Giáo dục

Cô bé lấy lành lặn bù những thiệt thòi cho hai anh trai

Thương cha mẹ nghèo, hai anh trai bệnh tật nên ngoài giờ học, Diễm còn biết làm nhiều việc để phụ giúp gia đình với tất cả sự tận tâm và lòng hiếu thảo.

Tôi men theo con ngõ nhỏ phủ rêu xanh rì sau cơn mưa để tìm đến ngôi nhà của em Đỗ Thị Lệ Diễm. Lúc đó, bố mẹ Diễm vẫn còn ngoài đồng để gặt nốt xào lúa non mới bị cơn giông quật đổ. Còn Diễm thì đang tắm gội cho hai người anh trai tật nguyền như hai ông tượng do nhiễm chất độc màu da cam. Em làm những việc đó rất thành thục và hết sức tình cảm. Thi thoảng em lại khe khẽ hát giữa lúc thủ thỉ trò chuyện, dỗ dành hai anh. Cảnh tượng đầu tiên ấy khiến tôi cứ ám ảnh mãi, vừa thương, vừa xúc động nhưng cũng thật xót xa.

co-be-lay-lanh-lan-bu-nhung-thiet-thoi-cho-hai-anh-trai

Một bác trong xóm kể rằng bố em Diễm từng có thời gian đi bộ đội, bị nhiễm chất độc màu da cam. Hai anh trai của Diễm do di chứng chất độc nên cũng bị tật nguyền từ nhỏ, hai chân liệt, câm, điếc bẩm sinh, trí tuệ không phát triển. Khi mới rời quân ngũ, vì hoàn cảnh khó khăn, giấy tờ thất lạc nên không thể làm hồ sơ diện chính sách.

Vì nhiễm chất độc trong người cộng với nhiều năm gắng sức làm việc nặng nhọc, nên sức khỏe của bố Diễm ngày càng suy kiệt, một năm mấy lần ngã bệnh. Mẹ Diễm vốn không được khỏe sau nhiều năm chăm sóc hai con trai tật nguyền, nên giờ cũng bị thoái hóa cột sống, thấp khớp hành hạ triền miên. Mọi chi phí thuốc men và ăn uống của gia đình 5 miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng.

Em Lệ Diễm năm nay 14 tuổi nhưng dáng vẻ già dặn. Thương cha mẹ nghèo, anh trai bệnh tật nên Diễm sớm ý thức được bản thân phải có trách nhiệm phụ giúp gia đình. Dường như em quên luôn rằng mình cũng có tuổi thơ, bởi không khi nào được rong chơi, hồn nhiên với bạn bè cùng trang lứa.

Từ khi cắp sách đến trường, Diễm đã biết tự học cách chăm sóc bản thân và các anh khi bố mẹ suốt ngày quần quật ngoài đồng. Ngày nào cũng vậy, Diễm đều dậy từ rất sớm. Tranh nấu cơm, cho lợn, gà ăn rồi chạy nhanh đến lớp… Tan học, em thẳng đường về nhà quét dọn nhà cửa, tắm rửa và cho hai anh trai ăn… Nghỉ hè, em theo bố mẹ ra đồng, lúc rảnh lại nhận đồ hàng mã về nhà làm thêm để kiếm thu nhập cho gia đình. Diễm bảo nếu chịu khó làm thì mỗi ngày cũng được hơn chục nghìn đồng.

Chẳng một công việc nào khiến Diễm ái ngại hay than vãn. Cứ thế, tuổi thơ của Diễm đã lớn dần lên theo những vòng xoáy công việc, trách nhiệm, sự tận tâm và lòng hiếu thảo vô bờ. Một bà cụ trong xóm bảo: “Bố mẹ Diễm trông như hai cái xác khô, khắc khổ từ khi lọt lòng. May sinh thêm được con bé lành lặn mà biết tảo tần, vun vén cứ như bà cụ non ấy”.

Dù cuộc sống vất vả nhưng Diễm không bao giờ tỏ ra bi quan. Diễm bảo rằng bố mẹ đã khổ nhiều, nên em không muốn bố mẹ phiền lòng thêm nữa. Em luôn cố tỏ ra lạc quan, vui vẻ để mọi người trong nhà bớt buồn tủi và không ngừng hy vọng. Em có thể mặc quần áo cũ mọi người cho, ăn rau trừ bữa cũng chẳng sao, miễn là bố mẹ bớt gánh nặng. Diễm còn bảo rằng em sẽ cố gắng làm mọi việc có thể để bố mẹ, các anh vơi bớt nỗi lo và luôn tự hào về em.

Có lẽ điều em có thể làm tốt nhất chính là luôn học thật giỏi. Thế nên, trong căn nhà ọp ẹp của Diễm, thứ đẹp và quý giá nhất chính là những tờ giấy khen treo kín mít. Diễm còn hồn nhiên nói với tôi: “Hai anh trai cháu thích giấy khen này lắm. Những lúc các anh mệt hay giận dỗi điều gì, cháu chỉ cần cho xem giấy khen thì lại vui lên ngay”. Lần đầu tiên tôi biết có những niềm vui và hành phúc giản đơn đến thế.

Giữa những câu chuyện đầy niềm lạc quan, tôi vẫn nhận thấy đâu đó trong ánh mắt của Diễm chất chứa những nỗi niềm không dành cho con trẻ. Em bảo rằng chỉ mong các anh hết bệnh và bố mẹ bớt đau nhức mỗi khi đêm về. Bố mẹ đã gần 60 tuổi mà chưa một ngày được nghỉ ngơi. Nhưng em cũng lo lắng nhỡ một ngày bố mẹ lâm bệnh nặng thì phải xoay sở ra sao. Không biết em sau này có bị di chứng gì của chất độc hóa học không. Liệu em có thực hiện được những ước mơ đỗ vào cấp ba, vào đại học để trở thành một bác sĩ chữa bệnh cho mọi người?

Còn rất nhiều điều phải suy tính, những tôi tin với nghị lực phi thường cùng với một tình yêu thương vô bờ bến, nhất định Diễm sẽ không từ bỏ ước mơ của mình. Mong rằng em sẽ luôn mạnh mẽ và tự tin trên con đường đã chọn. Hy vọng chương trình "Học bổng Đèn Đom Đóm" sẽ tiếp thêm hy vọng và soi sáng bước em đi.

Đinh Quang Hoạch

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  753,811       5/716