khỏe trí não bắt nguồn từ bạo lực Internet đang ngày càng nhiều. Trẻ có thể ghê gớm với những đứa trẻ khác và làm điều đó qua một ứng dụng vừa có thể khuếch tán ảnh hưởng vừa giảm thiểu trách nhiệm của thủ phạm. Bạn cần xóa những ứng dụng đang sử dụng và ngăn chặn trẻ tiếp xúc với những người lạ trên mạng, thậm chí “bạn” của con mình.

10. Đừng dung túng cho trẻ

Nếu bạn chấp nhận việc từ chối làm việc nhà của trẻ, nếu bạn không tin những gì giáo viên nói về cách trẻ học trên lớp, nếu bạn bào chữa cho những gì chúng làm hoặc không làm, những điều này sẽ đem lại kết quả ngược lại. Cuối cùng, con bạn sẽ cư xử như vậy ở nhà. Chúng sẽ đột nhiên không muốn làm việc nhà bởi vì chúng đang bận thi. Sẽ dễ dàng hơn nếu bạn hỗ trợ nhà trường ngay từ đầu và tìm cách để con có những thói quen tốt cho dù chúng ghét điều đó hay bạn gặp khó khăn.

Các phụ huynh nên nhớ rằng nhà trường không tách riêng bất kỳ đứa trẻ nào để quan tâm đặc biệt hơn. Nhà trường luôn muốn được hợp tác với phụ huynh để giúp trẻ phát triển toàn diện.

Quỳnh Linh (theo The Guardian)

VNExpress

lời khuyên, làm cha mẹ, hiệu trưởng


© 2021 FAP
  1,098,716       1/568